Thanh Hóa 'réo tên' 6 dự án công có nguy cơ chậm tiến độ

17/04/2023 - 23:26
(Bankviet.com) Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa vừa công bố 6 dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh có nguy cơ 'lụt' tiến độ.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, có 6 dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh có nguy cơ “lụt” tiến độ.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, có 6 dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh có nguy cơ “lụt” tiến độ.

Cụ thể, dự án thứ nhất là dự án Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Lăng Miếu Triệu Tường, xã Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa (giai đoạn 2). Hiện nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã được huyện Hà Trung bàn giao mặt bằng 2 đợt với tổng diện tích là 10,725 ha để triển khai dự án, trong đó có 2.283m2 để phục vụ thi công hạng mục Cải dịch, hoàn trả quốc lộ 217B đoạn qua Khu di tích.

Tuy nhiên, phần diện tích này không đủ điều kiện để Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khởi công hạng mục Cải dịch, hoàn trả quốc lộ 217B đoạn qua Khu di tích.

Đối với công tác bồi thường của dự án, hiện tại vẫn còn một số hộ dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường giải phóng mặt bằng, giải quyết bồi thường, hỗ trợ đối với 12 hộ gia đình cá nhân có nguồn gốc đất giao trái thẩm quyền, kinh phí hỗ trợ đối với 47 hộ gia đình, cá nhân có tài sản vật kiến trúc nằm trong hành lang đường, tài sản nằm trên đất lấn chiếm không được bồi thường về đất.

Dự án thứ hai là dự án Đường nối Khu di tích lịch sử Lam Kinh với đường Hồ Chí Minh. Tiến độ giải phóng mặt bằng trên địa bàn 2 huyện Thọ Xuân và Ngọc Lặc rất chậm, đến nay vẫn chưa hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện dự án để bàn giao mặt bằng sạch cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và nhà thầu thi công.

Dự án thứ ba là dự án Bảo tồn, tu bổ, phục hồi, tôn tạo một số hạng mục công trình thuộc khu vực Thành nội Di sản văn hóa Thế giới Thành Nhà Hồ, huyện Vĩnh Lộc. Khó khăn, vướng mắc tại dự án này là sau khi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu tư vấn khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi thì các nhà thầu tham dự thầu có kiến nghị, khiếu nại làm kéo dài thời gian, thủ tục thực hiện dự án.

Dự án thứ tư là dự án đường giao thông từ Khu công nghiệp Bỉm Sơn đến đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa. Đối với đoạn qua địa bàn thị xã Bỉm Sơn, các công trình đường điện, hệ thống nước sạch chưa được di dời, 3 hộ chưa nhận tiền đền bù và 9 hộ dân đã nhận tiền đền bù nhưng chưa bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.

Đối với đoạn qua địa bàn huyện Nga Sơn, do diện tích trích đo so với bản đồ địa chính có sự sai khác nên phải điều chỉnh lại, hiện chưa trình Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa phê duyệt làm cơ sở thông báo thu hồi đất lúa.

Thêm khó khăn nữa mà dự án đang vướng phải là cùng trên địa bàn xã Nga Thủy, các trang trại sử dụng sai mục đích đất nông nghiệp thuộc phạm vi giải phóng mặt bằng tuyến đường ven biển được tỉnh hỗ trợ cơ chế cao hơn. Trong khi đó, 13 trang trại thuộc phạm vi giải phóng mặt bằng tuyến đường từ Khu công nghiệp Bỉm Sơn đến đường ven biển, cơ chế hỗ trợ của tỉnh đối với công trình kiến trúc chỉ bằng 50-70% so với đường ven biển.

Do đó, phát sinh những thắc mắc giữa các hộ dân. Đã tiến hành họp, tuyên truyền, vận động các hộ dân nhưng chưa đạt kết quả. Đơn vị giải quyết những vần đề trên của dự án thuộc UBND thị xã Bỉm Sơn, UBND huyện Nga Sơn, thời hạn giải quyết 1/6/2023.

Dự án thứ năm được nêu là dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn Hoằng Hóa - Sầm Sơn và Quảng Xương - Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn), tỉnh Thanh Hóa theo hình thức đối tác công tư (Hợp đồng BOT). Hiện này, còn 2 hộ chưa thống nhất phương án bồi thường và 1 hộ đang tổ chức công khai dự toán hỗ trợ thuộc xã Hoằng Châu.

Dự án đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, nhưng các hộ chưa tháo dỡ công trình, vật kiến trúc để bản giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư. Đơn vị giải quyết là UBND huyện Hoằng Hóa và UBND huyện Quảng Xương.

Cuối cùng là dự án đường Vạn Thiện đi Bến En. Dự án này đang vướng phải những khó khăn, vướng mắc như công tác di dời các đường điện 220Kv, trung, hạ thế khi thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh tại văn bản số 19480 ngày 29/12/2022 và công văn số 3910 ngày 23/12/2022 của Sở Công thương Thanh Hóa; theo đó, không hoàn trả tài sản, chỉ bồi thường bằng giá trị xây dựng mới của công trình có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương do chưa thống nhất được với cơ quan Điện lực.

Trước những vấn đề của 6 dự án này, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, đơn vị và UBND địa phương khẩn trương giải quyết các khó khăn của các dự án đầu tư công, giúp các dự án đảm bảo tiến độ đã đề ra.

Thanh Hóa: Dự án phát triển tổng hợp các đô thị động lực đội vốn 450 tỷ đồng

Thanh Hóa: Dự án Khu dân cư mới gần 400 tỷ đồng về tay Xuân Phúc Group

Thanh Hoá: Dự án điện mặt trời 2.600 tỷ ‘treo’ 6 năm có diễn biến mới

Quang Đăng

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán