Sẽ có biện pháp xử lý các ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất | |
“Sắc đỏ” áp đảo cổ phiếu ngân hàng tuần qua, EIB thỏa thuận hàng nghìn tỷ đồng |
Theo báo cáo, tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng TPBank tăng nhẹ 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái lên gần 3,8 nghìn tỷ đồng trong quý III/2022, do hoạt động kinh doanh trái phiếu không mấy khả quan. Lợi nhuận cốt lõi tăng trưởng 54% so với cùng kỳ, đạt khoảng 2,1 nghìn tỷ đồng, điều này là do việc tích cực trích lập dự phòng trong quý III/2021.
Thanh khoản được duy trì khá dồi dào nhờ tăng trưởng huy động từ khách hàng (tăng 16,6% so với đầu năm) trong khi tăng trưởng tín dụng ở mức khiêm tốn 11,2% so với cùng kỳ. Số dư trái phiếu doanh nghiệp giảm nhẹ so với quý II/2022, nhưng vẫn chiếm 12,5% tổng dư nợ trong quý III/2022.
Mặt khác, các khoản nợ tái cơ cấu không còn là mối quan ngại chính, khi số dư nợ tái cơ cấu đã giảm xuống 0,4% tổng tín dụng trong quý III/2022. Mặc dù nợ xấu tăng nhẹ trong quý III/2022, nhưng tỷ lệ này vẫn có thể kiểm soát tốt ở mức dưới 1%.
Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank – Mã: TPB) |
Trong năm 2022, SSI Research dự báo lợi nhuận trước thuế của TPBank sẽ đạt 8 nghìn tỷ đồng (tăng 32,5% so với cùng kỳ), nhờ tăng trưởng tín dụng 15% so với đầu năm với hạn mức tăng trưởng tín dụng được cập nhật mới nhất và tăng trưởng thu nhập phí đạt 37,8% so với cùng kỳ.
Trong môi trường lãi suất tăng và hạn mức tăng trưởng tín dụng được kiểm soát chặt chẽ, SSI ước tính tăng trưởng huy động (tăng 16,2% so với đầu năm) sẽ vượt mức tăng trưởng tín dụng (tăng 15% so với đầu năm), khiến NIM giảm 39 điểm cơ bản so với cùng kỳ xuống 3,97% và ROE giảm 68 điểm cơ bản xuống 21,9 %. Ngoài ra, việc Thông tư 14 hết hiệu lực và lãi suất cho vay tăng lên sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ nợ xấu, dự báo của SSI cho tỷ lệ nợ xấu là 1,1%.
Năm 2023, SSI kỳ vọng lợi nhuận trước thuế của TPBank đạt 9 nghìn tỷ đồng (tăng 11,8% so với cùng kỳ).
SSI điều chỉnh tăng ước tính tăng trưởng dư nợ khách hàng lên 14,5% so với giả định trước đây là 12,5%, trong khi số dư trái phiếu doanh nghiệp giảm 15% so với đầu năm. Do thanh khoản vẫn ở mức khá nên SSI cho rằng tăng trưởng tổng tiền gửi sẽ là 12,5%, đủ hỗ trợ cho tăng trưởng tín dụng là 11,5% so với đầu năm cho năm 2023
Đến nay, tỷ giá và thanh khoản đã được cải thiện, áp lực tăng lãi suất giảm bớt. Tuy nhiên, SSI dự báo chi phí huy động vốn trung bình tại TPBank sẽ tăng thêm 109 điểm cơ bản vào năm 2023, khiến NIM và ROE giảm xuống mức 3,82% (giảm 15 điểm cơ bản so với cùng kỳ) và 20% (giảm 204 điểm cơ bản so với cùng kỳ).
SSI quan sát thấy lãi suất huy động đã tăng trở lại mức trước đại dịch Covid (một số ngân hàng thậm chí còn cao hơn), khiến tiền gửi có kỳ hạn trở thành một kênh đầu tư hấp dẫn.
Ngoài ra, việc thắt chặt tín dụng để kiểm soát lạm phát có thể sẽ kéo dài (ít nhất đến nửa đầu năm 2023) khiến các doanh nghiệp phải sử dụng vốn của mình để tài trợ cho hoạt động kinh doanh hàng ngày. Do đó, SSI dự báo tỷ lệ CASA sẽ ở mức 16,5% cùng với sự sụt giảm của cả CASA khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân trong năm 2023.
Trong quý III/2022, kênh ngân hàng số của TPBank đã đóng góp tới 49% tổng số khách hàng mới (so với 44,7% trong quý II/2022). SSI tin rằng mô hình này (bao gồm cả hệ thống LiveBank) sẽ hỗ trợ ngân hàng thu hút thêm nhiều khách hàng đặc biệt là thế hệ trẻ. SSI dự báo doanh thu phí dịch thanh toán sẽ tăng 30% so với cùng kỳ, giúp thu nhập phí thuần tăng 28,8% vào năm 2023.
Nợ xấu ngoại bảng có khả năng tăng lên 1,2% vào năm 2023, với tỷ lệ hình thành nợ xấu là 1,58% do lãi suất cho vay cao hơn; và yêu cầu về vốn của ngân hàng để cơ cấu lại các khoản vay. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu có thể thấp hơn nếu dự thảo sửa đổi Nghị định 65 được thông qua.
Cụ thể, các khoản thanh toán gốc trái phiếu có thể được hoãn lại tới hai năm, bất cứ khi nào 65% trái chủ đồng ý. Vì hiệu quả hoạt động của trái phiếu doanh nghiệp có mối tương quan cao với lĩnh vực bất động sản, SSI tin rằng việc sửa đổi này sẽ giảm bớt khó khăn thanh khoản cho các chủ đầu tư bất động sản và giảm nợ xấu tiềm ẩn cho các ngân hàng đặc biệt đối với các khoản trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn vào năm 2023.
Mặc dù SSI không tính đến rủi ro tiềm ẩn phát sinh từ trái phiếu doanh nghiệp do TPBank nắm giữ nhưng công ty chứng khoán này đã điều chỉnh giảm vốn chủ sở hữu của TPB để phản ánh những biến động bất ngờ có thể xảy ra trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Do đó, SSI ước tính BVPS (giá trị sổ sách của cổ phiếu) sau điều chỉnh là 22.800 đồng/cổ phiếu. SSI cũng điều chỉnh giảm P/B mục tiêu từ 1,8 lần xuống 1 lần để phản ánh môi trường lãi suất tăng, khiến NIM và ROE giảm, cùng với nợ xấu tiềm ẩn phát sinh từ lĩnh vực bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp. Theo đó, SSI lặp lại khuyến nghị trung lập đối với cổ phiếu TPB của TPBank, với giá mục tiêu 1 năm là 22.800 đồng/cổ phiếu.
Hoàng Hà