Tính tới ngày 19/7, tổng nợ phải trả của món nợ này lên tới hơn 1.005 tỷ đồng; trong đó gồm hơn 424 tỷ đồng nợ gốc và gần 581 tỷ đồng nợ lãi.
Tài sản bảo đảm của khoản nợ này là gần 41 triệu cổ phiếu BVB của Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) thuộc sở hữu của CTCP Đầu tư Khu đô thị mới Sài Gòn (Saigon NIC).
Khoản nợ được này được rao bán với giá khởi điểm là hơn 905 tỷ đồng, thấp hơn 10% so với tổng nợ phải trả và chưa bao gồm thuế, phí.
Số cổ phiếu BVB được thế chấp ở trên bằng đúng toàn bộ số cổ phần của Ngân hàng Bản Việt mà Saigon NIC sở hữu. Hiện tại, Saigon NIC là cổ đông lớn duy nhất của ngân hàng này với tỷ lệ sở hữu lên tới 11,61%.
Đáng chú ý, theo báo cáo thường niên năm 2020, số lượng cổ phiếu trên trùng khớp với số cổ phần bị phong tỏa của Ngân hàng Bản Việt tính đến 31/12/2020. Ngoài ra, tại thời điểm đó còn có hơn 42,4 triệu cổ phần bị hạn chế chuyển nhượng.
Theo Nhadautu, vào cuối năm 2012, toàn bộ số cổ phần BVB này đem thế chấp tại Sacombank chi nhánh Trần Hưng Đạo và được định giá ở mức 515 tỷ đồng, tương đương 12.600 đồng/cp. Song đến cuối năm 2015, Sacombank đã hạ định giá lô cổ phần này xuống 450 tỷ đồng, tức còn 11.000 đồng/cp.
Tính với mức giá 22.000 đồng/cp kết phiên 24/9, số cổ phần BVB này có trị giá lên tới xấp xỉ 900 tỷ đồng, cao gần gấp đôi định của Sacombank đưa ra năm 2015, tuy nhiên chưa bằng mức giá khởi điểm của khoản nợ đang được rao bán.
Diễn biến giá cổ phiếu BVB thời gian gần đây (Nguồn: TradingView)
Ở một diễn biến khác, vào hồi tháng 7, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank - Mã: SGB) cũng đã đấu giá toàn bộ 8,3 triệu cổ phiếu BVB với giá chào bán là 22.800 đồng/cp. Song, Saigonbank vẫn chưa thể thoái vốn khỏi Ngân hàng Bản Việt thành công khi trải qua hai lần đầu giá bất thành do không có nhà đầu tư nào tham gia.
Cuối quý II vừa qua, Ngân hàng Bản Việt đã khóa giảm tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa từ 30% xuống còn 5%.
Theo ý kiến của HĐQT ngân hàng, việc duy trì room ngoại ở mức 30% là khá lớn so với quy mô giao dịch, tình hình cơ cấu cổ đông động khi đó và định hướng của ngân hàng trong tương lại.
"Điều này có khả năng làm ảnh hướng rất đáng kể đến biến động giá cổ phiếu trong thời gian tới", HĐQT cho hay.
Do đó, HĐQT Bản Việt cho rằng việc điều chỉnh tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa là hết sức cần thiết để ổn định giá cổ phiếu, bảo đảm quyền lợi của cổ đông trong nước và nâng cao năng lực của ngân hàng.
Anh Khôi
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam