Tuần giao dịch vừa qua (15-19/6), VN-Index dao động trong vùng 1.058 - 1.077 điểm và chốt tuần tại tại mức 1.067 điểm (gần như không đổi so với cuối tuần trước đó), do tâm lý chần chừ của nhà đầu tư khiến lực cầu không thể duy trì mạnh, dẫn tới đà tăng không bền vững. Điểm tích cực là thanh khoản tiếp tục cải thiện so với trước đó.
Giới phân tích cho rằng, thị trường chứng khoán đang có những phản ứng tích cực ban đầu với sự dịch chuyển chính sách từ thắt chặt sang nới lỏng. Trạng thái giằng co kéo dài nhưng không tiêu cực thể hiện sự cân bằng đã đạt được khi mà dòng tiền trong nước đã bắt đầu quay trở lại thị trường trong bối cảnh mặt bằng lãi suất trong nước dần hạ nhiệt.
Tuy nhiên, thị trường đang chờ đợi những biểu hiện cụ thể như những con số để xác nhận kết quả kinh doanh trong quý II/2023 có thể có sự chuyển biến, khi mà các quan điểm thận trọng cho rằng hoạt động sản xuất kinh doanh chưa thể tốt lên được trong quý II, thậm chí có thể vẫn duy trì trạng thái yếu và chỉ trong giai đoạn củng cố.
Cho nên, để thay đổi xu hướng đi ngang, thị trường cần thêm các tín hiệu rõ nét hơn về hiệu quả của chính sách, thay vì chỉ là những thông tin như hiện tại. “Dù nhiều động thái chính sách được ban hành song tương lai của các doanh nghiệp lại chưa cho thấy kịch bản rõ nét ", chuyên gia Đào Phúc Tường cho hay.
Theo Chứng khoán VNDirect, dòng tiền đã có sự cải thiện, tuy nhiên để thị trường có thể bứt phá qua vùng kháng cự mạnh 1.080 - 1.100 điểm thì cần thêm những thông tin hỗ trợ từ chính sách trong nước.
"Cụ thể, nhà đầu tư đang rất chờ đợi thêm một đợt giảm lãi suất điều hành nữa của Ngân hàng Nhà nước cũng như chính sách giảm thuế VAT 2% nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của người dân. Những chính sách này nếu được thông qua trong thời gian tới có thể là cú hích để chỉ số VN-Index thiết lập lại xu hướng tăng điểm và hướng đến các cột mốc cao hơn trong giai đoạn tới", chuyên gia từ VNDirect chỉ rõ.
Tương tự, ông Thái Hữu Công, chuyên viên phân tích cao cấp, Chứng khoán KBSV nhận định, diễn biến hồi phục của thị trường từ vùng đáy 875 điểm của chỉ số VN-Index đã phản ánh xu hướng giảm của lãi suất trong vài tháng gần đây. Xu hướng hồi phục tiếp theo sẽ cần thêm sự củng cố từ nền tảng doanh nghiệp, hoặc tốc độ giảm lãi suất nhanh hơn, kết hợp với sự mở rộng mạnh mẽ của cung tiền (thông qua hoạt động tín dụng) trong thời gian tới.
Có thể thấy, thời điểm thực sự để các yếu tố tích cực phản ánh rõ nét hơn vào thị trường chứng khoán sẽ phải chờ sau khi kỳ báo cáo quý II/2023 diễn ra khi mà nhà đầu tư có kỳ vọng chắc chắn hơn với một chu kỳ tiền rẻ mới và hiệu quả của chu kỳ tiền rẻ mới sẽ chỉ rõ nét hơn từ cuối quý III/2023.
Trong bối cảnh thị trường còn chưa rõ ràng như hiện nay, nhà đầu tư được khuyến cáo tiếp tục duy trì tỷ trọng thấp, kết hợp giao dịch lướt sóng hạn chế với việc tích lũy cổ phiếu. Một câu hỏi đặt ra là nhóm ngành nào đáng được chú ý?
Theo đó, trong ngắn hạn, một số nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình tiếp tục được hưởng lợi từ chính sách mới và yếu tố cơ bản của doanh nghiệp như nhóm dầu khí, năng lượng, ngân hàng, bất động sản, chứng khoán, bán lẻ. Dù vậy, lực cản từ thị trường trái phiếu và sức cầu thấp trong tiêu thụ hàng hóa khiến dòng tiền trên thị trường vẫn khó khăn, giá trị giao dịch dự báo tiếp tục ở mức thấp trong quý II/2023.
Do đó, nhà đầu tư vẫn cần giao dịch trong thận trọng, nên quan sát diễn biến cung cầu tại vùng kháng cự, đồng thời có thể nắm giữ hoặc khai thác cơ hội ngắn hạn tại một số cổ phiếu có tín hiệu kỹ thuật tốt và thu hút dòng tiền.
Còn về dài hạn, theo góc nhìn của chuyên gia Đào Phúc Tường, những cổ phiếu theo chuỗi giá trị hay cổ phiếu tư vấn điện sẽ được hưởng lợi nhất. Đây là những công ty sẽ mang lại tỷ suất lợi nhuận trên vốn cao nhất. Đối với những công ty sản xuất điện lại chưa chắc có lợi, bởi theo quy hoạch điện VIII, mảng phát triển mạnh là mảng điện có giá thành cao nhất.
Tương tự, Chứng khoán DSC cho rằng, nhiệt điện khí được kỳ vọng thay thế điện than theo định hướng của Quy hoạch Điện VIII nên các nguồn điện khí có thể được áp dụng tối đa trong thời gian tới. Các dự án khí lớn trong nước như Lô B - Ô Môn, Cá Voi Xanh, Dung Quất cũng sẽ được thúc đẩy với công suất ước tính gấp đôi so với hiện tại. Bên cạnh đó, nguyên liệu đầu vào khí LNG nhập khẩu (giá được tính dựa trên giá dầu Brent và giá khí đốt tự nhiên của Henry Hub) đang trong xu hướng giảm dài hạn từ đỉnh tháng 8/2022.
“Điện khí hội tụ cả yếu tố về giá đầu vào giảm và khả năng cạnh tranh tốt hơn so với nguồn điện khác trong năm 2023 cũng như giai đoạn sắp tới. Do đó, nhóm cổ phiếu POW, NT2, PGV, GAS...được đánh giá cao trong trung và dài hạn”, DSC khuyến nghị.
Nhóm cổ phiếu dầu khí cũng được đánh giá khả quan với các luận điểm như: doanh nghiệp ít bị ảnh hưởng bởi suy thoái hơn so với các ngành khác; tăng trưởng lợi nhuận trong giai đoạn 2023-25F của các công ty thượng nguồn; triển vọng dài hạn vững chắc nhờ các dự án tiềm năng liên quan đến Quy hoạch Điện VIII và việc sửa đổi Luật Dầu khí là chất xúc tác hỗ trợ các dự án thượng nguồn tại Việt Nam trong những năm tới.
Tự doanh quay đầu bán ròng hơn trăm tỷ đồng phiên đầu tuần 22/5, PET là tâm điểm Phiên giao dịch ngày 22/5, bộ phận tự doanh công ty chứng khoán bán ròng hơn 121 tỷ đồng trên cả 3 sàn, trong đó ... |
Thị trường chứng khoán ngày 23/5/2023: Thông tin trước giờ mở cửa Đầu tuần thuận lợi, VN-Index chinh phục mốc 1.070; Thibidi được chấp thuận hủy tư cách công ty đại chúng; Hai cổ đông lớn thoái ... |
Kỳ vọng cổ phiếu ô tô không còn bị "lãng quên" Nếu Chính phủ tiếp tục áp dụng chính sách giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ, cùng với việc lãi suất ngân hàng đang ... |
Nhật Hải