Thư tín dụng phát hành bởi tổ chức phi ngân hàng: Rủi ro và giải pháp

10/04/2023 - 17:39
(Bankviet.com) Bài viết nêu ra một số tình huống rủi ro liên quan đến L/C phát hành bởi TCPNH thông qua điện MT 710 và các giải pháp phòng tránh.

Tóm tắt: Gần đây đã xuất hiện tình trạng nhà xuất khẩu và cả ngân hàng nhận phải “trái đắng” liên quan đến thư tín dụng (L/C) phát hành bởi tổ chức phi ngân hàng (TCPNH) thông qua điện MT 710. Trong bài viết này, người viết nêu ra một số tình huống rủi ro liên quan đến L/C phát hành bởi TCPNH thông qua điện MT 710 và các giải pháp phòng tránh.

Từ khóa: thư tín dụng, điện thanh toán, UCP 600, MT710

Letters of credit issued by non-bank institutions: Risks and solutions

Abstract: Recently, there has been a situation where exporters and banks receive "bitter fruit" related to letters of credit (L/C) issued by non-bank institutions via MT 710 swift message. In this article, the writer outlines a number of risk situations related to L/Cs issued by non –bank institutions via MT 710 swift message and solutions to avoid them.

Keywords: letter of credit, payment text message, UCP 600, MT710 swift message

MT 710 là gì?

MT 710 như tên gọi của nó “Advice of a Third Bank’s of a Non-Bank’s Documentary Credit” là một loại điện Swift được ngân hàng thông báo sử dụng để thông báo cho người thụ hưởng hoặc ngân hàng thông báo khác các điều kiện và điều khoản của L/C được phát hành bởi một ngân hàng thứ ba hoặc một TCPNH (thường là các công ty).

Swift và Phòng Thương mại Quốc tế (ICC) thống nhất rằng các TCPNH có thể phát hành L/C miễn là khi nhận được L/C phát hành bởi TCPNH thông qua MT 710, ngân hàng thông báo có trách nhiệm thông báo cho người thụ hưởng (nhà xuất khẩu) hoặc ngân hàng thông báo khác biết rõ tình trạng phi ngân hàng của tổ chức phát hành L/C và nêu rõ vai trò hạn chế của ngân hàng thông báo. ICC lưu ý: “Nếu mẫu thông báo có điểm nào ám chỉ rằng tổ chức phát hành L/C là ngân hàng hoặc khiến người ta hiểu nhầm tưởng rằng đó là một ngân hàng thì thông báo đó phải khẳng định rõ tình trạng phi ngân hàng của tổ chức phát hành để tránh sự hiểu nhầm”. Ủy ban Ngân hàng thuộc ICC (UBNH) cũng lưu ý thêm: “Dĩ nhiên, nếu thể thức phát hành L/C khiến cho người thụ hưởng tin rằng tổ chức phát hành là một ngân hàng thì ngân hàng thông báo có thể phải chịu trách nhiệm”.

L/C phát hành bởi TCPNH cũng có thể dẫn chiếu UCP 600 và TCPNH cũng có nghĩa vụ như ngân hàng phát hành, đó là: phải thanh toán khi bộ chứng từ xuất trình phù hợp với các điều khoản và điều kiện của L/C. Việc L/C phát hành bởi TCPNH được thông báo và xuất trình chứng từ qua ngân hàng nhằm bảo đảm tính chân thực của L/C. Tuy nhiên, tương tự như L/C phát hành bởi ngân hàng, L/C phát hành bởi TCPNH cũng tiềm ẩn những rủi ro liên quan đến uy tín của tổ chức phát hành và rủi ro quốc gia. Do vậy, nhà xuất khẩu cần cân nhắc liệu có sẵn sàng chấp nhận L/C phát hành bởi TCPNH hay không.

Một số tình huống rủi ro liên quan đến L/C phát hành bởi TCPNH

Tình huống 1:

Bank V ở Việt Nam nhận được từ Bank U ở Ucraina với nội dung liên quan đến MT 710 như sau:

“50B: Tổ chức phát hành phi ngân hàng: Company E ở Zambia

50: Người mở L/C: Company A ở Zambia

59: Người thụ hưởng:  Company B ở Vietnam

32B: Đơn vị tiền tệ, Số tiền: USD2,000,000

44E: Cảng bốc hàng: Cảng bất kỳ ở Cameroon

44F: Cảng dỡ hàng: Cảng bất kỳ ở UAE

45A: Mô tả hàng hóa: Gold

49H: Điều kiện thanh toán đặc biệt:

Chúng tôi (Bank U) chuyển tiếp điện MT 710 trên cơ sở điện MT 710 chúng tôi nhận được từ Bank X với số tham chiếu XXX. Đề nghị chuyển tiếp điện MT 710 này đến Bank Y ở Việt Nam. Chúng tôi chuyển tiếp điện MT 710 mà không bổ sung xác nhận của chúng tôi và không chịu bất kỳ rủi ro hay trách nhiệm nào. Chúng tôi cùng không chịu bất kỳ khoản phí nào.

(We (Bank U) relay this MT 710 against MT 710 we received from Bank X under their reference no. XXX. Please relay it to Bank Y in Vietnam. We relay this MT 710 without   adding of our confirmation and without any risk and responsibility. No fees can be claimed from us)”.

Câu hỏi:

1. Điện MT 710 được Bank U chuyển tiếp đến Bank V là điện đã được xác thực tính chân thật?

2. Bank V có chịu trách nhiệm gì nếu chuyển tiếp LC này cho Bank Y để thông báo cho người thụ hưởng theo chỉ thị của Bank U?

3. Trường hợp Bank V muốn từ chối chuyển tiếp MT 710 cho Bank Y thì căn cứ vào quy định nào của UCP 600.

Phân tích và kết luận:

Dựa vào các điều kiện và điều khoản L/C và các bên liên quan, có thể nhận thấy L/C này tiềm ẩn nhiều rủi ro, cụ thể:

a. L/C có giá trị lớn (2.000.000 USD) nhưng được phát hành bởi một TCPNH ở một quốc gia kém phát triển.

b. Người thụ hưởng ở Việt Nam nhưng cảng bốc hàng ở Cameroon.

c. MT 710  được “chuyển tiếp” lòng vòng qua nhiều ngân hàng có thể  là nhằm mục đích che giấu ý đồ gian lận, không loại trừ khả năng là giả mạo L/C, thậm chí rửa tiền.

d. Bank U cố tình dùng từ “chuyển tiếp” (relay) thay vì “thông báo” (advise) như tên gọi của điện MT 710 (Thông báo L/C của Ngân hàng thứ ba hoặc của TCPNH) nhằm tránh né trách nhiệm nếu L/C là giả mạo.

Trên cơ sở phân tích trên đây, có thể tư vấn tình huống của Bank V như sau:

1. MT 710 là điện Swift đã được xác thực giữa Bank U và Bank V. Tuy nhiên, việc Bank U cố ý sử dụng từ “chuyển tiếp” MT 710  nhằm thoái thác trách nhiệm nếu như  MT 710 mà Bank U nhận được từ ngân hàng thông báo trước đó là giả mạo.

2. Bank V có thể phải chịu trách nhiệm liên đới nếu như chuyển tiếp MT 710 đến Bank Y theo yêu cầu của Bank U mà không lưu ý Bank Y và người thụ hưởng tình trạng phi ngân hàng của tổ chức phát hành.

3. Bank V cần thực hiện KYC các bên tham gia giao dịch L/C để có thêm cơ sở quyết định từ chối chuyển tiếp/thông báo MT 710 cho Bank Y nhằm phòng tránh rủi ro phải chịu trách nhiệm liên đới nếu L/C giả mạo hoặc phục vụ cho mục đích rửa tiền.

Điều 9(e) UCP 600 cho phép ngân hàng được quyền từ chối yêu cầu thông báo L/C, sửa đổi L/C và phải thông báo ngay điều đó ngân hàng mà từ đó đã nhận được L/C, sửa đổi L/C hoặc thông báo. Do vậy, Bank V có thể gửi điện cho Bank U thông báo từ chối chuyển tiếp MT 710 cho Bank Y mà không cần viện dẫn bất kỳ lý do nào trên đây.

Cũng lưu ý thêm rằng L/C được phát hành bởi TCPNH luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro ngay cả khi đó là L/C thật bởi ngoài lý do liên quan đến uy tín và khả năng tài chính để thanh toán L/C, TCPNH không sử dụng Swift để liên hệ với ngân hàng, việc xử lý chứng từ xuất trình theo L/C có thể không đảm bảo tuân theo quy định của UCP 600. Các TCPNH phát hành L/C thường ở các quốc gia kém phát triển, chưa có thỏa thuận tương trợ pháp lý với Việt Nam nên khi xảy ra tranh chấp (nếu có), việc khởi kiện ra tòa và thi hành án không dễ dàng.

Tình huống 2:

Company ABC (Pháp) ký hợp đồng nhập khẩu hạt điều nhân của Company XYZ (Việt Nam), thanh toán bằng L/C trị giá 500.000 USD, cho phép chiết khấu trả ngay.

L/C được thông báo cho Company XYZ bằng MT 710 thông qua nhiều ngân hàng thông báo bao gồm Bank A ở Bờ Biển Ngà, Bank B ở UAE và Bank C ở Việt Nam. Trường 52D thể hiện tổ chức phát hành là Bank X ở Martinique. L/C quy định chứng từ xuất trình thanh toán tại Bank C bằng hình thức chiết khấu.

Company XYZ thực hiện giao hàng và xuất trình chứng từ phù hợp đến Bank C nhưng Bank C không thực hiện chiết khấu theo chỉ định mà gửi chứng từ đến Bank X theo chỉ thị của L/C.

Quá thời gian quy định Company XYZ vẫn không nhận được tiền thanh toán từ Bank X, trong khi thông tin từ hãng tàu cho thấy nhà nhập khẩu đã nhận hàng.

Theo đề nghị của Company XYZ, Bank C gửi điện Swift đến Bank X yêu cầu gửi trả lại chứng từ nhưng không thể thực hiện được bởi Swift Code của Bank X ghi trên L/C là giả mạo. Bank C tra cứu Bankers Almanac nhưng cũng không tìm thấy Bank X. Bank C cũng liên hệ Bank A và Bank B là các ngân hàng thông báo MT 710 để tìm hiểu về Bank X nhưng không nhận được trả lời từ các ngân hàng này.

Company XYZ đang có ý định kiện Bank C ra tòa vì đã thông báo LC giả mạo.

Câu hỏi:

1. Điện MT 710 Bank C nhận từ Bank B ở UAE có được xem là đã xác thực tính chân thực?

2. Nếu MT 710 là điện xác thực, Bank C có chịu trách nhiệm theo cáo buộc của Company XYZ về việc thông báo L/C giả mạo?

Phân tích và kết luận:

1. MT 710 là điện Swift xác thực tính chân thực bức điện giữa ngân hàng gửi và ngân hàng nhận. Do vậy, điện MT 710 Bank C nhận được từ Bank B được xem là đã được xác thực tính chân thực.

2. Tòa án sẽ quyết định Bank C có chịu trách nhiệm hay không tùy thuộc vào cách Bank C thông báo L/C cho Company XYZ.

Theo hướng dẫn của Swift, trường 52a của MT 710 là trường quy định tên tổ chức phát hành L/C và có thể được thể hiện bằng Option A (52A) hoặc Option B (52D). Theo đó, trường 52A thể hiện tên ngân hàng bằng Swift Code tồn tại trên hệ thống, trong khi trường 52B thể hiện tên và địa chỉ của ngân hàng phát hành.

Tình huống câu hỏi cho thấy bọn lừa đảo cố tình sử dụng trường 51D của MT 710 gây nhầm tưởng rằng tổ chức phát hành là một ngân hàng nhưng thực tế cho thấy tổ chức phát hành đó là không tồn tại.

Nếu trước khi thông báo L/C, Bank C thực hiện KYC ngân hàng phát hành thì đã phát hiện sự thật và không thông báo L/C cho Company XYZ hoặc nếu có thông báo L/C thì cũng sẽ cảnh báo Company XYZ về việc Swift Code của ngân hàng phát hành L/C là không tồn tại trên hệ thống Swift.

Bài học kinh nghiệm rút ra trong từ giao dịch L/C này là cả Company XYZ và Bank C đã không thực hiện đúng quy trình thông báo, nhận và kiểm tra nội dung L/C cũng như đã không thực hiện KYC các bên tham gia giao dịch L/C, đặc biệt khi L/C được thông báo bằng MT 710 lòng vòng qua nhiều ngân hàng không tên tuổi ở các quốc gia tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nếu quy trình này được các bên liên quan thực hiện nghiêm túc thì lẽ ra đã có thể phát hiện L/C trên đây là giả mạo và cả nhà xuất khẩu lẫn ngân hàng không phải nhận trái đắng liên quan đến L/C.

Giải pháp phòng tránh rủi ro khi giao dịch với LC phát hành bởi TCPNH

Những doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thường không để ý và không có khả năng phân biệt sự khác nhau giữa MT 700 và MT 710 cũng như không đủ khả năng nhận biết và đánh giá các rủi ro liên quan khi giao dịch với L/C được phát hành hoặc thông báo thông qua các TCPNH, trong khi một số ngân hàng sử dụng mẫu thông báo chung khi thông báo L/C thông qua điện MT 710 nên thường không lưu ý nhà xuất khẩu tình trạng phi ngân hàng của tổ chức phát hành L/C.

Thực tế gần đây cho thấy nhiều nhà xuất khẩu Việt Nam sau khi thực hiện giao hàng xuất trình chứng từ nhưng không nhận được thanh toán mới phát hiện L/C không phải do ngân hàng mà một công ty phát hành.

Nhằm hạn chế rủi ro liên quan đến L/C phát hành dưới dạng MT 710, xin được đề xuất một số giải pháp sau đây:

Đối với ngân hàng thông báo:

Khi thông báo MT 710 do TCPNH phát hành, bên cạnh các điều kiện và điều khoản bất lợi cần lưu ý nhà xuất khẩu, ngân hàng thông báo cần kiểm tra trường 52A (Issuing Bank) và trường 50B (Non-Bank Issuer) để xác định L/C được phát hành bởi ngân hàng hoặc TCPNH. Trường hợp L/C được phát hành bởi TCPNH, ngân hàng thông báo phải có trách nhiệm lưu ý nhà xuất khẩu (người thụ hưởng) tình trạng phi ngân hàng của tổ chức phát hành để nhà xuất khấu cân nhắc chấp nhận hay từ chối.

Ngân hàng thông báo cũng cần thực hiện kiểm tra ngay cả khi L/C thể hiện tổ chức phát hành L/C là ngân hàng, đặc biệt khi tổ chức phát hành được thể hiện ở trường 52D để bảo đảm rằng ngân hàng phát hành là có thật.

Đối với nhà xuất khẩu:

Khi nhận thông báo L/C bằng MT 710, nhà xuất khấu cần kiểm tra tổ chức phát hành là ngân hàng hay TCPNH.

Trường hợp L/C được phát hành bởi TCPNH, kiểm tra lý do vì sao L/C không được phát hành bởi ngân hàng.

Kiểm tra tình hình tài chính của tổ chức phát hành thông qua ngân hàng phục vụ.

Kiểm tra tình hình tài chính và kinh doanh của nhà nhập khẩu.

Kiểm tra tất cả các điều kiện và điều khoản L/C để bảo đảm có thể thực hiện và xuất trình chứng từ phù hợp.

Kiểm tra trường 40A và/hoặc trường 49 để nhận biết L/C có được ngân hàng thông báo thứ nhất hoặc ngân hàng thông báo thứ hai xác nhận hay không. L/C được xác nhận bởi ngân hàng có uy tín và tình hình tài chính lành mạnh là cơ sở để nhà xuất khẩu chấp nhận L/C cho dù được phát hành bởi TCPNH.

Việc thực hiện giao dịch thành công phụ thuộc vào sự cảnh giác của nhà xuất khẩu trong việc kiểm tra khả năng tài chính của nhà nhập khẩu cũng như của tổ chức phát hành L/C.

Việc kiểm tra theo các gợi ý trên đây là cơ sở để nhà xuất khẩu cân nhắc quyết định chấp nhận L/C hay không, nhất là khi L/C được phát hành bởi TCPNH.

Với những thông tin trình bày ở trên, bài viết hy vọng có thể giúp các ngân hàng, những nhà xuất khẩu và những người thực hành giao dịch L/C nhận biết và cảnh giác hơn với những rủi ro liên quan đến L/C phát hành bởi TCPNH thông qua MT 710.

Tài liệu tham khảo:

Nguyễn Hữu Đức (2006). Khi LC được phát hành bởi một tổ chức phi ngân hàng. Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 5 (203), trang 18-19.

Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 16 năm 2023

 

Nguyễn Hữu Đức -

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ