Sau Thái Lan và Việt Nam, Trung Quốc chuẩn bị nhập khẩu sầu riêng từ ‘ông trùm’ thế giới, sản lượng 2 triệu tấn mỗi năm
Đây là quốc gia có sản lượng sầu riêng đứng đầu thế giới.
Theo SCMP, sầu riêng Indonesia đang ngày càng được ưa chuộng ở nước ngoài khi đối tác thương mại lớn nhất là Trung Quốc, có ý định tăng cường mua "trái cây vua" từ quốc gia Đông Nam Á này.

Bộ trưởng Ngoại giao Sugiono gần đây đã đến Bắc Kinh để gặp người đồng cấp Trung Quốc - ông Vương Nghị. Người phát ngôn của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Indonesia cho biết Trung Quốc có kế hoạch nhập khẩu sầu riêng do Indonesia trồng, do đó có thể mở đường cho Jakarta thu hẹp sự mất cân bằng thương mại với Bắc Kinh.
“Trung Quốc bày tỏ sự quan tâm lớn trong việc cấp quyền tiếp cận thị trường lớn hơn cho các sản phẩm của Indonesia, cụ thể là thủy sản và sầu riêng”, người phát ngôn chia sẻ.
Viễn cảnh sầu riêng Indonesia vào Trung Quốc đã khơi dậy sự tò mò của người tiêu dùng Trung Quốc. "Nếu sầu riêng Indonesia đông lạnh đến các cửa hàng trái cây ở Thượng Hải, tôi sẽ thử một quả trước", Zhao Yu, một chuyên gia tài chính 38 tuổi sống tại thành phố này cho biết.
Dữ liệu hải quan cho thấy Trung Quốc đã nhập khẩu 15,6 triệu tấn sầu riêng vào năm 2024, với giá trị nhập khẩu đạt mức cao nhất mọi thời đại là gần 7 tỷ USD. Thái Lan là nhà cung cấp trái cây nhiệt đới được yêu thích lớn nhất của Trung Quốc, chiếm 57% thị phần vào năm 2024. Hãng thông tấn nhà nước Antara đưa tin rằng Hải quan Trung Quốc đã đến thăm Indonesia vào tháng trước để kiểm tra đồn điền sầu riêng địa phương, quy trình thu hoạch và nhà đóng gói - tất cả để đảm bảo rằng chúng đạt tiêu chuẩn. Kết quả kiểm toán sẽ là bước ngoặt trong kế hoạch thâm nhập thị trường sầu riêng Trung Quốc của Indonesia.
Indonesia đã xuất khẩu 600 tấn sầu riêng trong suốt năm 2024 - trị giá tổng cộng khoảng 1,8 triệu USD. Một phần lớn trong số những loại trái cây đó đã được vận chuyển đến Thái Lan và Hồng Kông (Trung Quốc), theo Cơ quan Thống kê Trung ương (BPS). Tuy nhiên, Indonesia cũng đã nhập khẩu 459,3 tấn sầu riêng trồng ở nước ngoài trị giá 3,6 triệu USD trong năm đó. Chúng chủ yếu đến từ những nước láng giềng gần là Malaysia và Thái Lan.
Indonesia là quốc gia sản xuất sầu riêng lớn nhất Đông Nam Á, với khoảng 2 triệu tấn trái cây được thu hoạch mỗi năm. Tuy nhiên, phần lớn sản phẩm được tiêu thụ trong nước, và sản phẩm của Indonesia thường không có tiêu chuẩn chất lượng đồng nhất, điều này có thể gây khó khăn cho việc xuất khẩu.
Theo các chuyên gia, sầu riêng đông lạnh có thể là một cách để Indonesia thử nghiệm trên thị trường Trung Quốc. Malaysia cũng đã bắt đầu xuất khẩu sầu riêng đông lạnh trước khi gửi sầu riêng tươi vào Trung Quốc vào năm 2024. Tuy nhiên, vì Indonesia là một “tân binh” trên thị trường này, trái cây của họ sẽ không có được sự nhận diện thương hiệu mạnh mẽ như các nhà cung cấp khác, đặc biệt là Thái Lan và Malaysia, vốn đã thiết lập được chuỗi cung ứng và uy tín tại Trung Quốc.
BPS cũng báo cáo rằng khoảng 23,8% xuất khẩu phi dầu khí của Indonesia đã đến Trung Quốc vào tháng trước. Điều này khiến Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Indonesia, đứng thứ hai là Mỹ với thị phần 12,1% và Ấn Độ gần 6,5%. Xuất khẩu sang Trung Quốc đã tăng vọt từ khoảng 4,3 tỷ USD vào tháng 2 lên 5,2 tỷ USD vào tháng 3.