Thị trường cà phê Brazil hưởng lợi lớn từ thế trận thuế quan mới của Mỹ
Giá cà phê robusta và arabica giảm nhẹ tuần qua. Các biến động thuế quan từ Mỹ tạo cục diện có lợi cho Brazil nhưng gây áp lực lớn cho các nhà xuất khẩu Đông Nam Á.

Tính đến cuối tuần trước, giá cà phê robusta giao tháng 5/2025 trên Sàn London đóng cửa ở mức 5.099 USD/tấn, giảm nhẹ 0,3% so với tuần trước đó. Tuy nhiên, mức giá này vẫn cao hơn khoảng 3,6% so với cuối năm 2024.
Tại Sàn New York, giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 5/2025 giảm 1,6% xuống còn 360 cent/pound, nhưng vẫn ghi nhận mức tăng 12,1% kể từ đầu năm 2025 đến nay. Điều này cho thấy nhu cầu toàn cầu vẫn tích cực, dù thị trường đối mặt với những yếu tố rủi ro về địa chính trị và thương mại.
Trong bối cảnh căng thẳng thương mại ngày càng leo thang, Brazil – quốc gia xuất khẩu cà phê số một thế giới – đang nổi lên là bên hưởng lợi lớn nhất. Nhờ có hệ thống logistics phát triển, sản lượng dồi dào cả arabica lẫn robusta và mối quan hệ thương mại gần gũi với Mỹ, Brazil đang củng cố vững chắc vị thế thống trị toàn cầu.
Chuyên gia Alexander Barrett nhận định: “Brazil vừa giành chiến thắng trong cuộc chiến cà phê.” Nhờ quy mô sản xuất lớn, khả năng thích ứng cao và chính sách thuế ưu đãi, quốc gia này tiếp tục gia tăng xuất khẩu, đặc biệt từ các bang như Espírito Santo – nơi sản lượng robusta đang được đẩy mạnh đầu tư.
Trái ngược với Brazil, Việt Nam và Indonesia đang phải đối mặt với mức thuế quan nặng nề từ phía Mỹ, theo biểu thuế đối ứng do Chính quyền Tổng thống Donald Trump công bố. Cụ thể, Việt Nam – nhà xuất khẩu robusta lớn nhất thế giới – phải chịu thuế suất lên tới 46%, Indonesia 32%, trong khi Brazil và Colombia chỉ bị áp thuế 10%.
Nếu mức thuế tạm hoãn hiện tại được tái áp dụng sau 3 tháng, Colombia cũng có thể quay trở lại đường đua xuất khẩu nhờ loại arabica cao cấp được xử lý ướt. Tuy nhiên, hạn chế về lao động và khí hậu khiến Colombia khó gia tăng nhanh sản lượng trong ngắn hạn.
Trong khi đó, Việt Nam và Indonesia – vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu hàng hóa số lượng lớn – ít có khả năng hấp thụ cú sốc này, đặc biệt trong bối cảnh giá cà phê nội địa của Việt Nam đang cao hơn giá thế giới, gây áp lực lên lợi nhuận xuất khẩu.
Ban đầu, nhiều dự báo cho rằng người tiêu dùng Mỹ sẽ phải gánh chịu mức tăng giá cà phê hai con số vào cuối năm 2025, theo báo cáo từ Reuters và nhận định của nhà phân tích Javier Blas (Bloomberg). Tuy nhiên, sau khi ông Trump tuyên bố “Ngày Giải Phóng” và giá cà phê sụt giảm do phản ứng thị trường, các nhà rang xay lại có xu hướng đẩy gánh nặng xuống chuỗi cung ứng.
Chuyên gia Judith nhận định: “Người sản xuất sẽ chịu thiệt đầu tiên. Khi giá tăng, các nhà rang xay lo mất khách, nên thay vì điều chỉnh giá bán lẻ, họ ép giá mua nguyên liệu từ nông dân.”
Điều này càng khiến nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu ở các quốc gia như Việt Nam, Indonesia, Colombia... trở nên dễ tổn thương hơn trong bối cảnh đầy biến động hiện nay.