Khảo sát của PwC ghi nhận thông tin và quan điểm của hơn 2.800 lãnh đạo doanh nghiệp, đại diện cho các tổ chức có quy mô khác nhau thuộc 29 ngành công nghiệp và đến từ 73 quốc gia trên thế giới.
Trong cuộc khảo sát đầu tiên được thực hiện vào năm 2019, 95% lãnh đạo doanh nghiệp đưa ra dự đoán về khủng hoảng trong 2 năm tới - tuy nhiên đại dịch xảy ra nằm ngoài mọi tiên liệu. Những biến động trong năm vừa qua đã nhấn mạnh rằng thách thức về quản lý khủng hoảng không nằm ở việc dự đoán tương lai mà là vấn đề ứng phó với các tình huống không thể lường trước. Các doanh nghiệp cần tập trung xây dựng nền tảng cho năng lực phục hồi để thích ứng với mọi thách thức có thể xảy ra trong tương lai.
Hơn 70% lãnh đạo doanh nghiệp tham gia khảo sát năm nay cho biết hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch, tuy nhiên 20% tin rằng xét về tổng thể, cuộc khủng hoảng đã có tác động tích cực tới doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghệ và chăm sóc sức khỏe đa phần nằm trong nhóm có tác động tích cực, trong khi các ngành du lịch và khách sạn chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực nhất. Các doanh nghiệp đạt kết quả tốt có xu hướng dựa vào một nhóm chuyên trách để định hướng và thúc đẩy triển khai các biện pháp ứng phó khủng hoảng.
Ông Grant Dennis, Tổng giám đốc Công ty tư vấn PwC Việt Nam, nhận định: “Trong bối cảnh đại dịch, rõ ràng khả năng phục hồi là nền tảng cốt lõi để các doanh nghiệp vượt qua những gián đoạn, định hướng thay đổi và phát triển các cơ hội mới khi môi trường kinh doanh và xã hội đều thay đổi. Những bài học có được từ ứng phó với đại dịch là bước đầu tiên quan trọng để kiến tạo nền tảng vững chắc. Việc xây dựng, phát triển năng lực phục hồi từ bên trong bộ máy doanh nghiệp là vấn đề cần được ưu tiên giải quyết. Cùng với đó, một lộ trình cụ thể để nhìn nhận lại và củng cố khả năng phục hồi sẽ là chìa khóa giúp doanh nghiệp vững vàng trước khủng hoảng trong tương lai”.
Khảo sát của PwC chỉ ra rằng, ngay cả với một nhóm xử lý khủng hoảng chuyên trách, các tổ chức cần một chương trình linh hoạt về quản trị khủng hoảng để thích ứng, từ đó tháo gỡ các vấn đề đa dạng khi xảy ra gián đoạn.
Chỉ 35% doanh nghiệp được khảo sát cho biết đã có kế hoạch phản ứng “rất phù hợp”, đồng nghĩa với việc phần lớn các doanh nghiệp chưa hình thành kế hoạch kinh doanh theo hướng độc lập, có khả năng triển khai trước mọi kịch bản khủng hoảng - đặc điểm quan trọng của các doanh nghiệp có khả năng phục hồi tốt.
Dựa trên các kết quả khảo sát, PwC đưa ra ba định hướng để doanh nghiệp chuẩn bị tốt hơn khi đối diện với khủng hoảng:
Thứ nhất, thiết kế kế hoạch ứng phó khủng hoảng chiến lược để nhanh chóng huy động nguồn lực, ổn định hoạt động kinh doanh và ứng phó hiệu quả khi xảy ra gián đoạn.
Thứ hai, loại bỏ các rào cản. Việc có một chương trình tích hợp là cần thiết để đạt được thành công khi ứng phó với khủng hoảng và xây dựng khả năng phục hồi ở giai đoạn “bình thường”.
Thứ ba, ưu tiên và xây dựng khả năng phục hồi của doanh nghiệp - không chỉ để thành công mà còn để tồn tại trong tương lai.
Các doanh nghiệp đang có vị thế phát triển tốt phần lớn cũng là những doanh nghiệp cho biết đã đặc biệt chú ý tới khả năng phục hồi và lên kế hoạch làm sao để ứng phó với những gián đoạn lớn trong hoạt động kinh doanh. 7/10 lãnh đạo doanh nghiệp được khảo sát cho biết có kế hoạch tăng đầu tư vào việc xây dựng khả năng phục hồi cho doanh nghiệp. Đặc biệt với các lãnh đạo thuộc mảng quản trị rủi ro, tỷ lệ này ở mức 90%.
Theo một báo cáo khác được công bố gần đây về Khảo sát “Lãnh đạo doanh nghiệp toàn cầu” lần thứ 24 của PwC, 76% các CEO tin rằng triển vọng kinh tế thế giới sẽ cải thiện tích cực trong năm 2021.
Sự lạc quan này cũng đồng nhất với kết quả ghi nhận được từ cuộc Khảo sát “Khủng hoảng toàn cầu năm 2021”, trong đó 3/4 doanh nghiệp tự tin có thể tận dụng thành công các bài học từ cuộc khủng hoảng và tăng cường khả năng phục hồi cho doanh nghiệp.
Thanh Hải
Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ (Link gốc)