Phiên giao dịch chiều ngày 9/1 chứng kiến cổ phiếu MVN của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam - Công ty CP (VIMC) tiếp tục tăng mạnh hơn 7%, chạm mức 64.000 đồng/cổ phiếu, với khối lượng khớp lệnh hơn 45 nghìn đơn vị. Đây là phiên tăng điểm thứ 3 liên tiếp của cổ phiếu này, trong đó có một phiên tăng "kịch trần" vào ngày 8/1. Tính trong 2 tháng qua, thị giá MVN đã tăng tới 106%.
Ảnh minh họa |
Đà tăng mạnh của MVN đến ngay sau Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024 của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam diễn ra vào ngày 6/1/2025. Tại hội nghị, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Tổng Giám đốc VIMC đã công bố các kết quả kinh doanh ấn tượng trong năm 2024 và định hướng chiến lược cho năm 2025.
Theo báo cáo, VIMC đạt mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm qua, với sản lượng vận tải biển đạt gần 20 triệu tấn, vượt 22% kế hoạch năm. Trong lĩnh vực cảng biển, tổng sản lượng hàng hóa thông qua đạt khoảng 145 triệu tấn, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2023 và vượt 17% kế hoạch năm.
Kết quả này giúp doanh thu toàn hệ thống VIMC đạt 24.813 tỷ đồng, trong đó doanh thu hợp nhất đạt 18.208 tỷ đồng, tăng 30% so với năm trước và vượt 35% kế hoạch. Lợi nhuận toàn hệ thống ước đạt 4.940 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận hợp nhất đạt 3.510 tỷ đồng, tăng 65% so với năm 2023. Thu nhập bình quân của người lao động đạt 18,2 triệu đồng/tháng, riêng công ty mẹ đạt 25,1 triệu đồng/tháng, vượt 9% kế hoạch.
Năm 2024, VIMC cũng thúc đẩy mạnh mẽ các dự án trọng điểm. Đáng chú ý là dự án bến container số 3 và số 4 tại cảng Lạch Huyện (Hải Phòng) đang hoàn tất giai đoạn cuối và dự kiến đưa vào khai thác ngay trong quý I/2025.
Bên cạnh đó, dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ đã hoàn thiện hầu hết các thủ tục cần thiết. VIMC và đối tác Terminal Investment Limited Holding S.A (TIL), thành viên của hãng tàu MSC, đề xuất tổng vốn đầu tư 113.531,7 tỷ đồng (tương đương 4,5 tỷ USD).
Dự án nằm trên diện tích 571ha tại xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP. HCM, với tổng chiều dài cầu cảng chính dự kiến khoảng 7km. Sau khi hoàn thành, cảng sẽ có khả năng xử lý 16,9 triệu TEU vào năm 2047, tương đương 50% sản lượng cảng biển Singapore hiện nay.
Theo thông tin từ lãnh đạo Sở Giao thông vận tải TP. HCM, Phó Thủ tướng đang cân nhắc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án này. Sau khi được thông qua, thành phố sẽ tiến hành đẩy nhanh các bước triển khai, phấn đấu khởi công dự án ngay trong năm 2025, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).
Trước đó, vào đầu tháng 12/2024, Bộ KH&ĐT đã có Báo cáo thẩm định số 10120/BC-BKHĐT gửi Thủ tướng Chính phủ, báo cáo lần thứ 2 về Hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án này. Một số điều kiện đáng chú ý để dự án được phê duyệt:
Nhà đầu tư chỉ được thực hiện dự án sau khi đảm bảo phù hợp quy hoạch các cấp, chuyển mục đích sử dụng rừng và đất rừng theo đúng quy định, đồng thời hoàn thành thủ tục về bảo vệ môi trường.
Công nghệ sử dụng phải đáp ứng quy định của pháp luật về chuyển giao và ứng dụng.
Nhà đầu tư không được chuyển nhượng dự án trong vòng 5 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Sau thời gian này, việc thay đổi nhà đầu tư phải tuân thủ quy định pháp luật và được UBND TP. HCM chấp thuận.
Các hoạt động chuyển nhượng liên quan đến nhà đầu tư nước ngoài phải được Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các cơ quan liên quan đồng ý.
FiinTrade: Thanh khoản chứng khoán dự báo bùng nổ vào cuối năm 2025 Theo thống kê của FiinTrade, nhà đầu tư cá nhân chiếm 80% thanh khoản thị trường chứng khoán năm 2024 với tổng giá trị mua ... |
Chứng khoán phiên sáng 9/1: VN-Index "đỏ nhẹ", cổ phiếu TMT gây bất ngờ Thị trường chứng khoán phiên sáng ngày 9/1 chứng kiến dòng tiền chảy vào thị trường tương đối yếu, với chỉ hơn 2 nghìn tỷ ... |
Agriseco dự báo thị trường chứng khoán Việt Nam bứt phá ngay trong quý 1/2025 Agriseco dự báo xác suất tăng điểm của thị trường chứng khoán tháng 1/2025 đạt 58,3%. Đồng thời, quý 1/2025 được dự báo là quý ... |
Nguyên Nam