TPS: VN-Index đang ở vùng định giá hấp dẫn

08/09/2022 - 23:04
(Bankviet.com) Theo báo cáo chiến lược vĩ mô tháng 9, CTCK Tiên Phong (TPS) cho biết P/E trailing của VN-Index hiện ở quanh mức 13,7 lần, thấp hơn so với mức P/E trung bình 5 năm là 16,x. Cả năm 2022, TPS đánh giá tăng trưởng EPS của toàn thị trường dự kiến trên 20% và mức P/E forward định giá hiện tại chỉ tương đương 11.3x. TPS đánh giá đây là thời điểm hợp lý để tích lũy những cổ phiếu có nội tại tốt, kết quả kinh doanh tích cực và thanh khoản cao.

Phục hồi ấn tượng

Sau nỗ lực giành lại sắc xanh trước ngưỡng cản quan trọng 1.200 điểm, VN-Index đã có sự bứt phá ấn tượng khi tăng hơn 74 điểm, tương ứng tăng 6,1% so với thời điểm cuối tháng 7 và thu hẹp mức giảm còn 14,5% so với đầu năm. Đáng chú ý, sự phục hồi mạnh mẽ trên đã giúp VN-Index điền tên trong nhóm những chỉ số chứng khoán có hiệu suất tốt nhất thế giới trong tháng 8/2022, đi ngược với nhiều chỉ số lớn hàng đầu thế giới (theo thống kê từ Stockq).

Động lực chính giúp thị trường chứng khoán Việt Nam có được kết quả tích cực này nhờ: Lạm phát hạ nhiệt ở Mỹ và Việt Nam, tâm lý nhà đầu tư đã dần cải thiện sau khi VN-Index giữ vững được ngưỡng 1.200 điểm và kỳ vọng quá trình tăng lãi suất của Fed sẽ ít khốc liệt hơn trong Q4/2022.

Ngoài ra, đà tăng trưởng được thúc đẩy nhờ sự trở lại của dòng tiền “chuyên nghiệp”. TPS kỳ vọng những yếu tố lạc quan trên vẫn được duy trì trong tháng 9/2022 và đây sẽ là cơ sở giúp VN-Index tiếp tục hồi phục trong ngắn hạn để hướng tới mức 1.300 điểm.

tốc độ tăng trưởng của VN-Index các chỉ số lớn trên thế giới
Tốc độ tăng trưởng của VN-Index các chỉ số lớn trên thế giới (Nguồn: Báo cáo TPS)

Thanh khoản thị trường cải thiện tích cực

Thanh khoản có sự cải thiện mạnh khi VN-Index xuất hiện sóng hồi, với GTGD khớp lệnh bình quân đạt 14,7 nghìn tỷ đồng/phiên, +37,3% MoM và +13.7% so với trung bình 3 tháng trước. P/E cuối T8/2022 của VN-Index đạt 13,67 lần, tăng so với mức 12.95 lần hồi tháng 7. Việc định giá hấp dẫn đã kích thích dòng tiền bắt đáy tham gia. Dòng tiền trong tháng qua chủ yếu hướng tới các nhóm ngành như: Chứng khoán, Bất động sản, Thép và Xây dựng. Đây đều là những ngành có mức độ suy giảm lớn nhất khi thị trường điều chỉnh.

TPS đánh giá dư địa hồi phục dòng tiền của thị trường là vẫn còn do: nhóm NĐT chuyên nghiệp (nước ngoài và tổ chức) mua ròng trong tháng qua chứng tỏ kinh tế Việt Nam vẫn đang ổn định, các biện pháp giao dịch mới được áp dụng vào tháng 9/2022 sẽ tạo điều kiện cho thanh khoản cải thiện và dòng tiền đang tìm về với những nhóm ngành có trọng số cao như Bất động sản, Ngân hàng, Chứng khoán...

Tăng trưởng dòng tiền và giá trị các nhóm ngành chính T8/2022
Tăng trưởng dòng tiền và giá trị các nhóm ngành chính T8/2022 (Nguồn: Báo cáo TPS)

Dòng tiền từ thị trường tương lai tiếp tục trở về thị trường cơ sở

Kết thúc tháng 8/2022, KLGD hợp đồng tương lai VN30F1M giảm 16,1% MoM, rơi về mức trung bình 192.482 hợp đồng/phiên. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp hợp đồng này ghi nhận sự đi lùi về thanh khoản. Đồng thời, tháng 8 cũng đánh dấu việc VN30F1M rơi về mức giao dịch bình quân dưới 200.000 hợp đồng/phiên. Tuy nhiên trong quá khứ, mỗi khi KLGD của VN30F1M sụt giảm thì thanh khoản tại thị trường cơ sở sẽ có tín hiệu hồi phục. Bên cạnh đó, diễn biến KLGD bình quân tháng 8 tại thị trường cơ sở một lần nữa cho thấy dữ liệu lịch sử đang chính xác với việc phục hồi mạnh sau khi rơi về mức thấp nhất trong hơn 2 năm trở lại đây.

TPS giữ nguyên đánh giá, khối lượng bình quân của VN30F1M đã đi qua thời “hưng thịnh” (hơn 300.000 hợp đồng/phiên) và giờ đây rơi về mức trung bình (dưới 200.000 hợp đồng/phiên). Đồng thời, TPS kỳ vọng thanh khoản của VN-Index sẽ tiếp tục cải thiện khi đón nhận dòng tiền từ thị trường tương lai đổ về vì giờ đây các rủi ro vĩ mô đã được thẩm thấu đáng kể. Bên cạnh đó, việc áp dụng qui tắc giao dịch T+2 từ 29/8/2022 và việc áp dụng giao dịch chứng khoán lô lẻ từ ngày 12/09/2022 tới đây sẽ là cú hích giúp thị trường cơ sở sôi động trở lại

Khối ngoại mua ròng trở lại

Khối ngoại trở lại mua ròng trong tháng 8 với giá trị khớp lệnh trên HOSE đạt hơn 1,3 nghìn tỷ đồng, đảo chiều so với mức bán ròng nhẹ (hơn 400 tỷ đồng) trong tháng 7. Xét về diễn biến cụ thể, tại chiều mua, SSI dẫn đầu danh sách với giá trị mua ròng đạt hơn 600 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, chứng chỉ quỹ FUEVFVND có tháng dẫn đầu thứ 2 liên tiếp khi cùng ghi nhận mức bán ròng hơn 750 tỷ đồng.

Việc mua ròng của khối ngoại không có sự đóng góp của dòng tiền qua các quỹ ETF là điều đáng chú ý bởi giá trị mua ròng của khối ngoại trên TTCK VN trong giai đoạn tháng 4-6/2022 và ở năm 2021 chủ yếu thông qua các chứng chỉ quỹ ETF. TPS nhận định, dòng tiền từ khối ngoại vẫn sẽ tiếp tục tìm về thị trường chứng khoán Việt Nam vì nền kinh tế Việt Nam vẫn đang ổn định và GDP Q3/2022 được dự báo tăng trưởng 2 chữ số, Lạm phát của Việt Nam vẫn đang được kiểm soát tốt dưới mức 4% và Tỷ giá Việt Nam được giữ ở mức ổn định so với các quốc gia trong khu vực.

VN-Index đang ở vùng định giá hấp dẫn với P/E FW là 11,3x

Kết thúc 8 tháng đầu năm 2022, P/E trailing của VN-Index hiện ở quanh mức 13,7 lần, thấp hơn rất nhiều so với mức P/E trung bình 5 năm là 16,x. Cho cả năm 2022, TPS đánh giá tăng trưởng EPS của toàn thị trường dự kiến trên 20% và mức P/E forward định giá hiện tại chỉ tương đương 11,3x. Bên cạnh đó, khi so với các quốc gia trong khu vực, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đang cho thấy sự hấp dẫn với P/E forward 2022 ở mức gần như thấp nhất nhưng lại có mức ROE thuộc nhóm cao nhất. TPS đánh giá đây là thời điểm hợp lý để tích lũy những cổ phiếu có nội tại tốt, kết quả kinh doanh tích cực và thanh khoản cao.

Kịch bản VN-Index tháng 9/2022

VN-Index tiếp tục tăng điểm trong tháng 8 để tiến tới kháng cự quan trọng 1.300-1.330 điểm. Tuy nhiên, tại đây lực bán đã xuất hiện trở lại khiến xu hướng tăng trong ngắn hạn của thị trường bị chững lại. Bên cạnh đó, thanh khoản liên tục suy giảm trong những phiên chỉ số ra sức "công phá" kháng cự trên cho thấy tâm lý phân vân của nhà đầu tư. Dựa trên biến động của VN-Index với ngưỡng kháng cự 1.300 điểm, TPS đưa ra 3 kịch bản cho thị trường trong T9/2022 như sau:

Trong kịch bản tích cực, nếu VN-Index có thể chinh phục hoàn toàn được vùng kháng cự 1.300-1.330 điểm, niềm tin về triển vọng của thị trường sẽ được củng cố và từ đó thu hút dòng tiền sôi động trở lại và từ đó hướng đến mục tiêu mới là vùng 1.331-1.420 điểm (đỉnh tháng 7/2021).

Trong kịch bản trung lập, VN-Index sẽ tiếp tục biến động sideway trong kênh giá 1.240-1.330 điểm với thanh khoản suy giảm dần.

Ở kịch bản tiêu cực, khi hỗ trợ 1.240 điểm bị phá vỡ, VN-Index nhiều khả năng sẽ giảm mạnh và rơi về hỗ trợ gần nhất là đáy tháng 7/2022 (tương đương vùng 1.140-1.239 điểm).

Danh mục cổ phiếu khuyến nghị T9
Danh mục cổ phiếu khuyến nghị Tháng 9/2022 của TPS (Nguồn: Báo cáo TPS)

Ngoài ra, chúng tôi cũng giới thiệu tới độc giả các thông tin về giá khác mà nhiều người quan tâm được liên tục cập nhật như: #Tỷ giá ngoại tệ #giá vàng #Giá xăng dầu hôm nay #giá hồ tiêu hôm nay #giá heo hơi hôm nay #giá cà phê #cập nhật bảng giá điện thoại. Kính mời độc giả đón đọc.

VN-Index sẽ dao động trong khoảng 1.250-1.315 điểm

VDSC cho rằng, nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng, thực phẩm & đồ uống, bán lẻ và dầu khí sẽ luân phiên vai trò hỗ ...

Khối ngoại cũng "đua" xả hàng, bán ròng hơn 500 tỷ đồng phiên VN-Index lao dốc mạnh

Phiên VN-Index lao dốc mạnh, không chỉ nhà đầu tư trong nước xả hàng, khối ngoại cũng đẩy mạnh bán ròng với giá trị ...

Nhận định chứng khoán ngày 8/9/2022: VN-Index tiếp tục quán tính giảm điểm

Thị trường giảm sâu về cuối phiên, đa số các nhóm cổ phiếu đều chịu áp lực bán tháo, kéo theo chỉ số chung VN-Index ...

Nguyễn Linh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán