Thêm nhiều cảnh báo về nguy cơ nợ xấu ngân hàng tăng cao

22/06/2021 - 00:39
(Bankviet.com) “Mặc dù nền kinh tế tiếp tục duy trì đà hồi phục và tín dụng ngành ngân hàng dự báo tăng khoảng 11-13% trong năm nay, nhưng còn nhiều rủi ro đang chờ đợi các ngân hàng ở phía trước, đặc biệt là vấn đề nợ xấu”.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 21/5/2021, tín dụng toàn hệ thống tăng 4,67% - cao hơn đáng kể so với mức 2% của cùng kỳ năm trước, trong khi huy động vốn tăng 2,68%. Riêng tại khu vực TP.HCM, dư nợ tín dụng tính đến cuối tháng 5/2021 tăng 4,7% so với hồi đầu năm.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho biết, trong tổng số nợ cơ cấu lại 357.000 tỷ đồng hiện tại, có khoảng 1/3 là tiềm ẩn nợ xấu, tức là có thể biến thành nợ xấu khi hết thời hạn tái cơ cấu. Đến cuối năm nay, các ngân hàng bắt buộc trích lập dự phòng rủi ro cho phần tín dụng tiềm ẩn nợ xấu theo Thông tư 03/2021/TT-NHNN vào khoảng 40.000-44.000 tỷ đồng và khoản này sẽ được trừ vào lợi nhuận nên các ngân hàng sẽ khó giữ mức tăng trưởng lợi nhuận cao 20-30% như những năm trước.

“Mặc dù nền kinh tế tiếp tục duy trì đà hồi phục và tín dụng ngành ngân hàng dự báo tăng khoảng 11-13% trong năm nay, nhưng còn nhiều rủi ro đang chờ đợi các ngân hàng ở phía trước, đặc biệt là vấn đề nợ xấu”, TS. Lực nhấn mạnh.

Báo cáo tại phiên họp mở rộng của Thường trực Ủy ban Kinh tế ngày 10/6/2021, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở thời điểm này là 1,76% và tới cuối tháng 6 có thể là 1,78% - tăng so với mức 1,69% vào cuối năm 2020. Ngân hàng Nhà nước cũng đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế trong năm nay để xác định nợ xấu và đánh giá việc cơ cấu lại nợ của các ngân hàng thương mại và theo đó, nợ xấu nội bảng dao động trong khoảng 1,54-1,91% vào cuối năm nay.

Theo ông Tú, nếu cộng tất cả các khoản nợ xấu nội bảng, nợ xấu bán cho VAMC chưa được xử lý, nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu… thì con số này vào khoảng 3,43-3,84%, còn tính toán theo Thông tư 01/2020 và Thông tư 03/2021 thì tổng số nợ xấu trong hệ thống vào khoảng 4,56-4,98%.

“Tác động của dịch Covid-19 là khó tránh nên bảo nợ xấu không tăng là phi lý, vì không phải riêng hệ thống ngân hàng làm ra nợ xấu mà của cả nền kinh tế, cho nên phải nhìn nợ xấu một cách khách quan và đầy đủ để có biện pháp xử lý phù hợp”, ông Tú nhấn mạnh.

Theo đánh giá của TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, để tăng trưởng tín dụng hiệu quả cần đẩy mạnh kích cầu hơn nữa, vì hiện cầu vốn đã tăng nhưng vẫn còn nhiều doanh nghiệp ở những lĩnh vực du lịch, khách sạn, hàng không... tạm dừng hoạt động. Vì vậy, các ngân hàng khi cho vay phải kiểm soát được nguồn trả nợ của khách hàng để vừa đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng, vừa đảm bảo chất lượng tài sản.

Thực tế, trong năm 2020, các ngân hàng đã trích lập dự phòng lớn cho rủi ro nợ xấu có thể gia tăng nên sẽ ít phải chịu áp lực tăng trích lập trong năm 2021. Tuy nhiên, việc nợ xấu tăng lên sẽ tác động lên chi phí trích lập của các ngân hàng ít nhất là trong 2 năm tới do dư nợ được phép chậm trả trong 360 ngày tính từ hạn trả nợ mới để chuyển từ nợ nhóm 1 (nợ đủ tiêu chuẩn) sang nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn).

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại tăng cường quản trị rủi ro, đẩy mạnh hơn các biện pháp kiểm soát tín dụng đổ vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao, bao gồm cả bất động sản. Về phía Ngân hàng Nhà nước, một trong những công cụ chính kiểm soát rủi ro nợ xấu bất động sản gia tăng là giảm tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn theo lộ trình, từ mức 40% hiện nay xuống 37% kể từ ngày 1/10/2021 và giảm tiếp xuống 30% bắt đầu từ ngày 1/10/2022. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng tăng hệ số rủi ro đối với các khoản vay bất động sản từ mức 150% lên 200%.

Theo đánh giá của TS. Cấn Văn Lực, nợ xấu của hệ thống ngân hàng có thể tăng lên mức 2,5-3% vào cuối năm 2021 và việc trích lập dự phòng rủi ro có thể kéo dài trong 3 năm theo Thông tư 03/2021. Khi chất lượng tài sản xấu đi buộc ngân hàng phải tăng dự phòng rủi ro và điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận.

Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), hạn mức tăng trưởng tín dụng ở một số ngân hàng tư nhân đã đạt mức trần ngay sau khi kết thúc quý I/2021. Trong đó, dư nợ lĩnh vực bất động sản tăng nhỉnh hơn mức tăng chung. Cho đến giữa tháng 5/2021, các khoản cho vay dài hạn tiếp tục dẫn dắt tăng trưởng tín dụng (đạt 4,68% so với mức tăng 4,32% của cùng kỳ năm trước) cho thấy tốc độ tăng trưởng vẫn dựa phần lớn vào việc cho vay liên quan đến bất động sản. Các ngân hàng có thể hạn chế giải ngân các khoản vay dài hạn và tập trung vào các khoản vay ngắn hạn để đẩy nhanh tốc độ thu hồi nợ.

Linh Đan

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán