Dự Hội thảo còn có đại diện Vụ Thanh toán, NHNN; đại diện Chi Hội thẻ ngân hàng Việt Nam (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam); đại diện NAPAS; đại diện lãnh đạo các ngân hàng như VietinBank, Agribank…
Nhiều tiềm năng, lợi ích
Thông tin tại Hội thảo cho thấy, trong 2 năm qua, đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy người dân dần thay đổi nhận thức, thói quen và sử dụng thẻ tín dụng nhiều hơn trong mua sắm, chi tiêu. Tính đến ngày 30/6/2021, số lượng thẻ phát hành mới tăng 28% và tổng doanh số sử dụng thẻ đạt 224.163 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước.
Vì thế, sự ra đời của thẻ tín dụng nội địa do NAPAS phối hợp các ngân hàng và công ty tài chính Việt Nam phát hành đáp ứng được nhu cầu lớn từ thị trường đồng thời được coi là kênh tiếp cận tín dụng chính thức từ ngân hàng/tổ chức tài chính. Thẻ tín dụng nội địa cũng được coi là bước đầu tiên thuộc xu hướng công nghệ mới trong lĩnh vực thanh toán.
Theo số liệu từ Vụ Thanh toán, NHNN, đến ngày 31/12/2021, có 12/46 tổ chức phát hành thẻ (TCPHT) phát hành thẻ tín dụng nội địa (tăng 50% về số lượng so với năm 2019); số lượng thẻ tín dụng nội địa đang lưu hành đến ngày 31/12/2021 đạt trên 475.000 thẻ (tăng 61,7% so với cuối năm 2019). Trong 5 năm (2017-2021), số lượng thẻ tín dụng nội địa đạt mức tăng trưởng bình quân 23,2%/năm, cao hơn thẻ tín dụng quốc tế là 17,18%/năm.
Ông Lê Văn Tuyên, Phó Vụ trưởng - Vụ Thanh toán NHNN cho biết, việc đẩy mạnh thẻ tín dụng nội địa mang lại lợi ích, tiềm năng cho toàn nền kinh tế.
Thứ nhất, thẻ tín dụng nội địa có nhiều ưu đãi, tính năng hấp dẫn nhóm khách hàng phổ thông hoặc lần đầu tiếp cận sản phẩm, dịch vụ ngân hàng như thủ tục mở thẻ đơn giản, thời gian miễn lãi dài từ 45 đến 55 ngày, được chấp nhận thanh toán trên mạng lưới thanh toán thẻ chip ghi nợ nội địa sẵn có của TCPHT.
Thứ hai, việc đẩy mạnh phát triển thẻ tín dụng nội địa góp phần có thêm sản phẩm, dịch vụ mới, là công cụ quảng bá, tiếp cận hiệu quả cho phân khúc khách hàng thu nhập thấp hoặc trung bình có nhu cầu sử dụng dịch vụ tài chính cơ bản nhưng chưa được tiếp cận hoặc tiếp cận chưa đầy đủ.
Thứ ba, góp phần giảm chi phí sử dụng thẻ cho khách hàng như phí phát hành, phí thường niên (miễn phí hoăc có mức phí cạnh tranh so với dòng thẻ quốc tế…), đặc biệt là cung cấp thêm lựa chọn thanh toán cho thị trường với chi phí chấp nhận thanh toán có thể “rẻ hơn” cho đơn vị chấp nhận thẻ.
Thứ tư, phát triển thẻ tín dụng nội địa là một bước tiến nữa khẳng định thương hiệu thẻ thuần Việt Nam sử dụng công nghệ, hạ tầng thanh toán trong nước, đồng tiền Việt Nam để kết nối, xử lý thanh toán an toàn, tin cậy, thông suốt cho mọi tình huống cho các TCPHT, tổ chức thanh toán thẻ (TCTTT) tại Việt Nam.
Đa dạng sản phẩm đáp ứng nhu cầu khách hàng
Toàn cảnh hội thảo
Chia sẻ tại Hội thảo, đại diện một số TCTD như Agribank, VietinBank, cho biết cùng với sự phát triển kinh tế, thu nhập bình quân tăng, mức sống đang dần được cải thiện, 70% dân số trẻ trong độ tuổi đi làm, thu nhập ổn định, đây đều là những điều kiện rất tiềm năng cho mở rộng thị trường thẻ tín dụng nội địa. Nắm bắt xu hướng này, các TCTD đã thúc đẩy phát triển sản phẩm thẻ tín dụng nội địa với nhiều tính năng đa dạng đáp ứng nhu cầu khách hàng.
Ông Nguyễn Quang Minh, Phó Tổng Giám đốc NAPAS cho biết NAPAS hiện phối hợp với các tổ chức phát hành các loại thẻ mới, đáp ứng tối đa nhu cầu sử dụng thẻ trong hoạt động thanh toán, tiết kiệm nguồn lực xã hội. Thẻ tín dụng nội địa NAPAS là sản phẩm giúp hoàn thiện hệ sinh thái thẻ chip nội địa theo định hướng của NHNN góp phần đẩy lùi tín dụng đen, đáp ứng toàn diện nhu cầu sử dụng thẻ trong các hoạt động thanh toán của người dân Việt Nam. Bên cạnh các tính năng vượt trội, các chủ thẻ sẽ được hưởng các ưu đãi đặc quyền cung cấp bởi NAPAS và các ngân hàng góp phần nâng cao nhận thức về sử dụng thẻ tín dụng, đẩy mạnh doanh số sử dụng thẻ và góp phần vào thành công của định hướng xã hội không dùng tiền mặt của Việt Nam.
Ông Tô Đình Tơn, Phó Tổng Giám đốc Agribank cho biết, với vị thế định chế tài chính hàng đầu, Agribank luôn trăn trở trước thực trạng tín dụng đen và chia sẻ khó khăn với người dân, đặc biệt là bà con nông dân. Từ năm 2019, Agribank triển khai thành công "Đề án đẩy mạnh phát triển dịch vụ thẻ" giúp người dân dễ dàng tiếp cận khoản vay và đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng thiết yếu như thanh toán điện, nước, điện thoại, chuyển học phí...
Đến nay, Đề án đã đạt được những kết quả quan trọng với hơn 430.000 thẻ được phát hành, trên 2.500 tỷ đồng hạn mức thấu chi được cấp và trên 5.000 thiết bị POS được lắp đặt nâng tổng số thiết bị POS tại địa bàn nông nghiệp, nông thôn lên gần 15 triệu thiết bị.
"Tại Hội thảo “Nhận diện tín dụng đen dưới góc nhìn pháp luật và các giải pháp phát triển tín dụng khu vực nông nghiệp nông thôn” do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức vào tháng 12/2021, Đề án đã được Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam ghi nhận và đánh giá rất cao về tính sáng tạo của Agribank trong việc triển khai phương thức cấp tín dụng qua thẻ, vừa đảm bảo kiểm soát được quá trình sử dụng tiền vay vừa giúp khách hàng tiếp cận được nguồn vốn vay chính thức với thủ tục đơn giản, dễ dàng và là mô hình sáng tạo để nhân rộng trong thời gian tới", ông Tô Đình Tơn chia sẻ.
Ông Tô Đình Tơn cho biết thêm, từ đầu năm 2022, Agribank chính thức triển khai sản phẩm thẻ tín dụng nội địa "Lộc Việt", tích hợp hai ứng dụng thẻ "debit" và "credit" trên cùng một con chip, góp phần tiết giảm chi phí phôi thẻ và giúp khách hàng chủ động, linh hoạt trong việc thanh toán mà không phải cầm theo quá nhiều thẻ. Sản phẩm vừa là phương tiện thanh toán, vừa là công cụ tài chính với lợi thế "chi tiêu trước, trả tiền sau, cho vay không có bảo đảm bằng tài sản với hạn mức tín dụng lên đến 30 triệu đồng...".
Còn tại VietinBank, ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Trung tâm thẻ VietinBank cho biết, trong thời gian qua, VietinBank đã tiên phong gỡ bỏ toàn bộ phí cho khách hàng, phát triển hạ tầng chấp nhận thanh toán tốt, mang lại tiện ích tối đa cho khách hàng. VietinBank đã chung tay cùng NAPAS phát triển những dòng thẻ nội địa và thấy rằng chi phí tiết giảm rất nhiều so với dùng thẻ của các tổ chức thẻ quốc tế.
“Khi sử dụng thẻ tín dụng quốc tế, chúng ta sẽ phải trả những chi phí rất lớn. Các tổ chức thẻ quốc tế có rất nhiều cách thu phí, mà chúng tôi hay gọi là ma trận, phí chồng phí. Rất nhiều người Việt đang sử dụng thẻ quốc tế chứ không phải các loại thẻ của Việt Nam cho các mục đích tiêu dùng trong nước. Đó là bài toán mà chúng ta sẽ phải giải: làm thế nào để các chủ thẻ sử dụng các loại thẻ nội địa”, ông Phạm Đăng Khoa nói.
Chia sẻ kinh nghiệm phát triển thẻ tín dụng nội địa, bà Trần Thị An Dung, Giám đốc vùng tại Hà Nội, Ngân hàng ACB cho biết, thẻ tín dụng nội địa được khách hàng hưởng ứng tích cực và có tốc độ tăng trưởng đáng khích lệ nhờ 3 yếu tố chính, gồm: Thứ nhất, là sản phẩm phù hợp. Thẻ tín dụng nội địa cung cấp tính năng mua trước - trả sau, khách hàng hoàn toàn chủ động chi tiêu trên thẻ và thanh toán lại số tiền đã chi tiêu khi đến hạn thanh toán mà không mất bất kỳ chi phí lãi phát sinh; Thứ hai, là đối tượng khách hàng phù hợp với 3 phân khúc: khách hàng nhận lương qua tài khoản, khách hàng chủ hộ kinh doanh cá thể và khách hàng nằm trong chuỗi các nhà phân phối; Thứ ba, là “đóng gói” sản phẩm phù hợp.
Đây là một trong những yêu tố then chốt quyết định đến việc thành công của sản phẩm. Thẻ tín dụng nội địa tại ACB không được bán đến khách hàng như một sản phẩm riêng lẻ mà được đóng gói thành một giải pháp cho khách hàng.
"ACB cam kết với NHNN là cùng NAPAS triển khai mạnh thẻ tín dụng nội địa trong 3 đến 5 năm tới. Chúng tôi dự kiến tốc độ tăng trưởng và doanh số thẻ tín dụng nội địa sẽ tốt hơn trong giai đoạn 5 năm vừa rồi”, bà Trần Thị An Dung chia sẻ.
Để đảm bảo an ninh, anh toàn khi sử dụng thẻ tín dụng nội địa, ông Lê Thanh Hà, Trưởng tiểu ban Rủi ro, Chi Hội thẻ ngân hàng Việt Nam khuyến cáo khách hàng không đưa thẻ cho bất cứ người nào khác, trừ nhân viên của ngân hàng hoặc các nhân viên thu ngân của đơn vị chấp nhận thanh toán được chỉ định để làm việc với khách hàng. Khách hàng nên chủ động quản trị rủi ro thẻ thông qua các công cụ mà ngân hàng cung cấp. Trong trường phát sinh rủi ro (như thất lạc, mất thẻ/ đã cung cấp thông tin thẻ cho đối tượng giả mạo,…)/nghi ngờ có rủi ro hoặc thông tin, dữ liệu thẻ có thể đã bị xâm nhập, khách hàng cần lập tức khóa thẻ thông qua ứng dụng ngân hàng, liên hệ ngay tổng đài hỗ trợ khách hàng 24/7 hoặc Cơ quan Công an nơi gần nhất để được hỗ trợ.
Kết luận buổi hội thảo, ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định, hội thảo đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, những ý tưởng độc đáo về mục tiêu, định hướng, đối tượng, dịch vụ, kiểm soát rủi ro, kinh nghiệm triển khai thực tế của tổ chức phát hành thẻ. Qua đó, rút ra những bài học thực tiễn sinh động, quý giá, hữu ích trong quá tình nghiên cứu tìm ra con đường hiệu quả cho việc phát triển hoạt động thẻ nói chung và hoạt động thẻ tín dụng nói riêng trong thời gian tới.
Bùi Trang - Quỳnh Lê
Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ