Việc các công ty lên sàn chứng khoán là một xu hướng tất yếu và mang đến nhiều lợi ích như: Có cơ hội huy động vốn nhanh và dài hạn cho các công ty; Giúp doanh nghiệp quảng bá sự uy tín; Tạo tính thanh khoản cho cổ phiếu; Công ty sẽ hoạt động minh bạch, hiệu quả hơn dưới sự giám sát của công chúng đầu tư;… Như vậy, hầu hết các công ty trong quá trình phát triển đều có tham vọng được lên sàn chứng khoán để khẳng định vị thế thương hiệu của mình…
Sau năm 2021 và 2022 với sự bùng nổ về số lượng doanh nghiệp lên sàn chứng khoán, bước sang 2023 này, nhà đầu tư phải “đỏ mắt” đi tìm mới có những tân binh đủ điều kiện “đánh cồng” ra mắt.
Chốt phiên giao dịch sáng 17/11, cổ phiếu NCG tiếp tục giảm mạnh và mất mốc 20.000 đồng/cp |
Thế nhưng, không phải doanh nghiệp nào khi được lên sàn cũng “thuận buồm xuôi gió”. Và cổ phiếu NCG của Công ty CP Tập đoàn Nova Consumer mới đây là một ví dụ điển hình!
Cụ thể, vào 9/11 vừa qua, 119,78 triệu cổ phiếu NCG có ngày giao dịch đầu tiên trên thị trường UPCoM thuộc Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) với giá tham chiếu là 38.000 đồng/cp. Tuy nhiên, trái với kỳ vọng và đi ngược với xu hướng chung của thị trường, giá cổ phiếu NCG giảm kịch biên độ 40%, qua đó thị giá bốc hơi tới 15.200 đồng xuống mức 22.800 đồng/cp ngay sau khi bước vào phiên giao dịch đầu tiên. Với việc cổ phiếu lao dốc kịch biên độ trong phiên chào sàn, vốn hóa thị trường của Nova Consumer đã giảm xuống mức 2.730 tỷ đồng (khoảng 114 triệu USD) từ mức định giá ban đầu là 4.550 tỷ đồng (khoảng 190 triệu USD). Màn chào sàn đáng thất vọng khiến tham vọng đạt tỷ USD vốn hóa của Nova Consumer càng trở nên xa vời.
Cổ phiếu NCG giảm kịch biên độ 40% ngay phiên chào sàn UpCoM |
Chưa dừng lại ở đó, cổ phiếu của Nova Consumer những phiên tiếp theo vẫn trên đà “trượt dốc” và chưa có tín hiệu thoát khỏi “những ngày đáng quên”. Tính đến cuối phiên giao dịch sáng nay (17/11), cổ phiếu NCG tiếp tục giảm mạnh và chính thức mất mốc 20.000 đồng/cp, hiện đang đứng tại 19.900 đồng/cp với khối lượng giao dịch đạt trên 2,4 triệu đơn vị. So với giá tham chiếu phiên chào sàn, thị giá NCG đã “bốc hơi” tới gần 48%. Như vậy, sau hơn một tuần “ngao du” trên UpCoM, cổ phiếu của Công ty CP Tập đoàn Nova Consumer đã mất gần một nửa giá trị khiến vốn hóa thị trường của doanh nghiệp này cũng “bốc hơi” gần 2.170 tỷ đồng.
Vốn hóa thị trường của Nova Consumer đã mất gần một nửa chỉ sau hơn 1 tuần giao dịch trên UpCom |
Nhìn vào chuỗi ngày đầu lên sàn của Nova Consumer, cổ đông và giới đầu tư không khỏi thất vọng. Đáng chú ý, vào tháng 3/2022, công ty này lần đầu chào bán ra công chúng (IPO) với giá 44.000 đồng/cp. Với mức giá như hiện tại, nhà đầu tư tham gia mua đợt IPO đã mất hơn một nửa giá trị.
Được biết, Nova Consumer ban đầu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trước khi lấn sân sang bán lẻ và hàng tiêu dùng. Nova Consumer là một trong những trụ cột của NovaGroup, cùng với Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (HOSE: NVL), Nova Service và 5 thành viên khác. Vào tháng 3/2022, Nova Consumer hoàn tất đợt chào bán ra công chúng (IPO) 10,9 triệu cổ phiếu với giá chào bán là 44.000 đồng/cp, thu về 479,6 tỷ đồng. Sau IPO, Nova Consumer có 251 cổ đông, trong đó có 250 cổ đông trong nước (nắm 99,97% vốn) và 1 tổ chức nước ngoài. Hai cổ đông lớn của Nova Consumer là Công ty CP Thương mại Bảo Khang (65,61%) và Công ty CP Đầu tư Anova (13,72%) vẫn giữ nguyên tỷ lệ sở hữu cho đến cuối tháng 9/2023. Về hoạt động kinh doanh, trong giai đoạn 2022 – 2026, Nova Consumer đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận sẽ gấp từ 4 – 5 lần so với năm 2021. Cụ thể con số này sẽ rơi vào khoảng 1.300 - 1.500 tỷ đồng. Nova Consumer đã đặt ra mục tiêu trong vòng 3 năm kể từ sau khi IPO thì vốn hoá công ty sẽ vượt ngưỡng 1 tỷ USD. Tuy nhiên, những tham vọng này không hề dễ dàng thực hiện khi Nova Consumer đang gặp phải rất nhiều khó khăn. Trong báo cáo tài chính quý III/2023, Nova Consumer lỗ ròng hơn 43 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước vẫn lãi hơn 64 tỷ đồng. Kể từ khi IPO đây đã là quý thứ 3 liên tiếp doanh nghiệp này báo lỗ. Với những mức định giá được đưa ra, Nova Consumer từng được nhiều quỹ đầu tư trong vào ngoài nước chú ý đến và đưa vào danh mục đầu tư như Vietnam Opportunity Fund (VOF) của Vina Capital. Theo số liệu, VOF đã đầu tư 25,2 triệu USD để mua cổ phần của Nova Consumer, nhưng đến cuối năm 2022 quỹ này lại phải trích lập dự phòng 7,4 triệu USD, tương đương 29% trên giá gốc. Trước đó, Nova Consumer từng hy vọng có thể niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE vào quý II/2023. Thế nhưng, cuối năm 2022, Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE) đã dừng xem xét hồ sơ đăng ký niêm yết do thấy chưa đủ yêu cầu chỉnh sửa và bổ sung tài liệu… |
Nguyễn Thanh