Thủ tướng Chính phủ làm việc với doanh nghiệp nhà nước

16/06/2024 - 05:08
(Bankviet.com) Chiều 15/6, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với doanh nghiệp nhà nước.
Thủ tướng chủ trì Hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất vật liệu xây dựng Năm 2023, tổng doanh thu của các doanh nghiệp nhà nước đạt 104% kế hoạch Thủ tướng: Tạo cơ hội cho doanh nghiệp, "không để doanh nghiệp đến xin, đến kêu thì mới làm" Từ hôm nay (10/4), áp dụng chính sách tiền lương mới trong khối doanh nghiệp Nhà nước

Chiều 15/6, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với doanh nghiệp nhà nước tham gia đóng góp, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Cùng dự có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và Phó Thủ tướng Lê Thành Long; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương; 147 doanh nghiệp nhà nước và 5 ngân hàng thương mại nhà nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với doanh nghiệp nhà nước. (Ảnh: Trần Hải)
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với doanh nghiệp nhà nước. (Ảnh: Trần Hải)

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cách đây hơn 3 tháng, chúng ta đã tổ chức hội nghị Thường trực Chính phủ gặp mặt đầu năm mới với các doanh nghiệp nhà nước, qua đó khẳng định sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước.

Vừa qua, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, đạt kết quả tốt hơn cùng kỳ năm 2023. Trong thành tựu chung rất đáng khích lệ này, có sự nỗ lực, đồng hành, đóng góp hết sức quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân nói chung, doanh nghiệp nhà nước nói riêng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay, trong thời kỳ khó khăn của đại dịch Covid-19, cũng như trong giai đoạn phục hồi hậu đại dịch, các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước đóng vai trò quan trọng trong thực hiện sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm các cân đối lớn, cung cầu, điều tiết hoạt động sản xuất, kinh doanh, cung ứng hàng hoá, dịch vụ thiết yếu, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, phục hồi kinh tế - xã hội.

Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam xác định 3 trụ cột, trong đó có thực hiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, theo đó, kinh tế nhà nước là chủ đạo, có thể can thiệp khi tình hình không bình thường. Điều này càng khẳng định Việt Nam không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Vì vậy, chúng ta phải xây dựng các Tập đoàn, Tổng công ty lớn của Nhà nước giữ vai trò chủ đạo.

Các Tập đoàn năng lượng như EVN, PVN, TKV cơ bản làm nòng cốt trong bảo đảm an ninh năng lượng, điều tiết trong lĩnh vực điện, xăng dầu… Các Tập đoàn viễn thông như Viettel, VinaPhone, MobiPhone duy trì cung cấp dịch vụ, điều chỉnh giảm giá cước, hỗ trợ bảo đảm khả năng tiếp cận viễn thông của người dân. Các Tổng công ty lương thực như Vinafood 1 và 2 đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm an ninh lương thực trong nước, nhất là hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho người dân trong đại dịch Covid-19.

Nền kinh tế không thể thiếu lương thực, thực phẩm, xăng dầu, điện nước. Những lĩnh vực này, các doanh nghiệp nhà nước vừa tham gia kinh doanh, vừa tham gia bình ổn giá cả các mặt hàng thiết yếu, bảo đảm công bằng xã hội. Các doanh nghiệp nhà nước đã và đang góp phần bảo đảm ổn định đời sống nhân dân.

Bên cạnh thuận lợi đó, chúng ta cũng đang phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức lớn như áp lực lớn về lạm phát, giá điện, xăng dầu, lương thực, thực phẩm có thể tiếp tục có thể tăng vì biến động nguồn cung trên thế giới; nhu cầu sử dụng điện, vận tải hành khách trong nước tăng khi đang mùa cao điểm nắng nóng.

Bên cạnh đó, thị trường tiền tệ còn tiềm ẩn rủi ro. Việc tiếp cận vốn cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ còn khó khăn. Tỷ lệ nợ xấu còn ở mức cao. Quản lý thị trường vàng còn bất cập. Sản xuất công nghiệp còn chậm. Tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài, nặng nề hơn năm trước.

Nhấn mạnh tình hình thế giới đang diễn biến phức tạp với sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột kéo dài, đứt gãy các chuỗi cung ứng,... sẽ tác động kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng trong nước…, Thủ tướng nêu rõ: "Việt Nam càng đối mặt với khó khăn, phức tạp thì càng trỗi dậy, càng áp lực thì càng nỗ lực; dù nhiều thử thách, cam go nhưng đây cũng là quá trình thử thách đội ngũ cán bộ. Mỗi người, mỗi tổ chức, cơ quan, đơn vị đạt kết quả cao thì cả nước đạt kết quả cao và ngược lại. Nếu chúng ta đoàn kết, thống nhất, cùng nhau chia sẻ thì tạo nên sức mạnh của hệ thống. Trong lúc này, cần thực hiện tinh thần "chỉ bàn làm, không bàn lùi", "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm", đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết".

Tại Hội nghị này, Thủ tướng mong muốn thống nhất nhận thức những vấn đề khó khăn, thuận lợi, từ đó thể hiện sự quyết tâm, đoàn kết, tìm giải pháp phù hợp, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, là tiền đề thực hiện các mục tiêu mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra. Đây cũng là một trong những điều Chính phủ muốn gửi gắm, muốn chia sẻ với các doanh nghiệp nhà nước với tinh thần “cùng nghĩ thật, cùng nói thật, cùng làm thật, cùng có kết quả thật, nhân dân hưởng thụ thật”.

Doanh nghiệp làm tốt các ngành nghề, sứ mệnh được giao sẽ góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp của dân tộc như chúng ta đã cùng nhau vượt qua đại dịch Covid-19. Thủ tướng mong các doanh nghiệp nhà nước hiến kế, đưa ra các giải pháp đạt các mục tiêu quan trọng vừa kiểm soát lạm phát, vừa thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 5 tháng đầu năm 2024, về cơ bản các doanh nghiệp nhà nước đã có nhiều nỗ lực trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tập trung phát triển những ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh chính, có thế mạnh để triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển đã được phê duyệt. Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh đạt được nhiều kết quả khả quan, bảo đảm được đời sống, thu nhập của người lao động.

Trong 5 tháng đầu năm 2024, doanh thu hợp nhất của 19 Tập đoàn, Tổng công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp ước đạt 823.217,18 tỷ đồng, bằng 61,63% kế hoạch năm và bằng 112% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế ước đạt 28.294,65 tỷ đồng, bằng 47,28% kế hoạch năm và bằng 133% so với cùng kỳ; giá trị nộp ngân sách nhà nước ước đạt 70.784,50 tỷ đồng, bằng 61,77% kế hoạch năm và bằng 91% so với cùng kỳ.

Tập đoàn Viettel là doanh nghiệp có doanh thu, lợi nhuận và nộp ngân sách lớn nhất trong số doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng trong 5 tháng đầu năm 2024, trong đó, doanh thu hợp nhất đạt 74.933 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 19.723 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước 22.387 tỷ đồng.

Kết quả sản xuất kinh doanh của nhóm doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn, hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con: Các doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn này chủ yếu hoạt động trong các ngành ngành, lĩnh vực độc quyền, công ích kết hợp mục tiêu sản xuất kinh doanh (chiếm khoảng 16% tổng số doanh nghiệp nhà nước trên toàn quốc): năng lượng, viễn thông, kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nông nghiệp và công nghiệp...

Khối công ty mẹ Tập đoàn - Tổng công ty, Công ty mẹ - Công ty con này nắm giữ trên 90% tổng tài sản, tổng doanh thu và lợi nhuận trước thuế của toàn bộ doanh nghiệp nhà nước trên phạm vi toàn quốc.

Thanh Hà

Theo: Báo Công Thương