Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng vẫn còn tiềm năng phát triển

23/05/2024 - 00:08
(Bankviet.com) Theo chuyên gia, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng nước ta vẫn có tiềm năng phát triển nhờ khung pháp lý trở nên ổn định, khơi thông được nhiều điểm nghẽn.
Chính phủ thông qua Đề nghị Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở có hiệu lực Tìm giải pháp phát triển thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng

Chiều 18/5, Báo Xây dựng, Hiệp Hội bất động sản Việt Nam phối hợp tổ chức Diễn đàn “Khơi thông dòng chảy bất động sản du lịch nghỉ dưỡng”.

Lý do bất động sản nghĩ dưỡng "ngủ đông"

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, sau sự phát triển rất nhanh, thời gian gần đây, nhất là sau năm 2020, lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng có dấu hiệu chững lại, nguồn cung hạn chế, lượng giao dịch giảm sút, gây ảnh hưởng đến thị trường bất động sản nói chung và gây ảnh hưởng đến thị trường bất động sản nghỉ dưỡng trong thời gian qua.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh phát biểu. Ảnh: Đức Thảo
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh phát biểu. Ảnh: Đức Thảo

Theo Thứ trưởng, có 3 khó khăn chính, thứ nhất là về thủ tục pháp lý, việc triển khai đầu tư dự án bất động sản nói chung chưa đồng bộ, còn chống chéo khiến nhà đầu tư còn ngần ngại. Thứ hai là trình tự thủ tục đầu tư có nhiều thủ tục phải qua nhiều bước, gây ảnh hưởng đến tạo nguồn cung. Cuối cùng là việc xác định giá đất, quyền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng,...

Ngoài ra, còn có những vướng mắc khác như công tác lập điều chỉnh quy hoạch để đảm bảo sự đồng bộ giữa các cấp quy hoạch, hay khó khăn liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sử dụng tài sản; nguồn lực để phát triển dự án;... Các hoạt động đầu tư trong thời gian vừa qua gặp nhiều khó khăn, một số chủ đầu tư triển khai dự án chậm đã ảnh hưởng tới niềm tin của khách hàng, người dân.

"Khơi thông" nhiều điểm nghẽn

Theo ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản - Bộ Xây dựng, Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023 vừa được thông qua là một trong những khung pháp lý quan trọng tác động tích cực đến thị trường bất động sản, đã "khơi thông" nhiều điểm nghẽn.

Ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản - Bộ Xây dựng.
Ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản - Bộ Xây dựng. Ảnh: Đức Thảo

Nói rõ hơn về Luật Kinh doanh bất động sản 2023, ông Hoàng Hải thông tin, Luật đã bổ sung quy định mới về điều tiết thị trường bất động sản liên quan tới nguồn vốn, thẩm định giấy phép... Các công năng của nhà ở sẽ được phân định rõ: Condotel, officetel... Cùng với đó, quy định chặt chẽ về điều kiện kinh doanh bất động sản, quy định năng lực của chủ đầu tư...

"Quy định vấn đề đầu tư đối với người Việt Nam ở nước ngoài cũng được thể hiện rõ, hạn chế phát sinh đối với dự án khi đưa vào kinh doanh. Vấn đề chuyển nhượng dự án bất động sản cũng bỏ bớt những phần không cần thiết khi dự án đã được triển khai... Đây là bước tiến lớn để hoàn thiện, phát triển thị trường bất động sản", ông Hoàng Hải cho hay, thời gian tới bất động sản nghỉ dưỡng sẽ có nhiều tiềm năng bởi thị trường đang quay trở lại dưới những tác động của các Bộ Luật mới.

Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng trong bối cảnh mới

Các đại biểu trao đổi, thảo luận tại diễn đàn. Ảnh: Đức Thảo
Các đại biểu trao đổi, thảo luận tại diễn đàn. Ảnh: Đức Thảo

Theo TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam, thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng tại Việt Nam vẫn có tiềm năng phát triển trong tương lai với sự hỗ trợ từ nhu cầu du lịch tăng cao, sự quan tâm của các nhà đầu tư.

Để phát triển bền vững, ông Đính cho rằng chủ đầu tư cần quan tâm đến việc quy hoạch, phát triển dự án với mục tiêu "bảo vệ, tôn trọng cảnh quan tự nhiên" là xu hướng, đồng thời cung cấp môi trường du lịch, nghỉ dưỡng thuận lợi. Cùng với đó, đa dạng hóa sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của các loại khách hàng khác nhau, từ biệt thự biển sang trọng đến căn hộ nghỉ dưỡng tiện ích.

PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam góp ý chính quyền địa phương cần chia sẻ với doanh nghiệp, do liên quan trực tiếp đến thu nhập, việc làm của người dân, thu ngân sách của địa phương… Cần chủ động sáng tạo nhưng đảm bảo quy định để gỡ khó cho doanh nghiệp. Cùng với đó, địa phương cần quan tâm đến phát triển kinh tế đêm.

Bất động sản nghỉ dưỡng vẫn còn tiềm năng phát triển
Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng vẫn còn tiềm năng phát triển. Ảnh: M.T

Ông Thiên nêu Nha Trang - Khánh Hòa là một ví dụ điển hình về phát triển kinh tế đêm, khi diện mạo "thay đổi rõ rệt". Khi du lịch ấm lên thì bất động sản nghỉ dưỡng sẽ có những triển vọng khởi sắc.

Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn KN Holdings kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH KN Cam Ranh cho hay, cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phân khúc du lịch nghỉ dưỡng đã sẵn sàng quay trở lại thị trường.

Theo ông Thanh, khung pháp lý hoàn thiện, cùng lực đẩy từ ngành Du lịch, sẽ giúp thị trường bất động sản nghỉ dưỡng bắt kịp đà phục hồi chung, Dự kiến nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng năm 2024 sẽ có cơ hội cải thiện khoảng 20% so với năm ngoái, trong đó, loại hình căn hộ biển là điểm nhấn.

Cũng tại diễn đàn, các chuyên gia, doanh nghiệp đã tham gia đóng góp ý kiến, làm rõ những điểm mới trong Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi, những tác động tích cực đến thị trường. Cùng với đó, xem xét tác động của chính sách pháp luật hiện hành đến thị trường, dự báo diễn biến, xu hướng, thách thức, cơ hội để góp phần tìm ra giải pháp phát triển bền vững thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng trong năm 2024.

Đức Thảo

Theo: Báo Công Thương