PGS.TS Phạm Thế Anh: “Nên cân nhắc chế độ thả nổi tỷ giá có điều tiết” |
PV: Ngân hàng Nhà nước đã tăng lãi suất lần thứ 2 trong vòng 1 tháng (lần trước là ngày 23/9). Xin ông giải thích nguyên nhân của quyết định này và ông có bình luận gì về phản ứng được cho là quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước?
TS.Nguyễn Hữu Huân: Như chúng ta biết, Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) không ngừng tăng lãi suất trong thời gian qua, gây một áp lực rất lớn đối với các nước mới nổi. Bởi nếu không tăng lãi suất theo thì dòng tiền sẽ chảy hết về Mỹ theo hiệu ứng Fisher quốc tế (là lí thuyết kinh tế trong đó sự thay đổi tỉ giá hối đoái dự kiến của hai loại tiền tệ sẽ tương đương với mức chênh lệch lãi suất danh nghĩa giữa hai quốc gia đó - PV).
Nguyên tắc là các thị trường mới nổi sẽ phải tăng lãi suất cao hơn Mỹ để có thể giữ được dòng tiền, vì kỳ vọng mất giá của đồng nội tệ sẽ được tính vào khi so sánh tỷ suất sinh lời cho một thương vụ đầu tư. Ví dụ lãi suất ở Mỹ đang là 5%, kỳ vọng mất giá VND là 7%, thì lãi suất danh nghĩa ở Việt Nam phải tối thiểu 12% mới có thể giữ chân được dòng tiền ở lại trong nước, hoặc thu hút được nguồn vốn từ nước ngoài. Vì một nhà đầu tư Mỹ nếu đầu tư vào Việt Nam thì lãi suất mà họ thực nhận sau khi chuyển tiền về nước chỉ bằng 12%- 7% = 5%, tức bằng với tỷ suất đầu tư tại Mỹ.
TS.Nguyễn Hữu Huân đánh giá động thái tăng lãi suất của NHNN là cần thiết, sẽ giảm căng thẳng cho áp lực tỷ giá. |
Chính vì thế, động thái tăng lãi suất quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước trong bối cảnh hiện tại theo tôi đánh giá là kịp thời và hợp lý, nhằm giảm căng thẳng cho áp lực tỷ giá những tháng cuối năm và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Bên cạnh đó, nhu cầu về huy động vốn của các ngân hàng thương mại đang tăng mạnh do thiếu hụt thanh khoản bởi các động thái thắt chặt tiền tệ. Nếu không tăng các lãi suất điều hành thì các ngân hàng thương mại, đặc biệt là các ngân hàng thương mại nhỏ, không tiếp cận được nguồn vốn để bù đắp thiếu hụt thanh khoản và có thể gây ảnh hưởng đến an toàn của toàn bộ hệ thống tín dụng.
PV: Việc tăng lãi suất sẽ tác động như thế nào tới sản xuất kinh doanh đầu tư của doanh nghiệp và người dân trong các tháng cuối năm?
TS.Nguyễn Hữu Huân: Việc tăng lãi suất này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất kinh doanh bởi chi phí đầu vào gia tăng thì đương nhiên lãi suất cho vay cũng phải từ đó mà tăng theo. Bên cạnh đó, “room" tín dụng ở phần lớn ngân hàng đã hết hoặc không còn nhiều, nên các doanh nghiệp sẽ rất khó để tiếp cận đến nguồn vốn tín dụng từ giờ cho đến cuối năm.
Người dân vay tiêu dùng cũng không là trường hợp ngoại lệ bởi việc lãi suất gia tăng cũng sẽ hạn chế việc vay tiêu dùng và mọi người sẽ có khuynh hướng "thắt lưng buộc bụng" để hưởng lợi suất cao hơn trong giai đoạn hiện nay.
PV: Thị trường chứng khoán đã chịu những "cú đạp" cực mạnh thời gian qua. Đà tăng lãi suất vừa rồi sẽ đưa thị trường chứng khoán đi về đâu, thưa ông?
TS.Nguyễn Hữu Huân: Các thị trường có sự liên thông với nhau và dòng vốn sẽ luân chuyển từ nơi có lãi suất thấp đến nơi có lãi suất cao, từ nơi rủi ro đến nơi an toàn. Chính vì thế, tôi cho rằng thị trường chứng khoán sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi việc thắt chặt tiền tệ và lãi suất ngân hàng tăng cao. Mọi người sẽ có khuynh hướng bán chứng khoán để gửi ngân hàng vừa an toàn vừa cho lãi suất cao tại thời điểm hiện tại.
Lưu ý là lãi suất ngân hàng có mối quan hệ nghịch chiều với chỉ số VN-Index. Trong hai năm đại dịch, khi lãi suất ngân hàng chạm đáy thì cũng là lúc chỉ số VN-Index chạm những đỉnh cao mới.
PV: Có quan điểm như sau: thị trường suy thoái, nguồn thu bán hàng kém, tín dụng khó khăn, doanh nghiệp vô cùng khát vốn. Áp lực đáo hạn, mua lại trái phiếu đang lớn và ngày càng lớn. Điều đó là nguyên nhân chính khiến các ngân hàng ráo riết huy động, khiến Ngân hàng Nhà nước không thể không tăng lãi suất. Ông có đồng tình với quan điểm này?
TS.Nguyễn Hữu Huân: Theo tôi nguyên nhân chính nằm ở chu kỳ kinh tế và tác động của các yếu tố vĩ mô bên ngoài mới là căn nguyên của mọi vấn đề. Do Việt Nam là một nền kinh tế nhỏ và mở, nên một cú sốc vĩ mô từ quốc tế sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế Việt Nam. Mà cụ thể ở đây là Fed tăng lãi suất khiến dòng vốn chảy về Mỹ, điều này tạo áp lực lên tỷ giá rất lớn. Ngoài ra việc lạm phát thế giới tăng cao cũng làm cho VIệt Nam buộc phải thắt chặt tiền tệ để đảm bảo ổn định vĩ mô.
TS.Nguyễn Hữu Huân nhận định thị trường chứng khoán sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi việc thắt chặt tiền tệ và lãi suất ngân hàng tăng cao. Ảnh minh hoạ:HT |
Việc thắt chặt tiền tệ khiến nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận vốn, bên cạnh đó thị trường trái phiếu lại còn nhiều bất cập lại gây ra việc mất niềm tin từ các nhà đầu tư. Song song với đó việc thắt chặt tiền tệ cũng làm hạn chế việc tiêu dùng trong nền kinh tế từ đó ảnh hưởng đến đầu ra của các doanh nghiệp.
Hệ quả là nợ xấu có khuynh hướng gia tăng, việc thắt chặt tiền tệ cũng làm giảm thanh khoản cho các ngân hàng thương mại và buộc họ phải tham gia vào cuộc đua lãi suất để tồn tại. Và đương nhiên, để "cởi trói" cho các ngân hàng thương mại thì Ngân hầng Nhà nước phải tăng lãi suất điều hành theo tín hiệu thị trường.
Chúng ta cần xác định và chuẩn bị tâm thế cho một thời kỳ tiền đắt để đảm bảo ổn định vĩ mô. Việc phải đánh đổi một phần tăng trưởng trong giai đoạn này là điều tất yếu phải thực hiện.
PV: Ông dự báo lãi suất trong thời gian tới sẽ diễn biến như thế nào?
TS. Nguyễn Hữu Huân: Trước xu thế và diễn biến hiện tại thì tôi dự đoán lãi suất sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới, và lãi suất có tăng mạnh hay không thì lại phụ thuộc vào động thái của Fed và các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới.
Xin cảm ơn ông!
Ngân hàng Nhà nước vừa quyết định tăng lãi suất điều hành thêm 1% từ ngày 25/10/2022. Theo Ngân hàng Nhà nước, nguyên nhân tăng lãi suất điều hành là: lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã 5 lần điều chỉnh tăng lãi suất mục tiêu (federal funds target rate) lên mức 3% - 3,25%/năm và dự báo còn tiếp tục tăng trong các tháng cuối năm 2022 và năm 2023, đồng USD lên giá mạnh, gia tăng áp lực lên mặt bằng lãi suất và tỷ giá trong nước, tạo sức ép lên lạm phát. Việc tăng lãi suất là để góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tiền tệ, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng. |
Hải Thu