Giang sen với vẻ đẹp huyền thoại |
Điểm tô trời xuân
Giữa rừng tràm xanh mướt trải dài tít tắp, hệ sinh thái phong phú và phát triển rực rỡ. Hàng chục loài chim, trong đó có cò, diệc, trích cồ, cồng cộc, le le và đặc biệt là giang sen, đã tìm thấy “ngôi nhà” mới để quần tụ, kết thành bức tranh thiên nhiên sống động. Bất chợt ngước lên bầu trời, ta có thể bắt gặp đàn cò vút cánh, kêu vang như tiếng gọi mời lữ khách bước sâu hơn vào cõi mơ màng của sông nước.
Những cánh chim ngang qua bầu trời Khu bảo tổn sinh thái Đồng Tháp Mười |
Viên ngọc xanh
Chính sự giàu có về hệ sinh thái khiến khu bảo tồn này càng thêm giá trị đối với giới nghiên cứu khoa học. Từng gốc tràm, mảng bèo hay lớp phù sa đều ẩn chứa những bí mật về đa dạng sinh học, cung cấp manh mối quan trọng cho việc tìm hiểu tác động của con người và môi trường.
Bên cạnh đó, nơi đây còn được ví như “lá phổi xanh” của Tiền Giang nói riêng và vùng Đồng Tháp Mười nói chung, góp phần điều hòa khí hậu, ngăn lũ, giữ nước, và duy trì cân bằng sinh thái cho cả khu vực.
Trải nghiệm thực tế tại khu bảo tồn sẽ càng trở nên thú vị hơn khi du khách được tham gia vào các hoạt động giải trí, ăn uống hay đơn giản chỉ là chèo xuồng len lỏi giữa những thảm bèo xanh.
Dù ở vị trí nào thì bạn cũng có cơ hội đưa tầm mắt thưởng ngoạn khung cảnh hiền hòa, lắng nghe tiếng chim muông, tiếng cá quẫy nước và tiếng lá tràm xào xạc trong làn gió nhẹ. Mọi giác quan gần như được đánh thức, giúp ta tạm quên đi nhịp sống vội vã chốn thị thành.
Thảm nhung xanh khổng lồ |
“Thả hồn vào trong cánh trắng” cũng từ đó mà ra – đôi cánh ấy vừa tượng trưng cho sắc cò trên nền trời, vừa ngụ ý về khát vọng được bay bổng, thoát khỏi những ràng buộc mỏi mệt để trở về với cội nguồn tinh khôi.
Khu bảo tồn Sinh thái Đồng Tháp Mười không chỉ là một điểm đến du lịch hấp dẫn, mà còn là biểu tượng cho nỗ lực chung tay gìn giữ môi trường. Có lẽ, chính khoảnh khắc “thả hồn” sẽ thôi thúc chúng ta thêm nâng niu cuộc sống, thêm động lực bảo vệ và lưu giữ những gì nguyên sơ nhất cho thế hệ mai sau.
Lâm Thuần