Nợ xấu ngân hàng vọt tăng: Nguyên nhân do ngân hàng hay người vay? | |
Sở hữu chéo, cho vay doanh nghiệp “sân sau” còn phức tạp | |
Tín dụng rót vào bất động sản đạt gần 1 triệu tỷ đồng |
Sáng ngày 31/10, Hội thảo “Gỡ khó cho vay tiêu dùng - Đẩy lùi tín dụng đen" do VTV Digital tổ chức diễn ra tại Hà Nội. Hội thảo nhằm tìm giải pháp hỗ trợ thị trường tín dụng tiêu dùng phát triển lành mạnh, trở thành kênh cung cấp vốn cho các nhu cầu chính đáng của người dân, đặc biệt là người lao động thu nhập thấp.
Hội thảo với sự tham gia của đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, Bộ Công an, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam... Hội thảo giúp tìm ra giải pháp hỗ trợ thị trường vay tiêu dùng tại Việt Nam và tạo điều kiện cho người dân có thể tiếp cận các kênh cho vay chính thống.
Toàn cảnh Hội thảo “Gỡ khó cho vay tiêu dùng - Đẩy lùi tin dụng đen". Ảnh: MH |
Nhiều năm qua, việc cho vay tiêu dùng qua các kênh chính thức như ngân hàng thương mại, công ty tài chính, các công ty tài chính công nghệ (fintech)... đã và đang đáp ứng nhu cầu vốn tiêu dùng cá nhân, góp phần tránh cho người dân phải tìm đến tín dụng đen. Ước tính tới nay, các công ty tài chính tiêu dùng được cấp phép đã hỗ trợ được khoảng 30 triệu người tiếp cận được vốn vay, với dư nợ bình quân khoảng 35 - 50 triệu đồng/người.
Trong 5 năm gần đây, tín dụng tiêu dùng phát triển mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 20%/năm. Tuy nhiên, thời gian gần đây, thị trường tín dụng tiêu dùng đang gặp khủng hoảng khi liên tiếp đối mặt nhiều khó khăn do dịch Covid-19, suy thoái kinh tế toàn cầu, lạm phát khiến lãi suất tăng.
Đặc biệt, công nhân, người lao động, người thu nhập thấp vốn là phân khúc khách hàng chính của công ty tài chính bị giảm thu nhập, giảm việc làm hoặc thất nghiệp... ảnh hưởng tới khả năng trả nợ sau khi vay vốn của khách hàng. Chất lượng tài sản tại các công ty tài chính tiêu dùng sụt giảm, nợ xấu gia tăng cũng buộc các công ty này phải siết chặt điều kiện cho vay hơn, đẩy mức lãi suất cho vay tăng cao khiến những người có nhu cầu vay tiêu dùng chính đáng càng khó tiếp cận các khoản vay chính thống và có thể sẽ bị buộc phải tìm đến tin dụng đen để giải quyết các nhu cầu vốn sinh hoạt cấp thiết.
Bên cạnh đó, tình trạng tín dụng đen núp bóng" cho vay tiêu dùng, thậm chí mạo danh ngân hàng, công ty tài chính,... khiến người vay không phân biệt được đâu là công ty tài chính, fintech được cấp phép chính thống, đâu là tín dụng đen, kéo theo hiện tượng một số khách hàng mượn những thông tin công ty tài chính bị kiểm tra để tẩy chay, chây ỳ trả nợ, thậm chí lan truyền xúi giục nhiều người khác cùng “bùng nợ" trên mạng xã hội càng khiến thị trưởng vay tiêu dùng bị méo mó.
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng. Ảnh: MH |
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, đến 31/8/2023, dư nợ cho vay phục vụ đời sống toàn hệ thống đạt khoảng 2.671.000 tỷ đồng, chiếm 21% tổng dư nợ nền kinh tế, tăng 0,35% so với 31/12/2022, nợ xấu chiếm tỷ lệ trên 4%.
Trong đó, dư nợ cho vay phục vụ nhu cầu đời sống của 16 công ty tài chính là 135.945,36 tỷ đồng (chiếm khoảng hơn 5% dư nợ cho cho vay phục vụ đời sống). Tuy nhiên, nợ xấu của các công ty tài chính đến nay đã lên đến 8 - 10%, cá biệt có công ty nợ xấu lên đến 20%, nhiều công ty lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí thua lỗ do phải trích dự phòng rủi ro nợ xấu tăng cao.
Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, công ty tài chính đều gặp rất nhiều khó khăn do nợ xấu ngày càng tăng cao, ngoài những yếu tố khách quan với khó khăn chung. Đáng chú ý, còn có những yếu tố chủ quan và rất nguy hiểm mà chưa có chế tài xử lý đó là khách hàng cố tình không trả nợ, người trước khuyên người sau không trả nợ, thậm chí cán bộ công ty đến đòi nợ hoặc nhắc nợ thì chống đối, tố cáo, vu khống cán bộ là dùng biện pháp manh động để đòi nợ đến chính quyền.
Một số đối tượng lợi dụng việc cơ quan quản lý trấn áp tội phạm tín dụng đen và cố tình quy kết các công ty tài chính tiêu dùng do NHNN cấp phép là tổ chức tín dụng đen nên không trả nợ và thành lập hội bùng nợ trên zalo, facebook,... nhưng không hề bị xử lý. Từ đó dẫn đến nợ xấu của các công ty tài chính tiêu dùng tăng cao, cán bộ thu hồi nợ nghỉ việc, các công ty tài chính không thể tiếp tục mở rộng cho vay được, thực tế dự nợ không tăng mà còn giảm so với năm 2022 (giảm trên 60.000 tỷ).
Bên cạnh đó, người dân có thu nhập thấp, có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp cận được vốn vay từ công ty tài chính tiêu dùng… Hệ quả là tín dụng đen bắt đầu trỗi dậy, mặc dù các cơ quan quản lý nhà nước tích cực triệt phá nhiều ổ nhóm tín dụng đen song diễn biến còn rất phức tạp dưới nhiều hình thức tinh vi nhất là trên môi trường mạng.
Cũng theo ông Hùng, trong bối cảnh kinh tế khó khăn vừa qua, các công ty tài chính đã chấp hành nghiêm túc chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước tổ chức triển khai cho vay tiêu dùng đối với những đối tượng dưới chuẩn để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tối thiểu của người lao động có thu nhập thấp nhằm hạn chế và từng bước đẩy lùi tín dụng đen.
Đồng quan điểm, ông Lê Quốc Ninh - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tài chính tiêu dùng cũng nhận định, tín dụng tiêu dùng đang trong giai đoạn khó khăn nhất trong vòng hơn 15 năm qua. Dư nợ cho vay của nhóm công ty tài chính tiêu dùng tính tới cuối tháng 6/2023 giảm 10,2% so với thời điểm cuối năm 2022. Nợ xấu của nhóm công ty tài chính cũng tăng từ mức 10,7% cuối 2022 lên 12,5% cuối tháng 6/2023 - theo thống kê của Fiingroup. Con số nợ xấu này, theo ông Ninh là rất đáng báo động. Ngoài ra, Việt Nam có 16 công ty tài chính tiêu dùng được cấp phép, song giá trị tích cực mà các công ty này hướng đến đang bị pha loãng bởi hàng trăm công ty tín dụng đen.
Để đẩy lùi tín dụng đen "hoành hành", chia sẻ tại Hội thảo, đại diện Bộ Công an cho hay, các cơ quan, tổ chức có liên quan cần tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được phân công, đẩy mạnh công tác phối hợp với các đơn vị liên quan, để phòng ngừa, phát hiện và triệt phá các tổ chức tín dụng đen.
Đồng thời, các ban ngành địa phương cũng cần phải đẩy mạnh hơn nữa tuyên truyền trên nhiều nền tảng về tác hại và hệ lụy của tín dụng đen; tạo điều kiện cho người lao động, công nhân tiếp cận các nguồn vốn vay an toàn, ưu đãi.
Đặc biệt nhấn mạnh, cần phải đẩy mạnh tiến độ xác thực thông tin, làm sạch và loại bỏ tài khoản sim rác, tài khoản ảo, triển khai các giải pháp hỗ trợ tài chính cho người dân thông qua ứng dụng dữ liệu dân cư và sớm có giải pháp, văn bản chỉ đạo thực hiện việc xác thực thông tin người dùng trên các nền tảng mạng xã hội, các tài khoản trên không gian mạng, đại diện Bộ Công an chia sẻ.
Tỷ giá ngoại tệ ngày 26/10: Đồng USD lên mức cao nhất trong gần 1 tuần Tỷ giá USD ngày 26/10 ghi nhận, đồng bạc xanh đã tăng lên mức cao nhất trong gần 1 tuần so với các loại tiền ... |
Tỷ giá vẫn đang đối mặt với áp lực tăng Trong các phiên giao dịch gần đây, tỷ giá USD/VND vẫn chịu áp lực tăng cho dù biến động không còn nhiều. |
Tỷ giá ngoại tệ hôm nay 27/10: Đồng USD củng cố đà tăng Tỷ giá USD ngày 27/10 ghi nhận tại thị trường tự do và các ngân hàng thương mại tăng vọt so với phiên trước đó. |
Thiên Thanh