Chứng khoán cơ sở
Chứng khoán cơ sở là các tài sản tài chính mà nhà đầu tư có thể mua bán trực tiếp trên thị trường, bao gồm cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ và các công cụ tài chính khác. Khi sở hữu chứng khoán cơ sở, nhà đầu tư có quyền hưởng lợi từ sự biến động giá trị của tài sản, nhận cổ tức và tham gia các quyền lợi của cổ đông (đối với cổ phiếu).
Ví dụ: Khi một nhà đầu tư mua cổ phiếu của một công ty, họ sở hữu một phần nhỏ của công ty đó. Nếu công ty phát triển tốt, giá cổ phiếu có thể tăng và nhà đầu tư có thể bán để thu lợi nhuận. Nếu công ty chi trả cổ tức, người nắm giữ cổ phiếu cũng nhận được một phần lợi nhuận này.
![]() |
Chứng khoán phái sinh là công cụ tài chính dưới dạng hợp đồng, bao gồm hợp đồng quyền chọn, hợp đồng tương lai, hợp đồng kỳ hạn |
Chứng khoán phái sinh
Theo khoản 9 Điều 4 Luật Chứng khoán 2019, chứng khoán phái sinh là công cụ tài chính dưới dạng hợp đồng, bao gồm hợp đồng quyền chọn, hợp đồng tương lai, hợp đồng kỳ hạn. Trong đó xác nhận quyền và nghĩa vụ của các bên đối với việc thanh toán tiền hoặc chuyển giao số lượng tài sản cơ sở nhất định theo mức giá đã được xác định trong khoảng thời gian hoặc vào ngày đã xác định trong tương lai. Về bản chất, chứng khoán phái sinh là công cụ tài chính có giá trị phụ thuộc vào chứng khoán cơ sở. Nó không có giá trị nội tại riêng, biến động theo tài sản đại diện.
Sự khác biệt giữa chứng khoán cơ sở và chứng khoán phái sinh
Quyền sở hữu:
Chứng khoán cơ sở: Nhà đầu tư sở hữu trực tiếp tài sản, có quyền nhận cổ tức và tham gia các quyền lợi của cổ đông.
Chứng khoán phái sinh: Nhà đầu tư không sở hữu tài sản cơ sở mà chỉ giao dịch hợp đồng dựa trên giá trị tài sản đó. Lợi nhuận được tạo ra từ sự chênh lệch giá, không cần nắm giữ tài sản thực tế.
Mục đích đầu tư:
Chứng khoán cơ sở: Thường được sử dụng để đầu tư dài hạn, tận dụng tăng trưởng của doanh nghiệp hoặc tổ chức phát hành để gia tăng giá trị tài sản theo thời gian.
Chứng khoán phái sinh: Chủ yếu phục vụ mục đích đầu cơ hoặc phòng ngừa rủi ro. Nhà đầu tư có thể kiếm lời từ sự biến động giá mà không cần sở hữu chứng khoán cơ sở, đồng thời có thể sử dụng để giảm rủi ro trong danh mục đầu tư.
Cách thức giao dịch:
Chứng khoán cơ sở: Được mua bán trực tiếp trên các sàn theo mức giá thị trường. Nhà đầu tư đặt lệnh mua bán qua công ty chứng khoán và sở hữu tài sản sau khi hoàn tất.
Chứng khoán phái sinh: Giao dịch thông qua hợp đồng có điều khoản xác định trước về giá trị tài sản cơ sở. Các giao dịch này diễn ra trên thị trường phái sinh - nơi nhà đầu tư có thể thực hiện mua hoặc bán hợp đồng mà không cần nắm giữ tài sản thực.
Thời hạn nắm giữ:
Chứng khoán cơ sở: Không có ngày đáo hạn, nhà đầu tư có thể giữ tài sản thời gian tùy thích, phù hợp với những người muốn đầu tư dài hạn và chờ đợi giá trị tài sản tăng trưởng theo thời gian.
Chứng khoán phái sinh: Thường có thời gian đáo hạn, yêu cầu nhà đầu tư phải thực hiện thanh toán hoặc đóng hợp đồng vào thời điểm cụ thể. Do đó, chứng khoán phái sinh thường sử dụng trong các chiến lược giao dịch ngắn hạn.
Rủi ro:
Chứng khoán cơ sở: Có mức rủi ro thấp hơn, nhưng vẫn chịu ảnh hưởng từ biến động giá của tài sản. Trường hợp doanh nghiệp kinh doanh không tốt, giá trị cổ phiếu có thể giảm, khiến nhà đầu tư lỗ. Tuy nhiên, rủi ro này có thể được kiểm soát nếu đầu tư vào các doanh nghiệp ổn định, có tiềm năng phát triển.
Chứng khoán phái sinh: Có mức độ rủi ro cao hơn do sử dụng đòn bẩy tài chính, cho phép nhà đầu tư kiểm soát lượng tài sản lớn hơn số vốn bỏ ra. Điều này giúp tăng lợi nhuận nhanh nhưng nguy cơ thua lỗ lớn nếu thị trường không diễn biến theo dự đoán.
![]() | Giao dịch chứng khoán phái sinh sôi động trở lại, số lượng tài khoản khoản đạt hơn 1,7 triệu vào quý 2 Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa công bố bản tin thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam quý 2/2024, theo đó ... |
![]() | Sự khác biệt giữa cổ phiếu và chứng chỉ quỹ, những yếu tố cần cân nhắc khi đầu tư Chứng chỉ quỹ và cổ phiếu là hai hình thức đầu tư phổ biến, mỗi loại có những đặc điểm và lợi ích riêng. Việc ... |
Quang Dũng