Techcombank đã phát hành xong 6,3 triệu cổ phiếu ESOP |
Cụ thể, ngân hàng Techcombank đã phát hành hơn 6,32 triệu cổ phiếu phổ thông cho 270 người lao động, tương ứng 100% tổng số cổ phiếu dự kiến phát hành. Giá phát hành là 10.000 đồng/cp.
Trong đó 5,3 triệu cổ phần phát hành cho người lao động Việt Nam và 967.367 cổ phần phát hành cho người lao động nước ngoài.
Tổng số cổ phiếu sau đợt phát hành (29/8/2022) là 3,5 tỷ cổ phiếu. Thời gian dự kiến chuyển giao cổ phiếu là tháng 9/2022. Sau khi phát hành, mức vốn điều lệ tăng lên 35.109 tỷ đồng.
Ngoài ra, cổ phiếu phát hành mới bị hạn chế chuyển nhượng một năm theo quy định của pháp luật hiện hành và các điều kiện hạn chế khác nêu tại quy định kể từ ngày kết thúc đợt phát hành.
Trước đó, đợt phát hành ESOP gần nhất của Techcombank là tháng 9/2021 với 6 triệu cổ phiếu.
Trên thị trường chứng khoán, chốt phiên giao dịch ngày 7/9, giá cổ phiếu TCB hiện đang ở mức 37.550 đồng/cp, cao gấp gần 4 lần so với giá trị cổ phiếu ESOP vừa phát hành.
Diễn biến giá cổ phiếu TCB |
Về kết quả kinh doanh, 6 tháng đầu năm 2022, Techcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 14.100 tỷ đồng, tăng trưởng 22,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Tổng thu nhập hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2022 tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước, lên 21.100 tỷ đồng, nhờ sự tăng trưởng mạnh từ thu nhập lãi và hoạt động dịch vụ.
Thu nhập từ lãi đạt 15.900 tỷ đồng, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu nhờ tăng trưởng danh mục tín dụng với biên lãi thuần (tính trong 12 tháng) ổn định tại 5,6%.
Cùng với đó, thu nhập từ dịch vụ ngân hàng tăng 29,5% mang về 4.400 tỷ đồng với nguồn thu chính từ phí từ dịch vụ ngân hàng đầu tư (1.800 tỷ đồng, tăng 4%); phí dịch vụ thẻ (đạt 844,4 tỷ đồng, tăng 45,3%); phí từ dịch vụ bảo hiểm (đạt 617,1 tỷ đồng, tăng 31,5%); thu từ thư tín dụng (đạt 544,2 tỷ đồng, tăng 56,8%), tiền mặt & các khoản thanh toán (đạt 294,3 tỷ đồng, tăng 147,3%).
6 tháng đầu năm, chi phí dự phòng của Techcombank giảm đáng kể 56,1% so với cùng kỳ năm trước do tình hình tài chính của nhiều khách hàng tiếp tục phục hồi, dẫn đến một số khoản trích lập dự phòng trước đây được hoàn nhập. Tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) ở mức 30,3%.
Tính đến 30/6, tổng tài sản đạt 623.700 tỷ đồng, tăng 23,7% so với cùng kỳ. Tổng dư nợ tín dụng của khách hàng trên báo cáo riêng lẻ cuối quý II năm 2022 đạt 421.200 tỷ đồng, tăng 8,5% so với cuối năm 2021.
Tỷ lệ nợ xấu cuối quý II/2022 ở mức 0,6% với tỷ lệ bao phủ nợ xấu lành mạnh đạt 171,6%, phản ánh chất lượng và sự ổn định của tài sản trong và sau đại dịch COVID.
Nợ tái cơ cấu theo chương trình hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19 là 500 tỷ đồng, tương đương 0,1% tổng dư nợ, giảm từ mức 1.600 tỷ đồng ở thời điểm 31/3/2022.
Hoàng Hà