Sửa đổi Thông tư 22 cần phù hợp với thực tiễn

08/09/2021 - 04:08
(Bankviet.com) Ngày 7/9, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức Tọa đàm trực tuyến lấy ý kiến đối với Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 22/2016/TT-NHNN và Thông tư số 15/2018/TT-NHNN quy định việc tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua trái phiếu doanh nghiệp.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng nhìn nhận Thông tư 22/2016/TT-NHNN và Thông tư số 15/2018/TT-NHNN được ban hành đã có những tác động tích cực đến hoạt động mua, bán trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (gọi chung là TCTD). Sau nhiều năm áp dụng, việc ban hành Thông tư mới thay thế Thông tư về mua, bán trái phiếu doanh nghiệp hiện nay là cần thiết để bảo đảm phù hợp với thực tiễn, tình hình hoạt động của các TCTD.

Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cũng cho biết, tọa đàm được tổ chức nhằm giúp các cơ quan quản lý nhà nước có thêm ý kiến từ các TCTD, các thành viên tham gia thị trường trái phiếu, để từ đó Thông tư mới được ban hành sẽ phù hợp hơn với diễn biến thị trường và hoạt động của các TCTD.

Tại buổi Tọa đàm, ông Nguyễn Quốc Hùng cũng đề nghị cơ quan quản lý khi xây dựng chính sách cần phù hợp với thực tiễn, đáp ứng được tình hình hoạt động của các TCTD. Chính sách đưa ra nên có chế tài nhằm đảm bảo sự tuân thủ, còn những hoạt động thuộc quyền của doanh nghiệp, ngân hàng thì nên để ngân hàng thực hiện và chịu trách nhiệm trước pháp luật. “Khi góp ý chính sách, Hiệp hội rất cân nhắc và đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét đảm bảo phù hợp với Luật các TCTD, Luật Chứng khoán và các quy định về phát hành trái phiếu”, ông Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.

Nhiều quy định khó thực thi

Tham gia ý kiến đối với dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 22, ông Nguyễn Thành Long, Chủ nhiệm CLB Pháp chế Ngân hàng thuộc Hiệp hội Ngân hàng cho biết, các TCTD có ý kiến đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét, hướng dẫn đối với một số hoạt động liên quan đến phát hành trái phiếu mà pháp luật đã quy định TCTD được phép thực hiện như Điều 106 Luật Các tổ chức tín dụng quy định, ngân hàng thương mại được thực hiện hoạt động đại lý trong lĩnh vực liên quan đến hoạt động ngân hàng, kinh doanh bảo hiểm, quản lý tài sản theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Hoặc một số hoạt động TCTD được phép thực hiện theo các văn bản pháp luật khác như đại lý phát hành trái phiếu doanh nghiệp (theo Điều 14, Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế). Hiện, Ngân hàng Nhà nước chưa có hướng dẫn cụ thể để các TCTD được thực hiện hoạt động này.

Về các góp ý cụ thể đối với các quy định tại Dự thảo Thông tư, ý kiến từ các TCTD tập trung vào 4 vấn đề lớn: (i) nguyên tắc mua, bán trái phiếu doanh nghiệp; (ii) quy định nội bộ; (iii) trách nhiệm của TCTD khi thực hiện mua bán trái phiếu doanh nghiệp; (iv) trách nhiệm của TCTD khi thực hiện bán trái phiếu doanh nghiệp. Trong đó, có những quy định có thể sẽ khó thực hiện sau khi được ban hành hoặc những quy định cấm không phù hợp với nguyên tắc pháp luật.

Các đại biểu tham dự tại các điểm cầu (Ảnh chụp màn hình)

Phát biểu đóng góp ý kiến tại Tọa đàm, đại diện Ngân hàng Standard Chartered chia sẻ kinh nghiệm nước ngoài về quản lý trái phiếu doanh nghiệp. Theo đó, các nước trong khu vực như Malaysia, Indonesia, Philippines đều cho phép hoạt động mua đi bán lại. Vậy nên, việc dự thảo quy định TCTD không được mua lại khoản trái phiếu đã bán trong 12 tháng là chưa phù hợp, hạn chế thanh khoản thị trường thứ cấp, hạn chế nhà đầu tư nước ngoài tham gia, có thể kéo lùi sự phát triển thị trường.

Đại diện Ngân hàng Standard Chartered cho rằng cam kết của doanh nghiệp phát hành trái phiếu là áp dụng cho tất cả trái chủ. Việc dự thảo Thông tư quy định yêu cầu doanh nghiệp phát hành không thay đổi mục đích sử dụng vốn trong thời gian TCTD nắm giữ trái phiếu – cam kết riêng với TCTD là không khả thi. Các quy định tại khoản 7, khoản 9, khoản 10, khoản 11 (Điều 3) yêu cầu TCTD không được mua trái phiếu doanh nghiệp có mục đích cơ cấu lại các khoản nợ, góp vốn mua cổ phần tại doanh nghiệp khác, tăng quy mô vốn… ảnh hưởng hoạt động mua bán giữa TCTD và nhà đầu tư  khi TCTD chỉ là trung gian mua bán. Cơ quan soạn thảo chỉ nên quy định các hạn chế nói trên đối với giao dịch sơ cấp, còn đối với giao dịch thứ cấp nên cho phép để tạo thanh khoản cho thị trường.

Đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) cho rằng, để thị trường phát triển tốt cần có chính sách mở nhưng vấn đề là xác định ranh giới mở đến đâu, hoạt động nào cần hạn chế?. Đại diện Agribank cũng đề nghị NHNN nên nghiên cứu các ý kiến mà Hiệp hội đã tổng hợp để chính sách ban hành ra phù hợp với thực tiễn, thi hành được.

Thị trường trái phiếu có thị trường sơ cấp, thị trường thứ cấp nhưng dự thảo không phân biệt các hoạt động này mà quy định chung thì rất khó để thực thi. Áp dụng các quy tắc cấp tín dụng vào hoạt động mua bán trái phiếu là rất khó. Đề nghị Ban soạn thảo nên cân nhắc”, đại diện Agribank đề nghị.

Góp ý các quy định cụ thể, đại diện Agribank nêu ví dụ về quy định TCTD không được mua trái phiếu phát hành có mục đích tăng quy mô vốn, và đề nghị làm rõ thế nào là tăng quy mô bởi bản chất các hoạt động phát hành trái phiếu đều là tăng quy mô hoạt động. Đã là hoạt động kinh doanh trái phiếu thì mua, bán là bình thường nhưng dự thảo quy định nhiều điều kiện như điều kiện có lãi 3 năm, hạn chế mua lại sau khi bán... đều không phù hợp với thị trường.

Phát biểu tại Tọa đàm, ông Trần Phương, Chủ nhiệm Uỷ ban Chính sách thuộc Hiệp hội Ngân hàng đề nghị cơ quan soạn thảo lưu ý các ý kiến TCTD để tháo gỡ một số vấn đề. Chẳng hạn, quy định yêu cầu doanh nghiệp phát hành cam kết không thay đổi mục đích sử dụng vốn, đây là vấn đề công bằng giữa các trái chủ trong đó TCTD chỉ là một trái chủ. “Theo tôi nên bỏ quy định này, trường hợp vẫn giữ đề nghị bổ sung thêm điều kiện có sự chấp thuận của các trái chủ khác”, ông Trần Phương đề nghị.

Bên cạnh đó, chủ nhiệm Ủy ban Chính sách cũng đưa ra một số quy định khác chưa hợp lý và đề nghị xem xét lại như: việc quy định doanh nghiệp cam kết mua lại trái phiếu trước thời hạn trong trường hợp doanh nghiệp vi phạm các quy định; không được bán trái phiếu cho các công ty con của TCTD, thanh toán toàn bộ số tiền mua trái phiếu tại thời điểm ký hợp đồng; quy định doanh nghiệp phải có lãi 3 năm và xếp hạng tín dụng nội bộ cao nhất…

Đóng góp ý kiến nhằm phát triển thị trường thứ cấp trái phiếu doanh nghiệp, đại diện Ngân hàng TMCP Kỹ thương (Techcombank) cho biết, trong 3 năm gần đây thị trường trái phiếu phát triển vượt bậc nhưng thị trường thứ cấp chưa theo kịp thị trường sơ cấp. Hầu hết nhà đầu tư đang mua và nắm giữ trái phiếu cho đến khi đáo hạn và giao dịch thứ cấp còn hạn chế, vì vậy đại diện Techcombank mong muốn có cơ chế chính sách nhằm tăng cường thanh khoản, khích lệ nhà đầu tư tham gia thị trường và qua đó thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển.

Cùng quan điểm với đại diện Techcombank, Agribank, Sacombank… đại diện Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cho rằng, Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về trái phiếu doanh nghiệp có quy định về đợt phát hành trái phiếu nhằm mục đích tăng quy mô vốn, góp vốn mua cổ phần tại doanh nghiệp khác nhưng dự thảo lại hạn chế TCTD mua trái phiếu của các đợt phát hành này. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo xem lại, vì việc đầu tư phát triển dự án đều thực hiện qua hình thức góp vốn mua cổ phần. Đại diện MB cũng đề cập quy định chuyển tiếp và đề nghị không áp dụng đối với các giao dịch đã thực hiện trước khi Thông tư có hiệu lực.

Tại buổi Tọa đàm, đại diện Ngân hàng TNHH MTV Đại Dương (Oceanbank) cho biết, Oceanbank đã có quyết định của cơ quan có thẩm quyền cho phép thực hiện hoạt động mua bán trái phiếu. Nhưng các quy định tại Thông tư 22 và dự thảo Thông tư thay thế không đề cập đến các ngân hàng 0 đồng, điều này đang gây nhiều khó khăn cho hoạt động mua trái phiếu của những ngân hàng này. Vì vậy, đề nghị dự thảo thông tư thay thế Thông tư 22 bổ sung thêm đối tượng là các ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt, để nhóm các ngân hàng này không phải thực hiện thêm các thủ tục riêng.

Quản lý chặt hoạt động mua - bán trái phiếu doanh nghiệp, đảm bảo an toàn hệ thống

Phát biểu tại buổi Tọa đàm, đại diện Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN ghi nhận các ý kiến của TCTD có nhiều nội dung xác đáng. Đồng thời, đại diện Vụ cũng chia sẻ, Chính phủ có định hướng phát triển thị trường vốn nói chung, thị trường trái phiếu nói riêng, đề ra mục tiêu doanh số dư nợ của thị trường trái phiếu đạt 20% trong thị trường vốn vào năm 2025. Trong đó, ngành ngân hàng chỉ là một trong những thành viên tham gia trên thị trường trái phiếu. 

Theo đánh giá của WB năm 2020, Việt Nam đang là quốc gia có hệ số đòn bẩy tài chính lớn nhất trong nhóm nước đang phát triển dẫn đến rủi ro tín dụng của hệ thống ngân hàng là rất lớn. Hơn 50% là dư nợ tín dụng trung, dài hạn trong khi đó nguồn vốn (trung, dài hạn) rất hạn hẹp. Trong bối cảnh này, cần có rất nhiều các quy định chặt chẽ về tỉ lệ an toàn. Việc thay thế Thông tư 22 cũng nằm trong định hướng siết chặt an toàn hệ thống, tăng cường kiểm soát chặt chẽ trong quản trị hoạt động hệ thống ngân hàng nói riêng và trong hoạt động cấp tín dụng nói chung...

Chia sẻ về các vấn đề vướng mắc các TCTD đã nêu, đại diện Vụ Chính sách tiền tệ bày tỏ đồng thuận với quan điểm trao quyền cho TCTD kèm theo đó là trách nhiệm. Dự thảo Thông tư yêu cầu TCTD phải quản trị việc mua bán trái phiếu doanh nghiệp tương đương với việc quản trị rủi ro cấp tín dụng.

Theo quy định về phát hành trái phiếu thì trái phiếu không phải là hình thức cấp tín dụng mà là hình thức giấy tờ có giá, được mua bán giao dịch trên thị trường. Với việc quy định các điều kiện như tại dự thảo, NHNN đã đưa ra quy định cao hơn “chuẩn” thông lệ thị trường, có thể khó cho TCTD nhưng bù lại sẽ giúp tăng cường chuẩn cấp tín dụng, đảm bảo để các TCTD quản lý được dòng tiền ra dưới hình thức mua trái phiếu hay cho vay, đồng thời đảm bảo được việc xử lý rủi ro tín dụng phát sinh sau này.

“Đây là nền tảng cơ bản chúng tôi muốn đưa ra tại Thông tư này, trao cho TCTD quyền mà dường như TCTD “cảm giác” sẽ khó thực hiện. Nhưng nếu từ chối quyền đó thì có thể xảy ra hàng loạt các rủi ro tín dụng trong thời gian tới mà Ngân hàng Nhà nước rất quan ngại, đặc biệt liên quan tới vấn đề thay đổi mục đích sử dụng vốn”, đại diện Vụ Chính sách tiền tệ nhấn mạnh.

Ngoài ra, đại diện Vụ Chính sách tiền tệ cho rằng TCTD có thể đàm phán để yêu cầu doanh nghiệp phát hành cam kết các điều kiện dự thảo Thông tư đưa ra. Trường hợp doanh nghiệp phát hành không đồng ý thì TCTD cũng có thể hướng tới việc cấp tín dụng thay cho việc mua trái phiếu.

Tại Tọa đàm, đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN ghi nhận các ý kiến TCTD cho rằng các quy định tại dự thảo là quá chặt. Vị đại diện này cũng đồng tình với quan điểm khi ban hành chính sách cần tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp nhưng cũng phải hạn chế kẽ hở để TCTD không “lách”. Bên cạnh đó, với các ý kiến của TCTD về ban hành quy định nội bộ, xếp hạng tín nhiệm… vị đại diện của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cũng đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu, có những điều chỉnh phù hợp với thực tiễn.

Kết luận Tọa đàm, Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, dự thảo Thông tư quy định hoạt động mua bán trái phiếu doanh nghiệp nhưng hiện đang áp dụng với các nguyên tắc cấp tín dụng, vì vậy đề nghị cơ quan soạn thảo nên xem xét, cân nhắc. Với các nội dung kiến nghị chưa được tiếp thu, Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng cũng đề nghị, cơ quan soạn thảo cần có văn bản trả lời để tạo sự đồng thuận trong các TCTD khi chính sách được ban hành.

Về phía Hiệp hội, Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng cho biết, sau buổi Tọa đàm, Hiệp hội sẽ tổng hợp các ý kiến và có văn bản kiến nghị tới NHNN và cơ quan soạn thảo để khi Thông tư mới được ban hành sẽ đạt được các mục tiêu, vừa đảm bảo TCTD triển khai thông suốt, vừa phù hợp với yêu cầu quản trị đồng thời bảo đảm an toàn cho các TCTD.

Nhóm PV
Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ