Tâm Lộc Phát tăng vốn nhanh, cơ cấu cổ đông ra sao?

10/05/2023 - 20:31
(Bankviet.com) Một trong những cổ đông sáng lập của Tâm Lộc Phát – bà Bùi Thị Minh Nguyệt từng là người đại diện Văn phòng tại Hà Nội của Công ty CP Đầu tư và Phát triển dự án bất động sản Star City - doanh nghiệp một thời khiến nhiều nhà đầu tư phải cầu cứu cơ quan chức năng.

Như Kinhtechungkhoan.vn đã phản ánh, trong thời gian gần đây, Công ty CP Truyền thông Tâm Lộc Phát gây sự chú ý trên thị trường tài chính khi đưa ra mức lãi suất “khủng” lên tới 44%/15 tháng, và không ngừng mở rộng mạng lưới huy động vốn nhưng hoạt động kinh doanh gần như “đóng băng” khi doanh thu liên tục ghi nhận con số 0 “tròn trĩnh”, và lợi nhuận cũng luôn là số âm.

Điều đó khiến nhiều người hoài nghi về sự minh bạch trong kinh doanh của Tâm Lộc Phát và đặt dấu hỏi về mục đích huy động vốn rất lớn của doanh nghiệp. Chưa dừng lại ở đó, theo tìm hiểu của Kinhtechungkhoan.vn, một cổ đông của Tâm Lộc Phát có mối liên hệ với một doanh nghiệp tại khu vực phía Nam, cũng luôn đưa ra những hứa hẹn sinh lời “khủng” tới người dân khi mời gọi đầu tư, và sau đó “biệt tăm biệt tích”.

Đó là Công ty CP Đầu tư và Phát triển dự án bất động sản Star City (viết tắt là Công ty Star City), doanh nghiệp có địa chỉ tại phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM. Công ty Star City đã giải thể ngày 15/7/2019, khi còn 3 tháng nữa mới chính thức "sinh nhật" tròn 1 tuổi.

Câu chuyện về Star City

Theo báo giới vào những tháng cuối năm 2019, nhiều nhà đầu tư từng đưa tiền cho Công ty Star City không khỏi bàng hoàng khi biết mình “mắc bẫy” lãi suất cao của doanh nghiệp này. Họ đã đồng loạt làm đơn gửi đến các cơ quan chức năng để tố cáo hành vi của những cá nhân, tổ chức đứng sau doanh nghiệp này.

Dẫn lời một nhà đầu tư của Công ty Star City, khoảng tháng 5/2019, người này đã được mời gọi đầu tư dự án theo hình thức phân chưa lợi nhuận là 30 ngày/tháng, sẽ nhận lại tiền gốc và lợi nhuận trong thời gian 28 tháng.

Sau khi ký hợp đồng đầu tư trị giá 500 triệu đồng, nhà đầu tư này được Công ty Star City mở cho một tài khoản trên trang mạng "icryptobank", từ đó tiền lãi sẽ được công ty chuyển vào tài khoản mỗi ngày. Và thông qua đây, người đầu tư có thể rút về tài khoản ngân hàng của mình bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, mọi thứ chỉ thuận lợi trong vòng 1 tháng đầu tiên, đến tháng thứ 2, nhà đầu tư đen đủi này phát hiện Công ty Star City đã chặn mọi thao tác rút tiền của mình trên icryptobank.

Không chỉ chặn rút tiền, số điện thoại của Công ty Star City cũng như nhân viên tư vấn không thể liên lạc được. Đó không phải thực trạng của riêng nhà đầu tư trên, nhiều người chung cảnh ngộ khác cũng phải trực tiếp đến văn phòng Công ty Star City tại tòa nhà Mekong (phường 2, quận Tân Bình) tìm hiểu thì được bảo vệ tòa nhà cho biết, đơn vị đã trả mặt bằng từ lâu.

Lúc này, các nhà đầu tư mới nhận ra rằng mình đã bị lừa, bên cạnh những người có tiền nhàn rỗi thì có những người đã phải vay mượn, bán tài sản để đầu tư với số tiền lên đến nhiều tỷ đồng.

Tâm Lộc Phát, Star City
Quyết định giải thể của Star City - nơi bà Nguyệt làm đại diện văn phòng tại Hà Nội được ban hành sau khi Tâm Lộc Phát ra đời khoảng nửa tháng.

Được biết, Công ty CP Đầu tư và Phát triển dự án bất động sản Star City có người đại diện pháp luật tên Trương Thị Thanh, giấy phép kinh doanh số 0315318614. Lĩnh vực kinh doanh của đơn vị này là bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê.

Công ty Star City bắt đầu hoạt động ngày 10/10/2018. Ngày 15/7/2019, tức là chưa đầy 1 năm sau khi thành lập, doanh nghiệp này đã thông báo chính thức giải thể với lý do tình hình kinh tế khó khăn nên hoạt động không hiệu quả.

Ngoài Công ty Star City, bà Thanh còn là người đại diện của 19 doanh nghiệp khác. Điểm chung của hầu hết những đơn vị này là đều đã đóng mã số thuế, thông báo dừng hoạt động chỉ sau khi ra đời một thời gian ngắn.

Mối liên hệ với Tâm Lộc Phát

Bên cạnh bà Thanh, một nhân tố khác cũng khá gây chú ý của Công ty Star City là bà Bùi Thị Minh Nguyệt – người đứng tên cho văn phòng đại diện tại Hà Nội của doanh nghiệp (mã số thuế 0315318614-001), tại địa chỉ số 531 Lạc Long Quân, phường Xuân La, quận Tây Hồ.

Văn phòng đại diện này cũng đã giải thể cùng thời gian với công ty mẹ vào tháng 7/2019. Trước khi Star City thông báo giải thể khoảng nửa tháng, Công ty CP Truyền thông Tâm Lộc Phát do bà Nguyễn Thị Khuyên là người đại diện trước pháp luật đã ra đời với số vốn điều lệ là 20 tỷ đồng.

Theo giấy đăng ký kinh doanh thay đổi lần 1, Tâm Lộc Phát tăng vốn điều lệ lên 30 tỷ đồng, xuất hiện thêm 2 cổ khác là bà Bùi Thị Minh Nguyệt và ông Văn Đình Toàn. Tỷ lệ góp vốn cụ thể: bà Nguyễn Thị Khuyên nắm giữ 70% vốn (số vốn góp là 21 tỷ đồng), bà Bùi Thị Minh Nguyệt và ông Văn Đình Toàn đều sở hữu 15% (tương đương số vốn góp là 4,5 tỷ đồng).

Bước sang năm 2021, Tâm Lộc Phát bất ngờ tăng vốn “phi mã” lên 100 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần so với cách đó 1 năm và không có thông báo về sự thay đổi cổ đông.

Nhiều văn phòng của Tâm Lộc Phát luôn trong tình trạng đóng cửa
Văn phòng đại diện của Tâm Lộc Phát tại Hải Dương thường xuyên đóng cửa, ít hoạt động.

Một điểm tương đồng khác với Công ty Star City của Tâm Lộc Phát là kể từ khi thành lập đến nay, hoạt động chính của doanh nghiệp là kêu gọi đầu tư với mức lãi suất cao gấp nhiều lần lãi suất huy động của ngân hàng, lên tới 44% cho 15 tháng đầu tư.

Thậm chí, theo một nhà đầu tư của Tâm Lộc Phát thì cho biết, mức lãi suất mà doanh nghiệp này chi trả có thể “co dãn”, phụ thuộc vào việc “đàm phán” của nhà đầu tư với hệ thống sales của doanh nghiệp. Và khi tìm kiếm được nhà đầu tư góp vốn, mỗi sales, hay nhóm của sales này còn được nhận tỷ lệ phần trăm hoa hồng khá lớn. Từ đó, tổng lãi suất mà Tâm Lộc Phát chi trả cho chuỗi nhà đầu tư và hệ thống sales có thể lên rất cao, ước tính trên 65% tổng số tiền huy động.

Đáng chú ý, dù luôn giới thiệu không ngừng mở rộng quy mô hoạt động tại nhiều tỉnh thành, nhưng nhiều văn phòng đại diện của Tâm Lộc Phát thường xuyên đóng cửa, ít hoạt động. Hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khá "hẻo" khi doanh thu ghi nhận con số 0 "tròn trĩnh" , lợi nhuận âm nhiều năm liên tiếp.

Về vấn đề huy động vốn trả lãi suất cao, luật sư Đặng Văn Cường – Văn phòng luật sư Cường Thuận (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, theo quy định của pháp luật, chỉ các tổ chức tín dụng (TCTD) hoạt động theo Luật các TCTD, có sự quản lý của Nhà nước thì mới được thực hiện các hoạt động tín dụng, trong đó có hoạt động nhận tiền gửi và cho vay.

Với những tổ chức không phải là TCTD mà thực hiện hoạt động nhận tiền gửi của nhiều tổ chức cá nhân rồi trả lãi suất cao hơn lãi suất ngân hàng có thể coi huy động vốn trái phép và rất dễ xảy ra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nguy cơ người dân mất tiền là hiện hữu.

"Bởi lẽ, đó là dấu hiệu của mô hình "Ponzi", bản chất vẫn là lấy tiền của người sau trả cho người trước nhằm huy động tài chính. Khi không còn người đóng tiền thì hệ thống sẽ sụp đổ và người tham gia sẽ rất khó lấy lại số tiền đã đầu tư", vị luật sư khuyến cáo.

Công ty Tâm Lộc Phát: Trả lãi khủng, dòng tiền đến từ đâu?

Cam kết trả lãi cao tới 44%/năm hoặc hơn nữa, nhưng hiệu quả lại không rõ ràng, hợp đồng huy động vốn xuất hiện những ...

Tâm Lộc Phát: Hứa hẹn tăng trưởng 'thần tốc', doanh thu chỉ 0 đồng/năm và những ẩn số trên báo cáo tài chính

Không ngừng mở rộng quy mô hoạt động tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, bằng việc liên tục lập thêm các cơ sở kinh ...

Sự thật ngỡ ngàng về chiêu thức gọi vốn của Phú Cường Group

Phát hành cổ phiếu riêng lẻ, rồi mời góp vốn trả lãi suất cao, rao bán “đất dự án” nhưng một số dự án không ...

Quang Đăng

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán