"Thời điểm vàng" trong hợp tác kinh tế Việt Nam – Hy Lạp Phối hợp chặt chẽ đưa quan hệ Việt Nam - Hy Lạp lên tầm cao mới Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Hy Lạp |
Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-EU lần thứ 24 (AEMM-24) và Diễn đàn Bộ trưởng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương lần thứ ba (IPMF-3) diễn ra vào ngày 2/2/2024, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã có cuộc gặp và làm việc với Bộ trưởng Ngoại giao Hy Lạp Giorgos Gerapetritis.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã có cuộc gặp và làm việc với Bộ trưởng Ngoại giao Hy Lạp Giorgos Gerapetritis. Ảnh: Bộ Ngoại giao |
Tại cuộc gặp, hai Bộ trưởng đã đánh giá cao những bước phát triển trong quan hệ hai nước, đồng thời nhất trí hai bên cần tiếp tục triển khai các biện pháp nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương trong thời gian tới, nhất là trong lĩnh vực kinh tế - thương mại.
Bộ trưởng Ngoại giao Giorgos Gerapetritis bày tỏ ngưỡng mộ các thành tựu phát triển kinh tế của Việt Nam; chia sẻ niềm tự hào về sức chống chịu mạnh mẽ của nền kinh tế Hy Lạp. Với tốc độ tăng trưởng 3%, Hy Lạp dẫn đầu các nền kinh tế châu Âu trong năm nay.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cảm ơn Hy Lạp đã phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA), đồng thời mong Hy Lạp thúc đẩy các thành viên còn lại sớm phê chuẩn Hiệp định này. Bộ trưởng cũng đề nghị hai bên thúc đẩy việc ký kết các thỏa thuận hợp tác về vận tải biển, tránh đánh thuế hai lần và lao động; mong hai bên nghiên cứu mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực mới, trong đó có chuyển đổi số, tăng trưởng xanh.
Hai Bộ trưởng cũng thảo luận các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Hai bên khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ đề cao chủ nghĩa đa phương; ủng hộ việc tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc; cùng đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không trên các biển và đại dương; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Giày dép - một trong những mặt hàng chính Việt Nam xuất khẩu sang Hy Lạp trong năm 2023. Ảnh minh họa |
Trong thời gian qua, dù hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Hy Lạp còn khiêm tốn, song trao đổi thương mại song phương tăng trưởng khá nhanh trong 10 năm trở lại đây, đặc biệt là sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực.
Xuất khẩu của Việt Nam sang Hy Lạp tăng mạnh và Việt Nam luôn xuất siêu ở mức cao. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, nếu như năm 2014, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Hy Lạp chỉ đạt hơn 207 triệu USD thì đến 2021 sau khi EVFTA có hiệu lực và được đưa vào thực thi con số này đã tăng lên trên 446 triệu USD, tăng 33% so với năm 2020. Năm 2023, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước Việt Nam - Hy Lạp cũng đạt 485,7 triệu USD.
Cũng theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, các mặt hàng chính Việt Nam xuất khẩu sang Hy Lạp trong năm 2023 gồm: Hạt điều, cà phê, giày dép, hàng dệt may, thủy sản. Ðặc biệt, từ năm 2013, xuất khẩu mặt hàng điện thoại di động sang Hy Lạp tăng đột biến, đạt từ 73,9 triệu USD năm 2014 lên 143 triệu USD năm 2023, trở thành mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam vào thị trường này. Chiều ngược lại, nhập khẩu của Việt Nam từ Hy Lạp còn thấp, tập trung vào một số mặt hàng giấy và bìa, nguyên liệu sản xuất thuốc lá.
Về đầu tư, Hy Lạp có 5 dự án nhỏ tại Việt Nam trong các lĩnh vực bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô-tô, xe máy, khoa học-công nghệ và truyền thông. Hy Lạp là một trong những nước EU phê chuẩn Hiệp định đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA) sớm nhất và ủng hộ Việt Nam ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Trong hợp tác phát triển, Hy Lạp có một số hoạt động hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam...
Việt Nam và Hy Lạp đã ký kết nhiều văn bản hợp tác nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương trong các lĩnh vực kinh tế, công nghiệp và công nghệ, du lịch, đầu tư, năng lượng... Hai bên đang đàm phán các hiệp định về tránh đánh thuế trùng và hợp tác hàng hải. Cộng đồng người Việt Nam tại Hy Lạp tuy nhỏ nhưng có quan hệ cộng đồng chặt chẽ và khá bền vững, đa số có tinh thần yêu nước, gắn bó với quê hương.
Trong thời gian tới, để thúc đẩy tăng trưởng thương mại hai nước Việt Nam - Hy Lạp, các doanh nghiệp hai nước cần tận dụng các tiềm năng và sức mạnh của EVFTA, trong đó chú tọng xuất khẩu các mặt hàng mà Việt Nam có tiềm năng, thế mạnh và thị trường Hy Lạp có nhu cầu.
Hoàng Giang