ROS tím trần ba phiên liên tiếp, FLC lên cao nhất gần 10 năm: Kết phiên 22/12, VN-Index giảm nhẹ hơn 1 điểm, chỉ số vốn hóa lớn VN30 sụt sâu hơn khi mất hơn 7 điểm, tương đương 0,49%. Ngược lại, chỉ số vốn hóa vừa VNMID và vốn hóa nhỏ VNSML tăng lần lượt 0,62% và 0,93%. Nhiều cổ phiếu tăng mạnh có thể kể đến như FLC của Tập đoàn FLC, ROS của FLC Faros, HQC của Địa ốc Hoàng Quân, ITA của Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo,... Các mã này đều góp mặt trong top 10 thanh khoản khớp lệnh của sàn HOSE ngày hôm nay, ROS dẫn đầu với gần 37 triệu đơn vị… Cổ phiếu Tập đoàn FLC tăng 3,1% và kết phiên ở 18.550 đồng/cp, mức cao nhất kể từ ngày 21/3/2012 trở lại đây. Tính từ đầu năm 2021 đến nay, FLC đã tăng hơn 300%. Vốn hóa của FLC hiện nay đạt 13.170 tỷ đồng. Cổ phiếu ROS của Xây dựng FLC Faros kịch trần ba phiên liên tiếp trong tuần này gồm 20, 21 và 22/12, hiện dừng ở 12.850 đồng/cp. Đây là mức giá cao nhất của ROS kể từ tháng 1/2020.
Gỗ Trường Thành đã tất toán sạch nợ xấu ở ngân hàng: Ngày 20/12, CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (Mã: TTF) cho biết đã thanh toán xong nợ với Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank, DAB). Đây là khoản nợ cuối cùng của TTF với các ngân hàng. Hiện nay, TTF đã sạch nợ với ngân hàng và tín dụng trở lại bình thường. Cùng ngày, DongA Bank chi nhánh Bình Dương cũng có văn bản xác nhận TTF đã trả hết nợ cho ngân hàng. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT Gỗ Trường Thành đã chia sẻ với cổ đông rằng: "Một khi thoát được nợ xấu, TTF sẽ chơi cuộc chơi hoàn toàn khác vì có quyền vay tiền mặt và ngoại tệ với mức lãi suất thấp".
EVN Finance được chấp thuận niêm yết trên HoSE: Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) thông báo chấp thuận niêm yết cho 304,7 triệu cổ phiếu EVF của Công ty tài chính cổ phần điện lực (EVN Finance, UPCoM: EVF). EVN Finance được thành lập năm 2008 với mục tiêu làm đầu mối thu xếp vốn, quản trị vốn cho các dự án thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị thành viên. Cổ đông lớn nhất là Đầu tư và Tư vấn Thiên Triều Aria nắm 5%, tiếp theo là ABBank nắm 4,97%.
Khối ngoại đẩy mạnh mua ròng trên HoSE, tiếp tục 'xả' CEO: Trong phiên 22/12, khối ngoại mua vào 30,7 triệu cổ phiếu, trị giá 1.364 tỷ đồng, trong khi bán ra 36,3 triệu cổ phiếu, trị giá 1.477 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng ở mức 5,5 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng là 113 tỷ đồng. Trên sàn HoSE, khối ngoại đẩy mạnh mua ròng 205 tỷ đồng (gấp 4 lần phiên trước), tương ứng khối lượng bán ròng là 644.647 cổ phiếu. VIC được khối ngoại mua ròng mạnh nhất với 164 tỷ đồng. Trong khi đó, NLG bị bán ròng mạnh nhất với 46 tỷ đồng. Tại sàn HNX, giao dịch của khối ngoại tiếp tục có sự đột biến khi đẩy mạnh bán ròng hơn 322 tỷ đồng, tăng gần 80% so với phiên trước, tương ứng khối lượng bán ròng là 5,1 triệu cổ phiếu. Tương tự như phiên trước, dòng vốn ngoại sàn này bán ròng rất mạnh mã CEO với giá trị lên đến 329 tỷ đồng…
PV Oil ước lãi kỷ lục 884 tỷ đồng năm 2021: Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil, UPCoM: OIL) vừa tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2021. Ông Đoàn Văn Nhuộm, Tổng giám đốc doanh nghiệp cho biết dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh công ty. Song nhờ các giải pháp hạn chế thấp nhất thiệt hại của dịch bệnh và nắm bắt tốt các cơ hội thị trường, PV Oil đã đạt được kết quả khả quan. Cụ thể, doanh thu hợp nhất ước đạt 55.000 tỷ đồng, hoàn thành 98,7% kế hoạch năm và tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2020; doanh thu công ty mẹ ước đạt 32.522 tỷ đồng, hoàn thành 120,5% kế hoạch năm và tăng 55,2% so với cùng kỳ năm 2020. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 884 tỷ đồng, vượt 121% kế hoạch năm. Trong đó, lợi nhuận công ty mẹ ước đạt 754 tỷ đồng, vươt 151% kế hoạch năm; công ty con ước đạt 160 tỷ đồng, hoàn thành 101% kế hoạch năm.
An Quý Hưng góp toàn bộ cổ phiếu VCG trị giá 14.300 tỷ đồng vào một doanh nghiệp mới thành lập: Công ty TNHH An Quý Hưng đăng ký bán toàn bộ 277,8 triệu cổ phiếu, tương đương 62,9% vốn Vinaconex (HoSE: VCG). Mục đích giao dịch là chuyển quyền sở hữu chứng khoán do góp vốn bằng cổ phần vào doanh nghiệp. Giao dịch sẽ được thực hiện ngoài hệ thống. Thời gian từ 22/12 đến 20/1. VCG hiện giao dịch vùng giá 51.500 đồng/cp, tăng 28% tính từ cuối tháng 10. Tính theo vùng giá này, lô cổ phiếu VCG mà An Quý Hưng chuyển nhượng có giá trị 14.300 tỷ đồng. Ngược lại, Công ty Đầu tư Pacific Holdings nhận chuyển nhượng đúng lượng cổ phiếu trên để sở hữu 62,9% vốn Vinaconex. Mục đích là nhận vốn góp bằng cổ phần vào doanh nghiệp. Công ty Đầu tư Pacific Holdings mới được thành lập vào ngày 12/11/2021, hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Công ty này có vốn điều lệ 7.100 tỷ đồng, An Quý Hưng sở hữu 99,9% vốn góp, giá trị góp 7.094 tỷ đồng.
Nguyễn Thanh
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam