Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, HOSE: TPB) vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2023. Theo đó, ngân hàng này ghi nhận đạt gần 2.869 tỷ đồng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước.
Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, HOSE: TPB). |
Tuy nhiên, TPBank phải trích ra 1.293 tỷ đồng cho khoản chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong quý, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ. Do đó, nhà băng này ghi nhận lợi nhuận trước thuế giảm tới 26%, chỉ còn gần 1.576 tỷ đồng.
TPBank cho biết, trong bối cảnh tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn chưa đi vào ổn định và chưa có nhiều khởi sắc. Bên cạnh đó, với việc phía Ngân hàng đang thực hiện nhiều chính sách ưu đãi về lãi suất và phí dịch vụ nhằm hỗ trợ khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn, điều này đã dẫn đến kết quả kinh doanh của TPBank chưa đạt như kỳ vọng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, TPBank ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt 8.429 tỷ đồng, giảm 2% so với 9 tháng đầu năm 2022.
Trong kỳ, nhờ tăng nguồn thu từ hoạt động thanh toán, TPBank ghi nhận lãi từ dịch vụ đạt 2.165 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nguồn thu từ kinh doanh, dịch vụ bảo hiểm giảm 56%, chỉ còn 290 tỷ đồng.
Ngoài ra, hoạt động kinh doanh ngoại hối và mua bán chứng khoán đầu tư cũng tăng trưởng khi thu được số lãi lần lượt đạt 437 tỷ đồng và 824 tỷ đồng, tương ứng tăng 32% và 50% so với cùng kỳ năm trước.
Kết quả, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của TPBank giảm 9%, chỉ còn hơn 6.935 tỷ đồng. Cùng với đó, Ngân hàng phải tăng đến 14% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng (1.976 tỷ đồng). Do vậy, TPBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm chỉ đạt 4.959 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ.
Năm 2023, TPBank thông qua kế hoạch kinh doanh với mục tiêu 8.700 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Như vậy, Ngân hàng này mới chỉ thực hiện được 57% kế hoạch lợi nhuận sau 9 tháng đầu năm.
Tại thời điểm ngày 30/9/2023, tổng tài sản của TPBank ghi nhận đạt 344.402 tỷ đồng, tăng nhẹ 5% so với thời điểm hồi đầu năm. Trong đó, tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm 13% xuống còn 10.397 tỷ đồng, tiền gửi tại các tổ chức tín dụng khác tăng 12% lên mức 41.232 tỷ đồng, cho vay khách hàng ghi nhận ở mức 179.946 tỷ đồng, tăng 12%…
Ở bên kia bảng cân đối kế toán, tiền gửi của các tổ chức tín dụng khác tăng 68% so với thời điểm đầu năm, lên mức 79.329 tỷ đồng, tiền gửi khách hàng giảm 1% xuống còn 193.753 tỷ đồng, phát hành giấy tờ có giá giảm 40% xuống còn 12.168 tỷ đồng…
Đáng chú ý, về chất lượng nợ vay của TPBank, tổng nợ xấu tại thời điểm ngày 30/09/2023 tăng đột biến lên mức 5.350 tỷ đồng, gấp 4 lần so với thời điểm hồi đầu năm. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ tăng cũng đều tăng 4 lần. Kết quả này kéo theo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay của TPBank tăng từ mức chỉ 0,84% hồi đầu năm lên mức 2,97%. Đây được xem như một điểm tối tô thêm vào bức tranh tài chính không mấy sáng màu của TPBank trong quý III/2023.
Diễn biến giá cổ phiếu TPB trên sàn HOSE. Nguồn: Tradingview. |
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu TPB cũng đang phải chứng kiến chuỗi giảm giá khá mạnh từ đầu tháng 9 tới nay. Tính đến thời điểm chốt phiên ngày thứ 6 (20/10), thị giá cổ phiếu TPB đang dừng ở mức 16.500 đồng/cp, giảm tới 18% so với thời điểm đầu tháng 9 vừa qua.
Gánh nặng nợ xấu tăng cao khiến BaoVietBank “bốc hơi” gần hết lợi nhuận quý III Mặc dù hầu hết hoạt động kinh doanh đều ghi nhận kết quả tích cực nhưng do áp lực nợ xấu tăng cao buộc BaoVietBank ... |
Thanh khoản hệ thống ngân hàng đã bớt dư thừa? Khối lượng tín phiếu trúng thầu và số lượng thành viên tham gia sụt giảm, đi cùng với lãi suất tăng mạnh trong phiên ngày ... |
Hải Chi