Năm 2024 xuất khẩu dừa có thể đạt 1 tỷ USD Thúc đẩy phát triển ngành dừa Việt Nam qua hợp tác với Belarus |
Việt Nam là quốc gia đứng thứ 4 khu vực châu Á - Thái Bình Dương về tổng giá trị xuất khẩu dừa và các sản phẩm từ dừa, với kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 900 triệu USD trong năm 2023.
Theo Hiệp hội dừa Việt Nam, cây dừa đang tạo ra nguồn thu nhập cho khoảng 390.000 hộ nông dân Việt Nam. Bên cạnh giá trị kinh tế trực tiếp, cây dừa còn đóng góp lớn vào việc chống biến đổi khí hậu khi 1 ha dừa mỗi năm có thể lọc được 70-75 tấn CO2. Trong bối cảnh Việt Nam cam kết cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính về 0 (Net zero) vào năm 2050 thì giá trị kinh tế của cây dừa sẽ tiếp tục được nâng lên thông qua việc bán tín chỉ carbon.
Hiệp hội dừa Việt Nam dự báo, trong năm 2024 giá trị xuất khẩu dừa và các sản phẩm từ dừa dự kiến sẽ đạt 1 tỷ USD, thậm chí có thể cao hơn. Nguyên nhân được ông Cao Bá Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hiệp hội dừa Việt Nam cho biết, do từ đầu năm tới nay đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp rất khả quan, cùng với đó trong xu hướng tiêu dùng mới, thế giới đang ưa chuộng các loại chất béo thực vật, mỹ phẩm làm đẹp từ dừa.
Xuất khẩu dừa được dự báo thu về kim ngạch 1 tỷ USD trong năm 2024 |
Là doanh nghiệp đi đầu trong ngành sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm từ dừa với sản lượng ấn tượng gần 40 triệu lít/kg, bà Đặng Huỳnh Ức My - Chủ tịch Công ty Cổ phần Xuất Nhập Khẩu Bến Tre (BETRIMEX)- bổ sung: Dư địa cho ngành dừa hiện vẫn còn rất lớn khi nhu cầu thị trường với các sản phẩm từ dừa ngày càng tăng và còn nhiều giá trị từ cây dừa chưa được khai thác hết. “Với việc cây dừa hiện được công nhận là cây công nghiệp mũi nhọn, kỳ vọng ngành dừa sẽ nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ các bên để phát triển một cách bền vững hơn, đón đầu những cơ hội mới”- bà My nói.
Tiếp sức cho ngành dừa phát triển bền vững, ngày 12/4/2024, Ngân hàng TNHH MTV United Overseas Bank Việt Nam (UOB Việt Nam) cho biết đã ký kết Thỏa thuận tiện ích tài trợ thương mại xanh với BETRIMEX. Theo UOB Việt Nam, để đi đến thỏa thuận hợp tác này, BETRIMEX đã vượt qua quy trình xét duyệt tín dụng xanh vô cùng nghiêm ngặt của UOB Việt Nam, tập trung vào việc đánh giá sự tuân thủ các nguyên tắc ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) của doanh nghiệp.
Ký kết thỏa thuận tài trợ thương mại xanh giữa UOB và BETRIMEX ngày 12/4 |
Khoản tín dụng này sẽ giúp BETRIMEX nhập khẩu hoặc mua nguyên vật liệu thô, hàng hóa trong nước để sản xuất các sản phẩm có chứng nhận organic, bao gồm chứng chỉ Fairtrade. Chứng nhận này đảm bảo doanh nghiệp sản xuất đã đáp ứng được những yêu cầu nghiêm ngặt về trách nhiệm xã hội, môi trường và kinh tế, cụ thể trong các tiêu chí: Điều kiện làm việc an toàn, bảo vệ môi trường, sinh kế bền vững và Quỹ phát triển cộng đồng
“Việc áp dụng tiêu chuẩn khắt khe của quốc tế như Fairtrade sẽ giúp Betrimex đóng góp tích cực hơn cho cho môi trường và cộng đồng, đặc biệt là đảm bảo đời sống, sinh kế của người dân trồng dừa, ổn định vùng nguyên liệu, từ đó thúc đẩy nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, tạo ra giá trị kinh tế to lớn hơn” - ông Lim Dyi Chang, Giám đốc cấp cao Khối khách hàng doanh nghiệp, Ngân hàng UOB Việt Nam chia sẻ.
Được biết, khoản tín dụng xanh lần này ghi dấu nỗ lực của UOB Việt Nam trong việc hỗ trợ đa dạng cho các lĩnh vực khác nhau trong toàn bộ nền kinh tế. Trước đó, UOB Việt Nam đã từng cấp tín dụng cho 17 dự án năng lượng tái tạo và năng lượng sạch, cùng với 7 dự án công nghiệp xanh, tính đến quý 4 năm 2023.
Trên toàn khu vực, danh mục tài trợ thương mại xanh của UOB đã đạt quy mô 44,5 tỷ SGD tính đến cuối năm 2023, vượt mục tiêu 30 tỷ SGD tài trợ thương mại xanh và bền vững vào năm 2025 mà ngân hàng đã đặt ra trước đó.
Mai Ca