Thị trường chứng khoán ngày 27/7/2021: Thông tin trước giờ mở cửa

27/07/2021 - 15:34
(Bankviet.com) Giữa đà giảm của cổ phiếu ngân hàng, VCBS chỉ ra 4 mã có triển vọng tăng giá trên 24%; Bộ Tài chính yêu cầu HOSE báo cáo về việc áp dụng lô 10 cổ phiếu trở lại; Cổ phiếu bất động sản hút tiền; Một cổ phiếu tăng 104% sau một tuần;… là những thông tin chính được Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam gửi đến Quý độc giả trước giờ giao dịch ngày 27/7/2021.

Bộ Tài chính yêu cầu HOSE báo cáo về việc áp dụng lô 10 cổ phiếu trở lại: Ngày 26/07, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) về việc rà soát các biện pháp chống nghẽn lệnh đã áp dụng trên thị trường chứng khoán thời gian qua. Bộ chỉ đạo SSC rà soát đảm bảo khả năng vận hành của hệ thống giao dịch mới, trong thời gian sớm nhất có thông báo chính thức cho phép HOSE tiếp nhận trở lại các hồ sơ đăng ký niêm yết mới. Đồng thời tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp có nhu cầu chuyển niêm yết từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) sang HOSE, đặc biệt là các doanh nghiệp bị ảnh hưởng trong thời gian nghẽn lệnh tại HOSE. Đáng chú ý, Bộ yêu cầu khẩn trương báo cáo việc áp dụng giao dịch lô tối thiểu 10 cổ phiếu như trước đây để đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư.

Khối ngoại tiếp tục chi trăm tỷ gom MSB sau chuỗi phiên bán ròng: Thị trường chứng khoán Việt Nam chìm trong sắc đỏ trong phần lớn thời gian của phiên 26/7 nhưng hồi phục vào cuối giờ chiều. Nhiều cổ phiếu bluechip bị khối ngoại bán ròng như KDH của Nhà Khang Điền, VIC của Vingroup, SSI của Chứng khoán SSI, GAS của PV Gas,… Ở nhóm ngân hàng, các nhà đầu tư nước ngoài tập trung bán ròng 117,5 tỷ đồng cổ phiếu MBB của Ngân hàng Quân Đội, 27 tỷ đồng STB của Sacombank, 18 tỷ đồng cổ phiếu VCB của Vietcombank. Ngược chiều, khối ngoại mua ròng gần 4,94 triệu cổ phiếu MSB của Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam, trị giá 136 tỷ đồng. Trong phiên cuối tuần trước (23/7), MSB cũng được gom gần 4,6 triệu đơn vị, trị giá 129 tỷ đồng. Đây đều là các con số mua ròng kỷ lục kể từ khi MSB lên sàn vào cuối năm 2020 đến nay. Tuy nhiên trong ba phiên 20, 21 và 22/7, khối ngoại đều bán ròng hàng triệu cổ phiếu MSB, tổng trị giá gần 350 tỷ đồng. Như vậy, hai phiên mua vào gần đây vẫn chưa đủ bù lại ba phiên xả ra trước đó.

Chứng khoán SSI huy động thêm 100 triệu USD từ các ngân hàng Đài Loan, tăng quy mô cho vay margin: Ngày 26/7, CTCP Chứng khoán SSI (Mã: SSI) thông báo ký hợp đồng vay vốn với hạn mức 100 triệu USD (hơn 2.300 tỷ đồng). Đây là khoản vay vốn tín chấp từ nhóm các ngân hàng hàng đầu Đài Loan. Theo thông báo, đơn vị đứng đầu thu xếp và đầu mối khoản vay là Ngân hàng Union Bank of Taiwan (UBOT) và Taipei Fubon Commercial Bank Co., Ltd (Fubon). Ngoài ra còn có sự tham gia của các ngân hàng lớn như Bank of Taiwan, Taiwan Shin Kong Commercial Bank. Hua Nan Commercial Bank…). Nói về mục đích sử dụng vốn vay, Bà Nguyễn Vũ Thùy Hương, Giám đốc Khối Nguồn vốn và Kinh doanh Tài chính của SSI chia sẻ công ty sử dụng để phân bổ vào các hoạt động kinh doanh tăng cường năng lực cạnh tranh cho khối dịch vụ chứng khoán và bán lẻ, phân bổ vào mảng dịch vụ hỗ trợ tài chính cho khách hàng, đặc biệt là cho vay margin.

Giữa đà giảm của cổ phiếu ngân hàng, VCBS chỉ ra 4 mã có triển vọng tăng giá trên 24%: Trong báo cáo triển vọng thị trường 6 tháng cuối năm 2021, Phòng Phân tích và Nghiên cứu Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đã chỉ ra 4 cổ phiếu ngân hàng có dư địa tăng giá trên 24% cho tới cuối năm, bao gồm BID, MBB, TPBTCB. Lợi nhuận của các nhà băng này cũng được dự báo tăng ít nhất 25% so với năm ngoái.

Cổ phiếu bất động sản hút tiền: Thị trường tiếp tục ghi nhận sự sụt giảm về thanh khoản trong tuần 19 - 23/07. Cụ thể, sàn HOSE ghi nhận khối lượng giao dịch giảm 4,3% so với tuần trước, xuống còn 574 triệu đơn vị/phiên; giá trị giao dịch cũng giảm 5,5% về còn 18,4 ngàn tỷ đồng/phiên. Trên sàn HNX, khối lượng giao dịch giảm tới 22% về mức gần 99 triệu đơn vị/phiên; giá trị giao dịch giảm 18,5% về còn hơn 2,2 ngàn tỷ đồng/phiên. Thanh khoản chung sụt giảm song thị trường vẫn ghi nhận một số cổ phiếu hút tiền mạnh so với tuần trước. Chẳng hạn PTB có khối lượng giao dịch bình quân đạt gần 500 ngàn đơn vị/phiên, gấp hơn 4,3 lần tuần trước. ITQ trên sàn HNX có khối lượng giao dịch bình quân gấp hơn 4 lần tuần trước, đạt gần 550 ngàn đơn vị/phiên. Nếu xét về nhóm ngành, dòng tiền cho thấy sự chú ý tới nhóm bất động sản trong tuần qua. Trên cả hai sàn, nhiều cổ phiếu bất động sản tăng mạnh về thanh khoản như KDH, NLG, NTL, LHG, DXG, CRE, AAV, NDN, CEO. Trong đó, KDH, NLG có khối lượng giao dịch bình quân bằng lần so với tuần trước. Với sự tích cực của dòng tiền, hầu hết các cổ phiếu này đều tăng giá trong tuần.

Một cổ phiếu tăng 104% sau một tuần: Cổ phiếu KLM của CTCP Kim loại màu Nghệ Tĩnh (UPCoM: KLM) vừa có 4 phiên tăng liên tiếp, riêng ngày 19/7 thị giá mã này tăng 38,5% sau khi không có giao dịch nào được thực hiện suốt nửa năm. Đóng cửa ngày 24/7, giá KLM ở mức 19.600 đồng/cp, tăng 104% sau một tuần. Tương tự nhiều trường hợp tăng đột biến khác, khối lượng giao dịch của cổ phiếu KLM thấp, khoảng 200-500 đơn vị, nhiều phiên thậm chí không có thanh khoản.

Thị giá tăng 3 lần, Chủ tịch và CEO Kim khí KKC muốn bán toàn bộ 22,9% vốn: Ông Đoàn Trung Hà, Tổng giám đốc của Kim khí KKC (HNX: KKC) đăng ký bán toàn bộ 638.400 cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 13,61% vốn của doanh nghiệp này. Bên cạnh đó, ông Đào Trọng Khôi, Chủ tịch của Kim khí KKC cũng đăng ký bán toàn bộ 552.702 cổ phiếu (tỷ lệ 11,78%). Cả 2 giao dịch dự kiến được thực hiện trong 4 phiên từ 27-30/7 thông qua phương thức thỏa thuận và khớp lệnh. Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu KKC chốt phiên 23/7 đạt mức 30.600 đồng/cp, tăng 330% so với cuối năm 2020.

Khối ngoại bán ròng phiên thứ 6 liên tiếp trên HoSE: Trong phiên 26/7, khối ngoại giao dịch bớt tiêu cực hơn nhưng vẫn duy trì trạng thái bán ròng. Cụ thể, dòng vốn này mua vào 29,8 triệu cổ phiếu, trị giá 1.367,8 tỷ đồng, trong khi bán ra 32,4 triệu cổ phiếu, trị giá 1.430 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng ở mức 2,7 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng là 63 tỷ đồng. Trên sàn HoSE, khối ngoại có phiên bán ròng thứ 6 liên tiếp với giá trị giảm 66,4% so với phiên trước và ở mức 70,7 tỷ đồng, tương ứng khối lượng bán ròng là hơn 2,9 triệu cổ phiếu. MBB bị khối ngoại trên HoSE bán ròng mạnh với giá trị 117 tỷ đồng. Trong khi đó, MSB được mua ròng mạnh nhất với 136 tỷ đồng. NVLVHM được mua ròng lần lượt 81 tỷ đồng và 69 tỷ đồng.

Tân An

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán