Thép Pomia lỗ nặng, người nhà lãnh đạo đồng loạt bán cổ phiếu

10/03/2023 - 17:24
(Bankviet.com) Hai chị gái của ông Đỗ Tiến Sĩ – Phó Chủ tịch HĐQT Thép Pomia đều đăng ký bán ra toàn bộ số cổ phiếu POM đang nắm giữ.
Hai chị gái của Phó Chủ tịch HĐQT Thép Pomia Đỗ Văn Sĩ đồng loạt đăng ký bán ra toàn bộ số cổ phiếu POM đang sở hữu.
Hai chị gái của Phó Chủ tịch HĐQT Thép Pomia Đỗ Văn Sĩ đồng loạt đăng ký bán ra toàn bộ số cổ phiếu POM đang sở hữu.

Mới đây, bà Trương Geb Đỗ Thị Cẩm Hương - chị ông Đỗ Tiến Sĩ, Phó chủ tịch HĐQT Công ty CP Thép Pomina (HoSE: POM) đã có thông báo về việc đăng ký bán toàn bộ hơn 2,1 triệu cổ phiếu POM, tỷ lệ 0,75%.

Giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 14/3 đến ngày 12/4/2023, theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh. Trước đó, từ ngày 21/2 đến ngày 8/3, bà Cẩm Hương đã đăng ký bán hết 2,49 triệu cổ phiếu POM nhưng chỉ bán được 379.800 cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ thành công chỉ hơn 15%, do giá không đạt được kỳ vọng.

Hiện cổ phiếu POM đang giao dịch tại vùng giá 5.200 đồng/cp. Ước tính tại thị giá này bà Cẩm Hương sẽ thu về khoảng 11 tỷ đồng từ việc thoái vốn tại doanh nghiệp mà em trai mình làm lãnh đạo.

Tương tự bà Hương, một chị gái khác của ông Sĩ là bà Đỗ Thị Nguyệt cũng vừa công bố giao dịch bán bất thành cổ phiếu POM. Cụ thể, từ ngày 2/2 đến ngày 3/3, bà Nguyệt đăng ký bán 4,59 triệu cổ phiếu POM nhưng đã không bán được cổ phiếu nào do giá không đạt được kỳ vọng. Sau giao dịch, bà Nguyệt vẫn nắm giữ gần 4,59 triệu cổ phiếu POM, tỷ lệ 1,64%.

Động thái này của người nhà ông Sĩ diễn ra trong bối cảnh, Thép Pomia vừa công bố khoản lỗ 1.167 tỷ đồng trong năm 2022, trong khi cùng kỳ lãi hơn 206 tỷ đồng, chủ yếu là do kinh doanh dưới giá vốn và áp lực chi phí lãi vay cao. Đây cũng là khoản lỗ lớn nhất ngành thép trong năm vừa qua.

Đến hết 31/12/2022, Thép Pomina có gần 4.000 tỷ đồng tài sản ngắn hạn, trong đó tiền mặt chỉ hơn 200 tỷ đồng. Hàng tồn kho giảm mạnh xuống còn gần 1.200 tỷ đồng, trong khi đầu năm lên tới 4.700 tỷ đồng.

Tổng nợ phải trả hơn 8.509 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2022, trong đó nợ ngắn hạn lên tới 7.700 tỷ đồng, trong đó nợ vay tài chính ngắn hạn là 5.432 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu giảm gần 1.200 tỷ đồng, còn hơn 2.500 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2022.

Trước đó, hồi cuối tháng 9/2022, Pomina phải dừng hoạt động sản xuất lò cao và đồng thời phải cắt giảm một số nhận sự để đảm bảo tình hình kinh doanh. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của biến động giá nguyên vật liệu tăng cao. Đặc biệt là giá nguyên liệu đầu vào phục sản xuất của nhà máy đã tăng mạnh trong khi hệ lụy của dịch bệnh chưa khắc phục được.

Theo báo cáo phân tích ngành thép của Công ty Chứng khoán VNDirect, dự báo năm 2023 các doanh nghiệp sản xuất thép vẫn sẽ đối diện với loạt khó khăn trong bối cảnh nhu cầu xây dựng giảm, giá nguyên liệu đầu vào sản xuất tăng... Kỳ vọng của ngành thép năm nay là giải ngân đầu tư công dự kiến tăng 20-25% so với năm 2022.

Theo VNDirect, về xuất khẩu, trợ lực của ngành là giá thép có thể ít biến động hơn do nhu cầu từ thị trường Trung Quốc ổn định sau khi mở cửa với nhiều chính sách nhằm hỗ trợ, phục hồi thị trường bất động sản. Nhưng nhìn chung, ngành thép vẫn khó khăn ở nửa đầu năm và có thể chỉ thực sự khởi sắc vào nửa cuối năm 2023.

Quang Đăng

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán