Tín dụng xanh thúc đẩy thực thi EVFTA Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Tín dụng xanh là vấn đề "cấp bách" Dẫn nguồn vốn lớn cho tín dụng xanh: Giải pháp nào để khơi thông? |
"Vốn xanh" tiếp tục được bơm vào nền kinh tế
Đẩy vốn ra nền kinh tế nhanh và nhiều hơn trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng chậm là mục tiêu của nhiều ngân hàng. Nhiều giải pháp được triển khai và một trong số đó là tập trung cho tín dụng xanh, vốn đang là xu hướng được nhiều nhà băng tiếp cận nhằm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xanh của Chính phủ.
Gói vay 5.000 tỷ đồng không chỉ giúp HAGL Group mở rộng sản xuất kinh doanh theo hướng bền vững mà còn giúp LPBank thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng xanh |
5.000 tỷ đồng là con số được LPBank chấp nhận tài trợ vốn cho Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai để đầu tư cho nông nghiệp xanh. Tại buổi ký kết hợp tác tài trợ vốn diễn ra ngày 4/3/2024, lãnh đạo của Tập đoàn của Hoàng Anh Gia Lai chia sẻ rằng, với nguồn vốn hỗ trợ của LPBank, tập đoàn đặt mục tiêu phát triển trong giai đoạn mới: Tăng diện tích sầu riêng lên 2.000 ha và chuối lên 9.000 ha trong năm 2024. Năm 2025, Tập đoàn tiếp tục đầu tư để tăng thêm diện tích sầu riêng lên 3.000 ha và hơn 10.000 ha chuối, dự kiến năm 2026, diện tích trồng chuối, sầu riêng và những cây có giá trị kinh tế khác lên 25.000 ha tại Việt Nam, Lào, Campuchia.
“Song song phát triển mảng sầu riêng – cây ăn quả, HAGL Group sẽ tiếp tục mở rộng quỹ đất sạch, ưu tiên đầu tư cải thiện hạ tầng, nhà máy đóng gói, bao bì… theo hướng ứng dụng công nghệ và phương thức sản xuất tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đồng thời góp phần chuyển đổi cơ cấu lao động trong nông nghiệp”- đại diện Lãnh đạo tập đoàn thông tin.
Hơn cả, Hoàng Anh Gia Lai còn kỳ vọng lớn vào việc đầu tư phát triển cây sầu riêng bởi tiềm năng của trái cây vua này rất lớn. “Tại Trung Quốc, thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất hiện nay, song chỉ có 5% dân số được tiếp cận sản phẩm do giá thành quá cao (hiện giá sầu riêng tại Trung Quốc khoảng 500.000 VND/kg). Như vậy, tiềm năng thị trường tiêu thụ sầu riêng tại Trung Quốc còn rất lớn”, lãnh đạo HAGL Group dự báo.
Được biết, nguồn vốn 5.000 tỷ đồng sẽ được ngân hàng giải ngân thành hai giai đoạn. Giai đoạn 1 sẽ giải ngân 3.000 tỷ đồng để đối tác đẩy mạnh đầu tư trồng mới, chăm sóc và phát triển 3 sản phẩm chủ lực gồm: Chuối, sầu riêng và chăn nuôi heo.
Chia sẻ về sự hợp tác với HAGL Group, ông Hồ Nam Tiến - Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc LPBank khẳng định: "Sự hợp tác giữa LPBank và HAGL Group sẽ giúp nguồn vốn xanh chuyển dịch theo hướng phát triển bền vững trong nông nghiệp, đồng thời với thế mạnh riêng có, hai bên cùng nhau tìm kiếm các giải pháp kinh doanh vượt trội, tạo ra giá trị liên kết lâu dài, mang lại những sản phẩm tốt nhất cho cộng đồng".
LPBank chỉ là một trong số hàng chục ngân hàng coi tín dụng xanh là định hướng quan trọng trong việc tiếp cận tăng trưởng bền vững thời gian qua và cả sau này.
Đơn cử như Agribank, với mục tiêu xanh hóa hoạt động ngân hàng, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh, quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, hướng đến phát triển bền vững, trong nhiều năm qua, ngân hàng đã và đang tập trung ưu tiên nguồn vốn, mở rộng cho vay có hiệu quả các dự án, chương trình phát triển sản xuất, kinh doanh, nhất là các chương trình, dự án tạo ra giá trị tăng thêm, năng lượng sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Gần đây nhất, gói tín dụng 15.000 tỷ đồng đã được ngân hàng dành tài trợ các dự án đầu tư thuộc 6 ngành trọng điểm và dự án thuộc lĩnh vực xanh. Và Agribank cũng là một trong những ngân hàng liên tục dành nguồn vốn hỗ trợ cho vay dự án năng lượng tái tạo, điện gió, điện mặt trời. Những nguồn vốn xanh bảo vệ môi trường và tích cực cho xã hội đã bồi đắp cho nhiều dự án năng lượng tái tạo vẫn tiếp tục duy trì và phát triển như: Dự án điện mặt trời tại Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế), điện mặt trời tại Ninh Thuận, điện gió tại Bạc Liêu, Hàm Thuận Nam,…
Theo đại diện Lãnh đạo Agribank, dư nợ cho vay đối với các lĩnh vực xanh của ngân hàng có sự tăng trưởng ổn định qua từng năm, đạt 12.212 tỷ đồng tính đến 31/12/2023 với gần 42 nghìn khách hàng còn dư nợ. Trong đó, dư nợ lĩnh vực lâm nghiệp bền vững hơn 6.853 tỷ đồng, chiếm hơn 56% tổng dư nợ tín dụng xanh; tiếp đến là lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, nông nghiệp xanh...
Bên cạnh các nhà băng trong nước thì các tổ chức tài chính quốc tế cũng rất quan tâm tài trợ vốn cho các ngân hàng cho vay tín dụng xanh. Đầu tháng 3/2024, Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC) đã công bố kế hoạch đầu tư thêm 150 triệu USD vào dịch vụ tư vấn về tài chính xanh dành cho Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB). Đây là một khoản vay có giá trị 150 triệu USD, thời hạn lên tới 5 năm tài trợ cho mục đích mở rộng danh mục cho vay của OCB đối với các dự án phát triển bền vững trong các lĩnh vực xã hội và khí hậu đủ điều kiện.
Đồng bộ giải pháp để tín dụng xanh đạt mục tiêu 10% tổng vốn tín dụng
Giai đoạn 2017-2022, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống đối với các lĩnh vực xanh có mức tăng trưởng dư nợ bình quân đạt hơn 23%/năm. 2023 được xem là năm tín dụng xanh có mức tăng trưởng tốt hơn cả trong nhiều năm trở lại đây, đến 30/6/2023, dư nợ cấp tín dụng xanh đạt gần 530 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,2% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.
Ngành ngân hàng đặt mục tiêu đạt tỷ trọng tín dụng xanh 10% trong tổng vốn tín dụng nền kinh tế vào năm 2025 nhưng tỷ trọng cho vay lĩnh vực này mới chỉ khoảng 4,2% tổng dư nợ toàn nền kinh tế thì dư địa để phát triển tín dụng xanh là rất lớn.
Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, hiện có 12 lĩnh vực xanh Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn các Tổ chức tín dụng cho vay dư nợ tín dụng xanh tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm 45%) và nông nghiệp xanh (31%).
Hiện thực hóa cam với lĩnh vực tín dụng xanh nói riêng và phát triển Ngân hàng Xanh nói chung, nhiều ngân hàng đã chính thức thành lập Ban chỉ đạo chiến lược, phê duyệt Đề án Ngân hàng Xanh để làm cơ sở cho chiến lược kinh doanh giai đoạn tới.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng- Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng chia sẻ: Xanh hóa nền kinh tế đang là xu hướng toàn cầu nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực từ tăng trưởng kinh tế đến môi trường và xã hội. Để đạt được các mục tiêu tăng trưởng xanh thì nguồn vốn cho phát triển lĩnh vực này là một trong những yếu tố cần thiết hàng đầu. Tại Việt Nam, tín dụng xanh, ngân hàng xanh đóng vai trò rất quan trọng trong việc triển khai thành công chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, tạo nguồn lực giúp các doanh nghiệp đầu tư dự án, chương trình, cơ sở hạ tầng nhằm giảm thiểu phát thải, bảo vệ môi trường, phát triển nông nghiệp xanh bền vững.
Để tín dụng xanh lan tỏa và phát huy hiệu quả tới từng doanh nghiệp, dự án vay vốn, các ngân hàng thương mại đều tập trung chủ động và đồng hành cùng doanh nghiệp trong quản lý dòng tiền. Theo chia sẻ của lãnh đạo LPBank, ngân hàng cũng xây dựng các quy chuẩn đánh giá và giám sát hiệu quả sản phẩm, qua đó nhân rộng mô hình để bảo đảm nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, đúng với chiến lược phát triển ngành ngân hàng gắn với nhiệm vụ phát triển tín dụng xanh - ngân hàng xanh của Ngân hàng Nhà nước đề ra.
Tuy nhiên, ở cấp vĩ mô, nhiều ngân hàng thương mại cho rằng, để tín dụng xanh tăng trưởng đạt mục tiêu kỳ vọng là 10% trong tổng vốn tín dụng vào nền kinh tế thì cơ quan quản lý nhà nước cần ban hành quy định, định nghĩa cụ thể về các danh mục, ngành lĩnh vực xanh, quy chuẩn về dự án xanh…
Bên cạnh đó, cần có những cơ chế chính sách đồng bộ khuyến khích phát triển dự án xanh; có các gói hỗ trợ, ưu đãi lãi suất từ Chính phủ hoặc bảo hiểm rủi ro riêng cho tín dụng xanh để hỗ trợ cho các ngân hàng.
Thùy Linh