Thận trọng với gói hỗ trợ lãi suất 2%

30/03/2022 - 23:20
(Bankviet.com) Các chuyên gia cho rằng, số tiền được gói hỗ trợ lãi suất 2% đẩy ra nền kinh tế rất lớn, đòi hỏi các ban ngành phải có những bước đi vô cùng cẩn trọng nếu không muốn phải đối mặt với nhiều hệ luỵ về sau.

Cuối tháng 1/2022, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình.

Trọng tâm của chương trình là Chính phủ sẽ thực hiện hỗ trợ lãi suất (2%/năm) tối đa 40.000 tỷ đồng cho một số ngành, lực vực quan trọng có khả năng trả nợ cũng như phục hồi… Như vậy, với khoản "vốn mồi" này, mỗi năm có khoảng 20.000 tỷ đồng được tung ra với lãi suất ưu đãi giảm 2%.

Ngay sau khi thông tin này được đưa ra, cộng đồng doanh nghiệp đã rất mong mỏi gói hỗ trợ sớm được triển khai đến doanh nghiệp bởi họ vốn đang gặp rất nhiều khó khăn do tác động của dịch COVID-19. Việc gói hỗ trợ lãi suất được triển khai sẽ giúp doanh nghiệp có thêm cơ hội tiếp cận được dòng vốn rẻ, qua đó đẩy mạnh sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng số tiền được đẩy ra nền kinh tế rất lớn, đòi hỏi các ban ngành phải có những bước đi vô cùng cẩn trọng nếu không muốn phải đối mặt với nhiều hệ luỵ về sau.

Để đảm bảo công khai minh bạch và khoản cấp bù lãi suất đúng địa chỉ, đúng đối tượng được thụ hưởng, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia ngân hàng đề xuất Bộ Tài chính nên là cơ quan phê duyệt đối tượng được cấp bù lãi suất bởi Bộ Tài chính hiểu rõ nhất tình trạng sức khỏe của doanh nghiệp qua tình hình nộp thuế. Doanh nghiệp sẽ mang hồ sơ sang Bộ Tài chính để nhận phần cấp bù lãi suất nếu thuộc đối tượng được hưởng lợi từ chính sách này.

Từ bài học của gói cấp bù lãi suất 4%/năm trước đó, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho hay, năm 2009 đã sử dụng 1 tỷ USD, tương đương 17.000 tỷ đồng thời điểm đó để cấp bù lãi suất cho doanh nghiệp. Nguồn lấy từ quỹ dự trữ ngoại hối, nhưng đến nay nhiều ngân hàng vẫn chưa được quyết toán hết. Vì vậy, gói hỗ trợ lãi suất lần này cần tính toán cẩn trọng trên mọi phương diện.

Một giảng viên Trường Đại học Fulbright Việt Nam cũng đánh giá, gói hỗ trợ quan trọng nhất là khả năng hấp thụ vốn, không để bài học năm 2009 tái hiện bằng việc nhìn dòng tiền rẻ chạy vào các thị trường khác như chứng khoán, bất động sản gây nên hiện tượng bong bóng.

Một vấn đề quan trọng nữa, theo vị giảng viên này là chính sách thiết kế phải đơn giản, rõ ràng vì nguồn lực còn hạn chế nên không thể hỗ trợ “dàn trải” được.

Một vấn đề cũng được các ngân hàng quan tâm, đó là thủ tục quyết toán cấp bù lãi suất. Theo đó, các ngân hàng kiến nghị Bộ Tài chính nâng mức tạm ứng từ 90% lên 95% đồng thời đề nghị điều kiện, thủ tục quyết toán phải chi tiết, rõ ràng.

Trước loạt lo lắng về gói hỗ trợ lãi suất, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho rằng, lãi suất hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhưng tiền cho vay là tiền huy động của các tổ chức tín dụng, từ người dân. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều tiết để tạo thuận lợi cho các tổ chức tín dụng, có nguồn cung tín dụng, đáp ứng được nhu cầu của gói hỗ trợ này.

Ngoài ra, nhà điều hành chính sách tiền tệ cũng sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan để triển khai cấp bù lãi suất vào đúng đối tượng, có trọng tâm trọng điểm, khắc phục hạn chế của các gói hỗ trợ trước.

Minh Khuê

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán