Thủy sản Việt Úc ghi nhận lợi nhuận giảm sâu trong 9 tháng đầu năm

30/10/2024 - 22:37
(Bankviet.com) Công ty CP Thủy sản Việt Úc công bố báo cáo tài chính giữa niên độ 2024 với doanh thu giảm nhẹ, nhưng lợi nhuận sau thuế giảm 53% do chi phí tài chính và doanh thu từ hoạt động tài chính biến động mạnh. Cơ cấu tài sản vẫn duy trì ổn định với vốn chủ sở hữu chiếm ưu thế.

Lợi nhuận... giảm sâu

Công ty CP Thủy sản Việt Úc (VUG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ cho kỳ kế toán kết thúc ngày 30/9/2024 với doanh thu thuần giảm nhẹ 2%, xuống còn 950 tỷ đồng. Sau khi khấu trừ giá vốn, lợi nhuận gộp công ty mang về đạt hơn 518 tỷ đồng, giảm khoảng 8% so với cùng kỳ, biên lợi nhuận gộp cũng bị thu hẹp đáng kể.

Thủy sản Việt Úc ghi nhận lợi nhuận giảm sâu trong 9 tháng đầu năm
Hình minh họa.

Trong kỳ, doanh thu từ hoạt động tài chính mang về cho Thủy sản Việt Úc gần 8 tỷ đồng, giảm tới 58% so với kết quả đạt được ở cùng kỳ. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, chi phí tài chính lại tăng gấp đôi, lên gần 1 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, chi phí bán hàng cũng tăng nhẹ lên 250 tỷ đồng, trong khi đó chi phí quản lý doanh nghiệp được tiết giảm 7%, xuống còn 207 tỷ đồng.

Kết quả, sau khi khấu trừ các khoản chi phí và thuế, Thủy sản Việt Úc chỉ mang về gần 37 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 53% so với 9 tháng đầu năm 2023.

Thủy sản Việt Úc ghi nhận lợi nhuận giảm sâu trong 9 tháng đầu năm
Nguồn: BCTC Thủy sản Việt Úc.

Tính đến thời điểm cuối tháng 9/2024, quy mô tổng tài sản của Thủy sản Việt Úc đạt 2.280,7 tỷ đồng, giảm khoảng 200 tỷ đồng so với thời điểm hồi đầu năm. Trong đó, chiếm phần lớn trong cơ cấu tài sản đến từ tài sản dài hạn với tài sản cố định lên đến 1.331 tỷ đồng.

Ở bên kia bảng cân đối kế toán, cơ cấu nguồn vốn của Thủy sản Việt Úc tương đối lành mạnh với tổng nợ phải trả chỉ ở mức 175 tỷ đồng, trong đó chỉ có gần 7 tỷ đồng nợ vay tài chính. Còn lại, vốn chủ sở hữu chiếm tới 2.105 tỷ đồng, bao gồm 1.345 tỷ đồng vốn góp của chủ sở hữu. Công ty hiện có hơn 754 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Chân dung doanh nghiệp

Công ty CP Thủy sản Việt Úc, tiền thân là Công ty TNHH Việt Úc, được thành lập vào tháng 7/2001 tại tỉnh Bình Thuận. Thủy sản Việt Úc do ông Lương Thanh Văn (sinh năm 1963) sáng lập và giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc.

Với lĩnh vực kinh doanh chính là nuôi trồng thủy sản. Đến tháng 5/2015, công ty chính thức chuyển sang mô hình cổ phần và trở thành công ty đại chúng vào tháng 3/2019. Việt Úc được biết đến như "vua tôm giống" khi chiếm hơn 30% thị phần cả nước. Với hệ thống trang trại quy mô lớn tại nhiều tỉnh, công ty đạt công suất sản xuất 50 tỷ con tôm giống mỗi năm, đáp ứng 25% nhu cầu của thị trường trong nước.

Hiện nay, Việt Úc có 18 công ty thành viên, cùng 3 trung tâm di truyền và chọn giống tôm bố mẹ, trong đó trung tâm hạt nhân đặt tại Phước Dinh, Ninh Thuận. Công ty cũng sở hữu 9 khu phức hợp sản xuất tôm giống công nghệ cao tại Quảng Ninh, Nghệ An, Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bến Tre, Sóc Trăng, Cà Mau và Bạc Liêu, cùng với 3 khu phức hợp nuôi tôm thương phẩm tại Nhà Mát, Hòa Bình (Bạc Liêu) và Phù Mỹ (Bình Định) với tổng diện tích nuôi trên 1.000 ha. Ngoài ra, Việt Úc còn phát triển một khu phức hợp sản xuất cá tra giống công nghệ cao tại An Giang và một trung tâm nghiên cứu mô hình nuôi tôm và chuyển giao công nghệ tại Cà Mau.

Công ty cũng mở rộng sang mảng sản xuất thức ăn chăn nuôi thủy sản, tận dụng cơ sở khách hàng và mạng lưới phân phối tôm giống sẵn có. Việt Úc hiện sở hữu nhà máy chế biến thủy sản tại Bạc Liêu và nhà máy liên doanh sản xuất thức ăn thủy sản Biomar Việt Úc, với công suất 50.000 tấn/năm tại Bến Tre. Nhà máy này thuộc pháp nhân của Công ty TNHH Việt Úc Thức ăn Thủy sản, trước đây do Việt Úc kiểm soát hoàn toàn, nhưng sau đó đã chuyển một phần vốn cho Tập đoàn Biomar từ Đan Mạch.

Lỡ hẹn với HOSE

Thủy sản Việt Úc từng có kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE). Tại Đại hội đồng cổ đông bất thường lần 1 năm 2022, công ty đã thông qua kế hoạch chào bán tối đa 23,7 triệu cổ phiếu ra công chúng với giá không thấp hơn 16.093 đồng/cổ phiếu, nhằm tăng vốn điều lệ lên 1.582 tỷ đồng và niêm yết trên HOSE trong cùng năm. Số vốn thu được dự kiến sẽ được sử dụng để mở rộng sản xuất kinh doanh, bao gồm đầu tư xây dựng nhà máy chế biến, phát triển mảng cá giống, mở rộng quy mô nuôi tôm thương phẩm và bổ sung vốn lưu động. Tuy nhiên, kế hoạch niêm yết trên HOSE đã thay đổi. Thủy sản Việt Úc hiện đang đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM tuy nhiên vẫn chưa hoàn tất.

Lợi nhuận sau 3 tháng từ vàng nhẫn khiến nhiều người bất ngờ

Ba tháng qua, giá vàng nhẫn tròn 9999 tại DOJI và Bảo Tín Minh Châu tăng mạnh, mang lại lãi hơn 8 triệu đồng/lượng cho ...

Lỗ nặng trong quý 3, Bão Yagi đã thổi bay lợi nhuận tích lũy của AIC trong 6 tháng đầu năm

Trong quý III/2024, Bảo hiểm Hàng không (AIC) ghi nhận doanh thu phí bảo hiểm gốc đạt 655 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng ...

Phạm Hường

Phạm Hường

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán