Các địa phương, doanh nghiệp vào cuộc bình ổn giá gạo Tăng cường kiểm tra, bình ổn giá cả hàng hóa từ nay đến cuối năm 2023 |
Hơn 22.000 tỷ đồng bình ổn thị trường Tết
Theo thông tin mới nhất từ Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh về công tác triển khai chương trình bình ổn thị trường và chuẩn bị hàng hóa Tết Giáp Thìn 2024, năm nay các doanh nghiệp bình ổn thị trường đã chuẩn bị hơn 22.000 tỷ đồng phục vụ 2 tháng Tết Giáp Thìn, trong đó, hơn 8.500 tỷ đồng chuẩn bị hàng bình ổn thị trường. Các mặt hàng bình ổn thị trường chiếm thị phần từ 25 - 43%.
Bình quân, mỗi tháng các doanh nghiệp bình ổn thị trường dự kiến cung ứng 7.000 tấn gạo, 70 triệu quả trứng gia cầm, 2.000 tấn đường, 1.000 tấn thực phẩm chế biến, 2.000 tấn dầu ăn, 10.000 tấn rau, củ, quả, 6.000 tấn thịt gia súc, 8.000 tấn thịt gia cầm, 200 tấn thủy hải sản…
Đồng thời, doanh nghiệp sẵn sàng phương án tăng sản lượng trong tình huống cần thiết, tổ chức bán hàng lưu động để xử lý biến động bất thường, thiếu hàng cục bộ (nếu có)… Kiên quyết không để xảy ra thiếu hàng, mất cân đối cung cầu trong mọi tình huống.
Theo Sở Công Thương, các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trong 1 tháng trước Tết và 1 tháng sau Tết. Doanh nghiệp còn thực hiện giảm giá sâu trong 2 ngày cận Tết đối với các mặt hàng thiết yếu như: Thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm...
Thực phẩm tươi sống sẽ được doanh nghiệp cam kết giữ giá bình ổn suốt mùa Tết |
Chẳng hạn Công ty CP Việt Nam Kỹ Nghệ Súc Sản (Vissan) đã xây dựng kế hoạch cung ứng ra thị trường gần 1.100 tấn thực phẩm tươi sống, tăng 5% so với cùng kỳ Tết 2023 và 3.800 tấn thực phẩm chế biến, tương đương so với cùng kỳ với tổng giá trị hàng hóa đạt hơn 540 tỷ đồng. Vissan cũng khẳng định sẽ giữ giá ổn định, không điều chỉnh tăng giá bán trước, trong và sau Tết.
Đối với các nhà phân phối, Saigon Co.op, Satra, Bách Hóa Xanh, Central Retail, MM Mega Market (phân phối) là những đơn vị lớn tham gia chương trình bình ổn năm nay. Trong đó hệ thống Satra đã dự trữ hơn 550 tỷ đồng hàng hóa (tăng 10% so với Tết Quý Mão 2023) cho 2 tháng trước và sau Tết Giáp Thìn 2024. Riêng dự trữ lượng hàng bình ổn tăng từ 6% đến hơn 14% tùy nhóm, các mặt hàng còn lại có mức tăng khác nhau từ 4% đến hơn 18%.
Tương tự Saigon Co.op cũng cho biết đã dành khoảng 10.000 tỷ đồng để dự trữ nguồn hàng thiết yếu từ sớm. Theo đó, phần lớn ngân sách sẽ được ưu tiên cho trữ lượng các nhóm hàng bình ổn thị trường, còn lại dành cho các mặt hàng thực phẩm, phi thực phẩm khác và các loại đặc sản tết.
Để có hàng bình ổn cho mùa Tết, theo các doanh nghiệp cho biết, họ đã có kế hoạch sản xuất từ sớm, từ đó chủ động trong phương án nguồn hàng cũng như giá cả hàng hóa.
Gạo được các doanh nghiệp bán lẻ cam kết giữ giá ổn định |
Chú trọng bình ổn mặt hàng gạo
Một điểm đáng chú ý trong chương trình bình ổn thị trường Tết năm nay của TP. Hồ Chí Minh đó là mặt hàng gạo được tăng thêm sản lượng. Lý giải điều này, theo Sở Công Thương, gạo vẫn nằm trong danh sách các mặt hàng bình ổn thị trường nhưng 2023 là năm khá đặc biệt khi gạo liên tục “sốt giá” bởi tác động chung của thế giới, do vậy được chú trọng hơn.
“Vừa qua, Sở Công Thương đã tổ chức kiểm tra nguồn hàng gạo tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Qua nhận định của các đầu mối xuất khẩu gạo cho thấy giá gạo thế giới đang trong xu hướng tăng và khó dự đoán do phụ thuộc nhu cầu của các thị trường lớn. Sở Công Thương đang theo dõi sát sao diễn biến này vì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá gạo trong nước và ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất lương thực, thực phẩm những tháng cuối năm cũng như Tết Nguyên đán”- Sở Công Thương cho biết.
Do đó, để tăng nguồn lực bình ổn thị trường gạo, Sở Công Thương đã vận động, mời gọi thêm nhiều doanh nghiệp tham gia, đồng hành. “Vừa qua, bên lề Mekong Connect, có thêm một doanh nghiệp kinh doanh gạo quy mô lớn là Tập đoàn Lộc Trời đã đăng ký tham gia bình ổn thị trường với những cam kết cụ thể như: Cung cấp đủ gạo trong mọi tình huống, giá cả hợp lý…”- đại diện Sở Công Thương thông tin.
Đối với doanh nghiệp bán lẻ, đại diện của Saigon Co.op cho biết, từ đầu năm nay đăng ký bình ổn 2 mặt hàng gạo gồm gạo trắng thường và gạo trắng thơm. Trong đó, tháng thường dự trữ 1.270 tấn và tăng lên 1.800 tấn trong 3 tháng dịp Tết 2024. Bên cạnh đó, gạo Co.op Happy (hàng nhãn riêng của Saigon Co.op) tuy không nằm trong chương trình bình ổn nhưng đảm bảo giá phù hợp. “Saigon Co.op cam kết sẽ giữ giá gạo ổn định, đồng thời thực hiện nhiều chương trình giảm giá để để chia sẻ với người tiêu dùng”- ông Võ Hoàng Anh, Giám đốc Phòng Hàng nhãn riêng Saigon Co.op khẳng định.
Với nguồn lực hiện có, gồm các tập đoàn kinh doanh gạo quy mô lớn như Vinh Phát, Công ty Lương thực Thành phố, Công ty Tấn Vương, Lộc Trời…; cùng với sự chia sẻ thông tin, phối hợp kịp thời của các địa phương vùng nguyên liệu, các hệ thống phân phối lớn, Sở Công Thương nhận định thị trường gạo trên địa bàn từ nay đến Tết Nguyên đán sẽ duy trì ổn định, đảm bảo cân đối cung cầu.
Thùy Dương