Thị trường mùng 3 Tết: Rau xanh tăng cao; các mặt hàng khác ổn định

12/02/2024 - 19:54
(Bankviet.com) Từ chiều mùng 2 đến sáng mùng 3 Tết, thị trường tiêu dùng sôi động hơn nhưng giá cả cơ bản ổn định, chỉ có rau xanh tăng cao so với ngày thường.
Thị trường hàng tiêu dùng năm 2024: Khi "hầu bao" dần nới lỏng “Bắt mạch” tiêu dùng nội địa năm 2024 sau tháng 1 khởi đầu hanh thông

Giá rau xanh tăng gấp 3 ngày thường

Do nhu cầu của người tiêu dùng tăng cao trong khi lượng rau chưa được người dân thu hoạch nhiều, nên giá rau xanh tại hầu hết các địa phương tăng mạnh.

Thị trường mùng 3 Tết: Rau xanh tăng cao; các mặt hàng khác ổn định
Giá các loại rau xanh đều tăng

Tại Nam Định, hầu hết các loại rau xanh tăng 2-3 lần so với ngày thường. Cụ thể: Súp lơ xanh 25 – 30 nghìn đồng/cái; rau muống 15 – 20 nghìn đồng/bó; rau cần 20 nghìn đồng/bó.

Chị Lan (nhà ở đường Phạm Huy Thông, phường Văn Miếu, TP. Nam Định, Nam Định) cho biết: “Những ngày cuối năm giá rau xanh rất rẻ nhưng từ sáng mùng 2 Tết giá bắt đầu tăng, đến sáng mùng 3 thì tăng cao cấp 3 lần so với ngày thường. Những loại rau như rau cần, rau cải, rau muống… thậm chí phải đi nhiều chợ mới mua được đủ để gia đình ăn lẩu”.

Hà Nội, giá rau xanh tại nhiều chợ dân sinh cũng tăng cao. Các loại rau được tìm mua nhiều là: Cải cúc, cải mơ... gia bán 15.000 đồng/bó, súp lơ xanh 20.000 đồng/cái, tăng gấp đôi so với ngày thường. Ngoài rau xanh, đậu phụ cũng là món được nhiều người chọn mua nên giá tăng cao gấp đôi ngày thường.

Cũng như Hà Nội hay Nam Định, tại Bắc Ninh và Bắc Giang giá các loại rau xanh đều tăng cao so với ngày thường. Bà Yến (người dân ở huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) chia sẻ: Nhiều năm nay, mùng 3 Tết người dân có thói quen ăn lẩu nên nhu cầu tiêu thụ rau xanh tăng mạnh. Năm nay thời tiết thuận lợi, không có sương muối nên 2 sào trồng rau cải cúc và rau xà lách nhà bà Yến khá tốt. Từ chiều mùng 2 đến sáng mùng 3 Tết nhiều người dân quanh trong làng ra tận ruộng rau nhà bà để mua.

Còn các mặt hàng thực phẩm khác như thịt bò, thịt lợn, thịt gà, cá... giá chỉ nhỉnh chút ít so với ngày thường. Nguyên nhân là do từ mùng 2 Tết, ngoài các chợ truyền thống thì nhiều siêu thị đã mở cửa. Nguồn cung dồi dào giúp thị trường ổn định.

Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đánh giá, thị trường không có hiện tượng khan hàng, sốt giá. Qua theo dõi, nắm bắt diễn biến giá cả thị trường tại các địa phương cho thấy, về cơ bản diễn biến giá cả thị trường tháng 1, tuần đầu tháng 2 và trong những ngày Tết không có biến động bất thường, một số mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết tăng theo quy luật hoặc theo diễn biến giá thế giới.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng tháng 1/2024 tăng 0,31% so với tháng trước và tăng 3,37% so với cùng kỳ năm 2023. Lạm phát cơ bản tháng 01/2024 tăng 2,72% so cùng kỳ năm trước.

Sang tuần đầu tháng 2 bước vào giai đoạn cận Tết và phục vụ nhu cầu cúng lễ ông Công ông Táo, nhu cầu mua sắm của người dân tăng lên tập trung chủ yếu vào các mặt hàng thực phẩm và hoa thắp hương, trái cây, sức mua tăng lên nhưng nguồn cung dồi dào. Nhìn chung, giá cả khá ổn định, chỉ một số mặt hàng như hoa tươi thắp hương tăng hơn 40%, trái cây và gà ta thắp hương tăng 10 - 15%.

Địa phương quản chặt giá cả

Nhiều nhận định, chiều hôm nay mùng 3 Tết, thị trường tiêu dùng sẽ sôi động hơn. Tuy nhiên, do nguồn cung vẫn được đảm bảo, dồi dào, cộng với tâm lý của người dân đang dần chuyển sang thói quen mua sắm chi tiêu hợp lý trong dịp Tết nên giá cả sẽ ổn định.

Thậm chí tại TP. Hồ Chí Minh sức mua giảm. Từ ngày mùng 2 Tết, một số siêu thị tại TP. Hồ Chí Minh như Coop mart, Satra… hoạt động trở lại, nhưng thời gian hoạt động ngắn hơn so với ngày thường phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Một số chợ truyền thống, chợ đầu mối hoạt động trở lại nhưng với số lượng sạp ít. Chủ yếu mua bán lương thực thực phẩm thiết yếu rau, củ và trái cây, có nhiều mặt hàng chưa nhập do còn hàng tồn đọng, thương nhân bán hàng lấy ngày khai xuân.

Người dân cũng đã mua sắm đầy đủ vào các ngày trước đó nên sức mua giảm, mãi lực thấp và không còn mua nhiều như các ngày trước Tết. Giá cả hàng hóa các mặt hàng lương thực, thực phẩm, trái cây, rau củ quả vẫn ổn định, giảm nhẹ so với những ngày trước Tết.

Tại Bắc Giang, từ ngày mùng 2, ngoài chợ dân sinh tập trung chủ yếu bán một số mặt hàng thịt heo và các loại rau xanh, củ quả, thì nhiều siêu thị cũng mở cửa. Giá cả ổn định so với ngày thường. Nhiều mặt hàng vẫn giảm giá nên thu hút đông người mua.

Để bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, Sở Công Thương Bắc Giang vẫn tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan theo dõi sát diễn biến thị trường, kịp thời điều tiết hàng hóa, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, không để xảy ra thiếu hàng, sốt giá.

Còn tại Bắc Ninh, lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thị trường; công tác an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ, an ninh trật tự, xử lý các thông tin thất thiệt gây bất ổn thị trường và tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng; Đẩy mạnh triển khai các hoạt động hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm hỗ trợ sản xuất trong nước và thúc đẩy lưu thông hàng hóa kết hợp cung ứng hàng hóa bình ổn thị trường dịp Tết cho các địa bàn dân cư.

Để bảo đảm cân đối lượng hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gây tăng giá đột biến các bộ, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý, nhất là các mặt hàng thiết yếu, có biến động tăng giá cao trên địa bàn.

Bộ Tài chính dự báo một số yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá trong và sau Tết. Theo đó, quý I trùng với thời điểm diễn ra nhiều hoạt động lễ hội cuối năm và Tết Nguyên đán Giáp Thìn, giá cả thường có biến động tăng theo quy luật vào trước và sau Tết (trong tháng Giêng là tháng lễ hội nên thường giá các hàng hóa, dịch vụ phục vụ ăn uống, vui chơi, đi lại sẽ tăng).

Thanh Tâm

Theo: Báo Công Thương