Trong báo cáo chiến lược năm 2025, Trung tâm phân tích và tư vấn đầu tư SSI (SSI Research) cho rằng, năm 2025 hứa hẹn sẽ mở ra các yếu tố hỗ trợ mạnh sau thời gian dài chờ đợi và kỳ vọng thay đổi, khi Việt Nam bắt đầu bước vào một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.
Kỷ nguyên mới cũng đồng nghĩa với việc phải chuẩn bị cho những thay đổi chưa từng thấy từ trước tới nay. Trong đó, có những cải cách đã bắt đầu từ cuối năm 2024 như thực hiện tinh gọn bộ máy Chính phủ hay quyết tâm đẩy nhanh đầu tư công vào hạ tầng và giải quyết những vấn đề tồn đọng trong lĩnh vực bất động sản. Theo quan điểm của nhóm phân tích, nếu thành công, đây sẽ là 3 yếu tố trong nước có thể giúp thúc đẩy tăng trưởng năm 2025.
"Đất nước đang cần vốn cho kế hoạch phát triển tổng thể trong 5 năm tới và chúng tôi tin rằng những yếu tố này đang định hình nền tảng cho thị trường chứng khoán đạt được mức tăng trong năm 2025", chuyên gia của SSI nhận định.
Theo SSI Research, các cải cách hiện tại đang hướng tới việc tạo ra một môi trường đầu tư tốt hơn ở Việt Nam, với tầm nhìn rút ngắn thủ tục hành chính và nâng cao hiệu quả cơ sở hạ tầng.
Đầu tư công là một chủ đề quen thuộc với các nhà đầu tư nhưng đã có những tiến triển gần đây có thể mang đến góc nhìn khác biệt so với trước đây. Một số dự án quy mô lớn đang được bổ sung vào danh sách đầu tư công và mô hình BT (xây dựng và chuyển giao) sẽ được tái triển khai vào năm 2025. Điều này rất quan trọng để thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân vào các dự án cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, việc tinh gọn bộ máy sẽ giảm được chi tiêu thường xuyên của Chính phủ và giúp gia tăng nguồn vốn đầu tư công.
Tất cả những cải cách này nhằm tối ưu hóa môi trường đầu tư sẽ có lợi cho sản xuất và thu hút thêm dòng vốn FDI. Đối với nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, việc triển khai NPS (Non Pre-funding Soloutions) và việc tái khởi động KRX sẽ là những bước quan trọng để Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi (EM) và thu hút dòng vốn nước ngoài mới.
Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ dự kiến sẽ giúp tăng cường nguồn cung bất động sản đáng kể trong năm 2025, tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh cũng như ở các tỉnh thành khác. Chính phủ đang nỗ lực giảm thời gian cấp phép cho các dự án mới và giải quyết những vướng mắc pháp lý của các dự án hiện tại. Tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, lượng cung bất động sản có thể tăng 44% năm 2025, theo ước tính SSI Research.
Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố tạo động lực trên, nhóm phân tích lưu ý trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang được thu hút để hỗ trợ cho kế hoạch phát triển đa dạng của đất nước, xuất khẩu có thể phải đối mặt với rủi ro thuế quan cao hơn và áp lực về tỷ giá vẫn tiếp tục.
Đồng thời, động lực tiêu dùng trong nước, vốn đã bị ảnh hưởng đáng kể bởi thị trường bất động sản trì trệ trong một thời gian dài, có thể cần thêm thời gian để người tiêu dùng hồi phục niềm tin và tiêu dùng trở lại. Vì vậy, tăng trưởng kinh tế năm 2025 của Việt Nam dự kiến sẽ chủ yếu đến từ đầu tư và sản xuất, thay vì từ tiêu dùng trong ngắn hạn.
Do đó, để có thể đạt mức tăng trưởng GDP 2 con số như mục tiêu của Chính phủ, SSI Research cho rằng, việc đẩy nhanh đầu tư công, đặc biệt là nâng cấp cơ sở hạ tầng và sự phục hồi của ngành bất động sản, sẽ là 2 chủ điểm đầu tư trong năm 2025.
Từ những phân tích trên, SSI Research có góc nhìn lạc quan hơn về các ngành xây dựng, vật liệu xây dựng, bất động sản nhà ở và công nghệ thông tin trong năm 2025, trong khi việc nâng hạng lên thị trường mới nổi sẽ tạo động lực cho các cổ phiếu vốn hóa lớn.
Ngoài ra, ngành bán lẻ tiếp tục được ưu tiên lựa chọn trong năm 2025, với kỳ vọng tiêu dùng nội địa sẽ dần hồi phục và tăng trưởng về dài hạn.
Dựa trên 84 công ty trong danh sách nghiên cứu, SSI Research dự báo tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp này ước đạt 16,4% trong năm 2025, cải thiện từ mức 13,2% của năm 2024.
Với việc khởi động các cải cách đã đề cập ở trên và kỳ vọng nâng hạng lên thị trường mới nổi, SSI Research kỳ vọng định giá thị trường sẽ không bị điều chỉnh trong năm đầu tiên của kỷ nguyên mới và dự báo VN-Index có thể chạm mức 1.450 điểm vào cuối năm 2025.
Trước đó, nhiều công ty chứng khoán cũng đưa ra nhận định lạc quan cho rằng, VN-Index có thể bứt phá mạnh về mặt điểm số trong năm 2025 trên cơ sở kỳ vọng nền tảng vĩ mô ổn định dưới những chính sách điều hành của cơ quan quản lý, kỳ vọng nâng hạng thị trường đón dòng tiền lớn, khả năng tăng trưởng doanh nghiệp tích cực và định giá duy trì hấp dẫn.
Cụ thể, theo quan điểm của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), nếu định giá tương đương mặt bằng bình quân khu vực, VN-Index có thể đạt 1.555 điểm với P/E đạt 14,6x và EPS thị trường tăng 12%. Với kịch bản khả quan, chỉ số có thể đạt 1.663 điểm với kỳ vọng nâng hạng thị trường.
Chứng khoán Tiên Phong (ORS) dự báo VN-Index có thể dao động quanh mục tiêu 1.470 điểm, tương ứng với mức tăng trưởng 10% cho cả năm và P/E mục tiêu ở ngưỡng 15,x (tương đương với mức P/E trung bình của 10 năm gần nhất). Trong kịch bản tích cực, thị trường chứng khoán năm 2025 có thể vượt đỉnh lịch sử, đạt khoảng 1.537 điểm.
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo VN-Index có thể kết thúc năm 2025 ở mức 1.486 điểm trong kịch bản cơ sở, với P/E mục tiêu 13,8 lần. Trong khi, Chứng khoán KBSV, VPBankS, ABS,... cũng dự báo thị trường chứng khoán năm nay có thể vượt 1.400 điểm.
Hoàng Hà