Thị trường thực phẩm ngày càng đòi hỏi cao về tính bền vững Yếu tố nào sẽ thúc đẩy thị trường thực phẩm hữu cơ tại Việt Nam? |
Đa dạng chủng loại
Ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương tại chợ Đồng Xa (Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội), chợ Cầu Diễn (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho thấy, dù đã là sáng 30 Tết nhưng các mặt hàng thực phẩm vẫn được bày bán khá phong phú, từ rau, gạo, măng, miến, thịt các loại… đến hoa, quả, bánh kẹo. Giá các mặt hàng thực phẩm chỉ tăng nhẹ so với ngày thường.
Sáng 30 Tết, gà ta lông bán với giá từ120.000-150.000 đồng/kg |
Cụ thể, giá thịt phổ biến ở mức: Thịt lợn mông sấn 120.000-140.000 đồng/kg, thịt lợn thăn 150.000-170.000 đồng/kg; thịt bò thăn loại I từ 2800.000-350.000 đồng/kg; giá gà ta lông 120.000-150.000 đồng/kg; giá tôm sú (loại 26-30 con/kg): 500.000-600.000 đồng/kg, tương đương so với cùng kỳ năm ngoái...
Rau, củ, trái cây: Do thời tiết thuận lợi nên nguồn cung rau củ quả khá dồi dào, đa dạng. Giá một số loại rau củ hiện phổ biến: bắp cải 8.000-12.000 đồng/kg, su hào 5.000-8.000 đồng/củ, xà lách 12.000-18.000 đồng/kg, cà chua 15.000-17.000 đồng/kg, khoai tây 15.000-20.000 đồng/kg, súp lơ 10.000-15.000 đồng/cây...
Do thời tiết thuận lợi nên giá các loại rau vẫn giữ như mức ngày thường |
“Giá các loại trái cây có múi như cam, quýt, bưởi giá tương đương ngày thường, thậm chí rẻ hơn, tuy nhiên thanh long, xoài cát, dừa non... tăng nhẹ so với ngày thường, do đây là một số mặt hàng hoa quả đặc trưng ai cũng có nhu cầu bày trong ngày Tết”, chị Hoa (bán hàng ở chợ Cầu Diễn chia sẻ).
Giá một số cây cảnh đã giảm rất mạnh. Nhiều người bán hoa cây cảnh với tâm lý “bán nhanh cho hết”, vì đã là trưa ngày 30 Tết.
Bà Mai - nhà ở Hoài Đức (Hà Nội) đang rao bán rẻ cho hết xe hoa ly |
Cùng với không khí mua bán tại chợ truyền thống, nhiều trung tâm thương mại vẫn mở cửa. Lượng khách đến trung tâm thương mại, siêu thị mua sắm không còn đông và nhộn nhịp hơn mấy ngày trước, nhưng ngoài một số đóng cửa hàng thông báo đóng cửa trước 12 giờ trưa ngày 30 Tết vẫn có một số cửa bán đến 7 giờ tối nay.
Lam Giang – nhân viên bán hàng tại cửa hàng tiện lợi WinMart+ Cầu Diễn cho biết: Trong buổi sáng ngày 30 Tết lượng bánh, kẹo bán ra không nhiều như ngày trước đó, chỉ có một số gia đình sắm thêm.
Để đáp ứng nhu cầu sắm Tết của người dân, năm nay, các doanh nghiệp, đơn vị phân phối đã xây dựng kế hoạch, ký kết hợp đồng khai thác hàng hóa phục vụ Tết tăng trung bình từ 7-25%, tùy từng mặt hàng so với cùng kỳ Tết năm 2023, trong đó trọng tâm là các mặt hàng lương thực, thực phẩm. Tại các điểm bán, lượng hàng hóa được tăng cường 15 - 40% sẵn sàng phục vụ của người dân; trong đó, tỷ lệ hàng Việt Nam chiếm tới 90%.
Các địa phương triển khai nhiều điểm bán hàng bình ổn giá
Tại Hà Nội, năm 2024, thành phố đã chuẩn bị hàng trăm nghìn tấn sản phẩm hàng hoá, ước tính tổng giá trị gần 41.000 tỷ đồng. Sở Công Thương Hà Nội cho biết, đến nay đã có hơn 1.300 điểm bán hàng của các đơn vị phân phối, bán lẻ đăng ký mở cửa bán hàng phục vụ người dân từ ngày mùng 1 - 5 Tết, từ mùng 6 Tết trở đi các hệ thống hoạt động bình thường phục vụ người dân.
Lượng khách đến trung tâm thương mại, siêu thị mua sắm sáng nay khá vắng |
Bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - cho hay, qua nắm bắt tình hình và kiểm tra thực tế, các doanh nghiệp đã chấp hành nghiêm túc chỉ đạo của thành phố về công tác chuẩn bị nguồn cung hàng hóa. Các doanh nghiệp cũng đã dự trữ một lượng hàng tăng hơn gấp 3 lần so với lượng giao chỉ tiêu của Sở Công Thương TP. Hà Nội. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra thị trường cũng như kiểm tra chất lượng về an toàn thực phẩm, thành phố cũng đã chỉ đạo các sở, ngành tăng cường kiểm tra về công tác an toàn thực phẩm theo chức năng, nhiệm vụ của mình.
Được biết, tổng số doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán trên địa bàn Hà Nội là 32 đơn vị, cung ứng các mặt hàng bình ổn tới hơn 14.535 điểm bán.
Tại chợ Điện Biên, TP. Thanh Hóa, giá các mặt hàng hải sản tăng từ 10- 40 %, tùy từng loại. Ví dụ như tôm biển sống từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng 1 kg, ghẹ sống từ 400- 500 nghìn đồng 1 kg, cá thu nướng 450- 600 nghìn đồng 1 kg… Nguồn cung hải sản khá phong phú. Tuy nhiên theo nhận xét của các tiểu thương thì lượng tiêu thụ giảm so với thời điểm tết mọi năm.
Còn tại Bắc Ninh, không khí mua sắm hàng hóa tiêu dùng trên địa bàn tỉnh vẫn rất sôi động. Tại siêu thị, cửa hàng bán lẻ, chợ dân sinh, các loại mặt hàng thiết yếu phong phú, đa dạng với nguồn cung dồi dào, giá cả ổn định, đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân.
Lực lượng chức năng tỉnh Bắc Ninh đã tập trung kiểm tra chặt chẽ những mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán như: Quần áo, giày dép, bánh kẹo, hoa quả, rượu, bia, thuốc lá, nước giải khát...; đặc biệt, chú trọng kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vận chuyển, buôn bán pháo nổ, pháo hoa các loại; giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý nhằm góp phần đảm bảo ổn định thị trường để phục vụ nhu cầu Tết cho nhân dân.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Đào Quang Khải, UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung - cầu, giá cả hàng hóa; chủ động xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường trên địa bàn.
Tại Bắc Giang, tình hình cung ứng hàng hóa trên địa bàn khá ổn định |
Tại Bắc Giang, tình hình cung ứng hàng hóa trên địa bàn khá ổn định. Sở Công Thương Bắc Giang vẫn đang tiếp tục phối hợp với đơn vị liên quan theo dõi sát diễn biến thị trường, kịp thời điều tiết hàng hóa, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, không để xảy ra thiếu hàng, sốt giá.
Thanh Tâm