Trung Quốc bổ nhiệm Giám đốc điều hành Uỷ ban Điều tiết Chứng khoán mới trong nỗ lực ngăn thị trường chứng khoán sụt giảm thêm

10/02/2024 - 16:28
(Bankviet.com) Trung Quốc đã bổ nhiệm ông Wu Qing làm người đứng đầu cơ quan giám sát chứng khoán quốc gia – cơ quan giám sát thị trường chứng khoán trị giá 8 nghìn tỷ USD như một trong nhiều biện pháp do Bắc Kinh đưa ra nhằm ngăn chặn suy thoái.

Ông Wu Qing, người từng điều hành Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải từ năm 2016 đến năm 2017, đã được bổ nhiệm làm Chủ tịch kiêm Bí thư Đảng ủy Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC). Ông kế nhiệm Yi Huiman, người đã giữ chức vụ này từ năm 2019, theo thông tin từ Tân Hoa Xã ngày 07/02/2024.

Ông Wu – người có bằng tiến sĩ kinh tế – từng là Phó Bí thư Đảng uỷ, Phó Thị trưởng Trung tâm tài chính Thượng Hải. Ông được giao nhiệm vụ điều hành Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải sau cuộc khủng hoảng năm 2015 trên thị trường vốn Trung Quốc.

Trước khi làm việc tại Thượng Hải và thị trường chứng khoán thành phố, ông đã làm việc tại CSRC trong nhiều năm, giám sát quỹ và tổ chức cũng như xử lý rủi ro cho các công ty chứng khoán.

Việc bổ nhiệm được đưa ra sau khi cơ quan quản lý công bố một loạt chính sách nhằm ngăn chặn sự sụt giảm của thị trường chứng khoán và cải thiện tâm lý nhà đầu tư kể từ tuần trước, bao gồm các biện pháp hạn chế mới đối với hoạt động bán khống và cho phép tổ chức đầu tư nhà nước Central Huijin Investment can thiệp thị trường để tăng lượng cổ phiếu nắm giữ trên thị trường.

Bắc Kinh đã đặt ra một kế hoạch đầy tham vọng nhằm biến đất nước thành một siêu cường tài chính nhằm hỗ trợ tốt hơn cho nền kinh tế thực, và Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết việc ngăn chặn và giải quyết rủi ro tài chính phải là “chủ đề mãi mãi” của chính phủ.

Người lãnh đạo cao nhất Trung Quốc cũng nhấn mạnh mối lo ngại về sự mong manh của hệ thống tài chính, đặc biệt khi Trung Quốc phải đối mặt với môi trường địa chính trị ngày càng hỗn loạn, vật lộn với khủng hoảng khu vực bất động sản sản và nỗ lực vực dậy niềm tin đang suy yếu trên toàn nền kinh tế, tất cả đều cản trở sự phục hồi vững chắc và bền vững.

Fu Weigang, Giám đốc điều hành tại Viện Tài chính và Luật Thượng Hải cho biết: “Đó là một trong những biện pháp nâng cao ‘tâm trạng’”. Ông nói thêm rằng, về mặt lịch sử từ trước tới nay, Bắc Kinh sẽ cải tổ nhân sự bất cứ khi nào thị trường chứng khoán có biến động lớn.

Với tư cách là Chủ tịch cơ quan quản lý chứng khoán, ông Wu phải đối mặt với nhiệm vụ trước mắt là khôi phục niềm tin của 220 triệu nhà đầu tư cá nhân trong nước, nhóm lớn nhất trên thế giới, những người mà tài sản của mình đang phải đối mặt với sự xói mòn hơn nữa sau đợt sụt giảm kéo dài của chứng khoán.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc, thị trường lớn thứ hai thế giới trên toàn cầu với tổng giá trị thị trường là 8 nghìn tỷ USD, đã chứng kiến sự “bốc hơi” khoảng 3 nghìn tỷ USD vốn hóa trong ba năm qua, do lệnh phong tỏa do COVID – 19 làm tê liệt hoạt động sản xuất và chi tiêu của người tiêu dùng cũng như tình trạng phục hồi đứt đoạn hậu đại dịch.

Việc bổ nhiệm người đứng đầu CSRC diễn ra vào thời điểm quan trọng đối với cổ phiếu bằng đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc, vốn đã phục hồi từ mức thấp nhất trong 5 năm sau khi chính phủ tăng cường nỗ lực cứu trợ thị trường.

Trong gói biện pháp giải cứu mới, quỹ tài sản trị giá 1,24 nghìn tỷ USD của quốc gia đã tăng cường mua vào các quỹ giao dịch hoán đổi danh mục để ổn định tâm lý và CSRC áp đặt các hạn chế mới đối với việc bán khống trong khi cam kết tăng cường trấn áp các hành vi sai trái trong giao dịch, từ thao túng đến giao dịch nội gián.

Chỉ số CSI 300 của chứng khoán trong nước đã tăng 1% vào ngày 7/2, kéo dài mức tăng 3,5% của ngày trước đó. Thị trường Trung Quốc sẽ đóng cửa từ thứ Sáu để nghỉ Tết Nguyên đán, kéo dài một tuần.

Gói giải cứu mới được đưa ra sau khi Thủ tướng Lý Khắc Cường vào tháng trước kêu gọi các biện pháp có ý nghĩa hơn để hỗ trợ cho thị trường chứng khoán. Điều này cho thấy, các nhà lãnh đạo hàng đầu có thể đã nhận ra rằng giá cổ phiếu sụt giảm hơn nữa sẽ gây nguy hiểm cho sự ổn định tài chính và xã hội ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, vốn đang phải vật lộn với tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên cao và căng thẳng địa chính trị.

Sau khi được bổ nhiệm làm Phó Thị trưởng Thượng Hải vào năm 2018, ông Wu phụ trách các mảng công việc như giám sát các cơ quan khu thương mại tự do, ủy ban kế hoạch và cải cách, cũng như quản lý thuế và quản lý dự phòng.

Với tư cách là người đứng đầu sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải, ông nổi tiếng là người cứng rắn trong việc giám sát thị trường đối với các nhà đầu tư, những người đã bị thiệt hại trong cuộc khủng hoảng năm 2015, cuộc khủng hoảng đã xóa sạch 5 nghìn tỷ USD giá trị thị trường trong một chu kỳ bùng nổ do đầu cơ quá mức và giao dịch ký quỹ bất hợp pháp.

Trong nhiệm kỳ của ông Wu, Sàn giao dịch Thượng Hải đã đưa ra một loạt biện pháp nhằm hạn chế tình trạng vượt quá giới hạn, tăng cường vai trò của sàn trong việc giám sát các biến động giá bất thường và trấn áp các hành vi giao dịch làm tăng nhu cầu đối với cổ phiếu.

Những biện pháp này đã giúp chỉ số Shanghai Composite tăng 13% vào thời điểm ông Wu rời đi để đảm nhiệm vị trí Phó thị trưởng thành phố Thượng Hải.

Wu Kan, một nhà quản lý đầu tư tại Thượng Hải cho biết: “Ông Wu đang tiếp quản các vị trí trong thời điểm thị trường chứng khoán gặp khủng hoảng và thông điệp mang lại là có thể sẽ có nhiều biện pháp tiếp theo để thúc đẩy thị trường trong ngắn hạn. Các nhà đầu tư chắc chắn hy vọng rằng ông Wu có thể làm được nhiều hơn nữa để hỗ trợ thị trường chứng khoán.

“Về lâu dài, ông Wu sẽ phải đối mặt với nhiệm vụ cải cách nhiều hơn trên thị trường chứng khoán Trung Quốc, nơi vẫn còn một số lỗ hổng mang tính hệ thống”.

V.A

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ