"Mọi thứ có nhiều khả năng trở nên tồi tệ hơn trước khi trở nên tốt hơn", bà nói thêm rằng xung đột Nga - Ukraine đã làm thay đổi đáng kể quan điểm của IMF về nền kinh tế. “Rủi ro suy thoái đang gia tăng”, bà nói và gọi môi trường kinh tế hiện tại là một “giai đoạn lịch sử mong manh”.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, ở phía bên kia thành phố tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu, tập trung phát biểu vào cách Mỹ và các đồng minh của mình có thể đóng góp vào việc đầu tư dài hạn cho nền kinh tế toàn cầu.
Người đứng đầu Bộ Tài chính Mỹ kêu gọi các giải pháp chính sách đầy tham vọng và không sử dụng từ “suy thoái” một lần nào. Tuy nhiên, bà cho rằng "nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt với sự không chắc chắn đáng kể."
Chiến sự ở Ukraine đã làm tăng giá lương thực và năng lượng trên toàn cầu - ở một số nơi theo cấp số nhân - do Nga có vai trò là nhà cung cấp năng lượng và phân bón quan trọng trên toàn cầu và bộc lộ những lỗ hổng đối với nguồn cung cấp năng lượng và thực phẩm toàn cầu.
Ngoài ra, đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn ra, lạm phát gia tăng và điều kiện khí hậu ngày càng tồi tệ cũng đang tác động đến các nền kinh tế thế giới và làm trầm trọng thêm các cuộc khủng hoảng khác, chẳng hạn như mức nợ cao của các quốc gia có thu nhập thấp hơn.
Bà Georgieva cho biết, IMF ước tính rằng 1/3 nền kinh tế trên thế giới sẽ chứng kiến ít nhất hai quý suy thoái kinh tế liên tiếp trong năm nay hoặc năm sau và nói thêm rằng tổ chức này đã hạ cấp dự báo tăng trưởng toàn cầu của mình ba lần. Hiện, IMF dự kiến mức tăng trưởng toàn cầu là 3,2% cho năm 2022 và 2,9% cho năm 2023.
Các dự báo ảm đạm của IMF được đưa ra khi các ngân hàng trung ương trên thế giới tăng lãi suất với hy vọng kiềm chế lạm phát gia tăng. Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tích cực nhất trong việc sử dụng tăng lãi suất như một công cụ hạ nhiệt lạm phát và các ngân hàng trung ương từ châu Á đến Anh đã bắt đầu tăng lãi suất trong tuần này.
Bà Georgieva cho biết, “việc thắt chặt chính sách tiền tệ quá nhiều và quá nhanh - và thực hiện một cách đồng bộ giữa các quốc gia - có thể đẩy nhiều nền kinh tế vào tình trạng suy thoái kéo dài”. Maurice Obsfeld, một nhà kinh tế học tại Đại học California, Berkeley, gần đây đã viết rằng việc FED thắt chặt quá nhiều có thể “đẩy nền kinh tế thế giới vào một sự suy giảm khắc nghiệt không cần thiết”.
Ngày 6/10, bà Yellen cũng cho rằng “thắt chặt kinh tế vĩ mô ở các nước phát triển có thể tạo ra sự lan tỏa ở tầm quốc tế”.
Bài phát biểu của hai nhà kinh tế học được thực hiện trước thềm cuộc họp thường niên vào tuần tới của IMF và Ngân hàng Thế giới, có ý định bàn thảo để giải quyết vô số rủi ro đối với nền kinh tế toàn cầu.
Nhiều quốc gia đã nhận thấy những tác động lớn của xung đột Nga - Ukraine đối với nền kinh tế của mình và những dự báo khắc nghiệt của IMF phù hợp với những dự báo khác về sự sụt giảm tăng trưởng.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) tuần trước cho biết nền kinh tế toàn cầu sẽ mất 2,8 nghìn tỷ USD sản lượng vào năm 2023 vì xung đột Nga - Ukraine.
Các dự báo được đưa ra sau khi liên minh OPEC + gồm các nước xuất khẩu dầu hôm thứ Tư (5/10) đã quyết định cắt giảm mạnh sản lượng để hỗ trợ giá dầu sụt giảm trong một động thái để đối phó với nền kinh tế toàn cầu đang gặp khó khăn và những nhạy cảm chính trị trước cuộc bầu cử quốc gia quan trọng vào tháng 11 tới.
Bà Yellen cho biết, vì nhiều nước đang phát triển đang phải đối mặt với mọi thách thức cùng một lúc, từ nợ nần, đói kém đến chi phí bùng nổ, nên “đây không phải là lúc để chúng ta rút lui”.
“Chúng ta cần có tham vọng trong việc nhìn nhận tầm nhìn về tài chính phát triển và cách thức phân phối. Và chúng ta cũng cần tham vọng trong việc đáp ứng những thách thức toàn cầu”, bà nói.
H.Y