Việt Nam được chọn là quốc gia nghiên cứu vaccine phòng bệnh lao Việt Nam hiện là nước có gánh nặng bệnh lao cao trên toàn cầu |
Để kiểm soát bệnh lao, nhằm đạt các mục tiêu của Chiến lược phòng, chống bệnh lao, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 25/CĐ-TTg về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh lao.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương: Tiếp tục quán triệt, triển khai chủ động, hiệu quả Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh lao đến năm 2020 và tầm nhìn 2030; tăng cường tuyên truyền công tác phòng, chống bệnh lao là một nhiệm vụ quan trọng, lâu dài của cả hệ thống chính trị, của các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương, trong đó ngành y tế là nòng cốt, lấy y tế cơ sở làm trọng tâm; gánh nặng do bệnh lao gây ra cho người bệnh, gia đình, cộng đồng và xã hội; bệnh lao là bệnh chữa khỏi được.
Đáng lo ngại, số người trẻ mắc bệnh lao gia tăng |
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố: Củng cố năng lực hệ thống khám bệnh, chữa bệnh (công lập và tư nhân), đặc biệt là hệ thống y tế cơ sở trong việc phát hiện, quản lý, điều trị và phòng bệnh lao, trong đó có việc gắn kết với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Kiện toàn, nâng cao năng lực hệ thống cơ sở phòng, chống bệnh lao trên địa bàn. Bám sát tình hình bệnh lao tại địa phương để kịp thời chỉ đạo công tác phát hiện và điều trị bệnh nhân lao. Triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh lao trong cộng đồng. Ưu tiên phân bổ nguồn lực từ ngân sách địa phương cho công tác phòng, chống bệnh lao trên địa bàn, nhất là các tỉnh có số mắc lao cao.
Bộ trưởng Bộ Y tế: Chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ công tác phòng, chống bệnh lao cho các địa phương; tổ chức tổng kết 10 năm triển khai Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh lao đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, trên cơ sở đó đề xuất Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh lao cho giai đoạn mới; rà soát, xây dựng và cập nhật hướng dẫn chuyên môn về phát hiện, chẩn đoán, điều trị và quản lý, dự phòng bệnh lao; khẩn trương hoàn thiện, ban hành "Hướng dẫn triển khai hoạt động phát hiện chủ động, tích cực bệnh lao, lao tiềm ẩn, một số bệnh hô hấp tại cộng đồng và cơ sở y tế"; tăng cường các giải pháp bảo đảm nguồn lực, nhất là thuốc điều trị cho công tác phòng, chống bệnh lao…
Uỷ ban Quốc gia về chấm dứt bệnh lao: Tăng cường công tác tham mưu, đề xuất, kịp thời kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ biện pháp, cơ chế chính sách, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai giải pháp để sớm chấm dứt bệnh lao...
Những năm qua, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống bệnh lao. Các cấp, ngành và cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức quốc tế đã tham gia vào công tác kiểm soát để chấm dứt bệnh lao. Do đó, hoạt động phòng, chống bệnh lao đã đạt được thành tựu đáng khích lệ: Hàng năm, tập trung phát hiện được trên 100.000 bệnh nhân lao; tỷ lệ điều trị thành công bệnh lao đạt >90%, đang triển khai nhiều sáng kiến, kỹ thuật mới trong công tác phòng, chống bệnh lao nên tỷ lệ phát hiện bệnh được phục hồi nhanh sau dịch Covid 19. Tình trạng bệnh lao và lao kháng thuốc đang từng bước được kiểm soát…
Tuy nhiên, hàng năm số tử vong do bệnh lao còn cao, khoảng 13.000 người; còn nhiều người mắc bệnh lao trong cộng đồng chưa được phát hiện. Theo báo cáo năm 2023 của Tổ chức Y tế Thế giới, Việt Nam xếp thứ 11 trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao và lao kháng thuốc cao nhất thế giới.
Đáng lo ngại, còn 40% người mắc lao trong cộng đồng nhưng chưa được phát hiện và điều trị, đặc biệt người trẻ mắc lao gia tăng. Nếu như trước đây, bệnh lao hay xảy ra ở người lớn thì nay đã gia tăng ở trẻ em và người trẻ tuổi.
Theo báo cáo của Chương trình Chống lao Quốc gia, năm 2023, Việt Nam đã phát hiện 106.086 trường hợp mắc lao các thể, tăng 2.282 bệnh nhân, tương đương tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng 27.151 (34,4%) so với cùng kỳ năm 2021. Phát hiện lao kháng đa thuốc năm 2023 là 3.775 bệnh nhân, cao hơn các năm 2020, 2021, 2022 lần lượt là 7,8%, 45,8% và 9,5%.
Các chuyên gia lo lắng khi kết quả điều trị lao kháng thuốc năm 2023 chỉ đạt mức 72,3% so với chỉ tiêu kế hoạch; tỷ lệ bỏ điều trị còn cao trong khi phác đồ chuẩn ngắn hạn đã được mở rộng trên cả nước.
Tâm An