Tham dự tọa đàm, về phía Bộ Tư pháp có: ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự; bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 1, Tổng cục Thi hành án dân sự; bà Lê Thị Hoàng Thanh - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - Kinh tế; ông Nguyễn Thanh Hà, Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP. Hồ Chí Minh và đại diện lãnh đạo 9 Chi cục Thi hành án trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.
Về phía Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam có: TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký; ông Nguyễn Thành Long, Chủ nhiệm CLB Pháp chế Ngân hàng; ông Nguyễn Văn Trình, Phó Chủ nhiệm CLB Pháp chế Ngân hàng và đại diện các tổ chức tín dụng hội viên Hiệp hội Ngân hàng, CLB Pháp chế Ngân hàng, CLB AMC.
Về phía Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC) có: bà Phạm Liên Anh, Trưởng Chương trình Kiến tạo Thị trường, IFC Việt Nam.
Về phía Tòa án Nhân dân TP. Hồ Chí Minh có: ông Phùng Văn Hải, Phó Chánh án.
Ngoài ra còn có sự tham dự của đại diện của Vụ Pháp chế, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam); Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh; Tòa án Nhân dân cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh; Viện kiểm sát Nhân dân cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh; Viện Kiểm sát Nhân dân TP. Hồ Chí Minh; Sở Tư pháp TP. Hồ Chí Minh; Văn phòng Đăng ký đất đai TP. Hồ Chí Minh.
Phát biểu khai mạc tọạ đàm, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam khẳng định, hoạt động thi hành án dân sự có vai trò quan trọng, nhằm bảo đảm bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án được thi hành theo đúng quy định của pháp luật, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người được thi hành án (bên có quyền).
Căn cứ các quy định của pháp luật về thi hành án dân sự, được sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án, công tác thi hành án tín dụng ngân hàng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần khơi thông dòng vốn tín dụng cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, từ năm 2022 đến nay, do tác động của kinh tế thế giới và trong nước, doanh nghiệp, người dân gặp nhiều khó khăn, nợ xấu ngành ngân hàng có xu hướng tăng cao trong khi việc thi hành án tín dụng ngân hàng bộc lộ nhiều khó khăn, hạn chế về quy định pháp luật, về áp dụng pháp luật của cơ quan thi hành án dân sự và các cơ quan có thẩm quyền, làm cho nhiều vụ việc thi hành án bị trì hoãn trong thời gian dài, số lượng vụ việc tồn đọng còn nhiều, ảnh hưởng đến công tác thu hồi nợ xấu của ngân hàng.
Để tháo gỡ vướng mắc cho các tổ chức tín dụng hội viên, từ cuối năm 2022, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã phối hợp với Tổng cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp tổ chức thành công hội thảo “Nâng cao hiệu quả xử lý tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng thông qua thi hành án dân sự”.
TS. Nguyễn Quốc Hùng cho biết, sau hội thảo, Hiệp hội Ngân hàng đã có 3 văn bản gửi Tổng cục Thi hành án dân sự, trong đó đã tổng hợp 438 vụ việc còn tồn đọng của 14 tổ chức tín dụng tại các tỉnh/thành phố, tuy nhiên với khối lượng vụ việc quá lớn, dàn trải khắp cả nước nên Hiệp hội Ngân hàng đã kiến nghị Tổng cục Thi hành án dân sự trước mắt giải quyết các vụ việc nổi cộm tại 3 thành phố Hà Nội, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh. Trên tinh thần đó, Tổng cục Thi hành án dân sự đã chỉ đạo các chi cục các cấp đẩy nhanh việc xử lý và đã được kết quả bước đầu.
Để tiếp tục tháo gỡ cho các Ngân hàng trong quá trình thi hành án tín dụng ngân hàng, nhất là đối với các vụ việc tồn đọng nhiều năm chưa được xử lý tại TP. Hồ Chí Minh - địa bàn trọng điểm, tập trung nhiều vụ việc thi hành án nhất cả nước, Hiệp hội Ngân hàng tiếp tục phối hợp với Tổng Cục thi hành án - Bộ Tư pháp tổ chức Tọa đàm về thực trạng thi hành án tín dụng ngân hàng, biện pháp giải quyết đối với các vụ việc tồn đọng.
Toạ đàm sẽ tập trung vào các nội dụng chính sau:
Thứ nhất, các tổ chức tín dụng báo cáo về vướng mắc hiện nay liên quan đến thi hành án tín dụng ngân hàng tại địa bàn TP. Hồ Chí Minh, các vụ việc còn tồn đọng chưa được giải quyết.
Thứ hai, các cơ quan thi hành án, cơ quan có thẩm quyền trao đổi về: Thực trạng giải quyết thi hành án tín dụng ngân hàng và biện pháp giải quyết đối với các vụ việc đang tồn đọng nhiều năm hiện nay; Đánh giá quy định pháp luật về thi hành án và kiến nghị, đề xuất hoàn thiện quy định pháp luật...
Thứ ba, đề xuất các giải pháp tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ thi hành án, giúp nâng cao hiệu quả xử lý tài sản bảo đảm, xử lý nợ xấu của các ngân hàng tại địa bàn TP. Hồ Chí Minh.
"Các đại biểu sẽ tích cực trao đổi để làm rõ được thực trạng thi hành án tín dụng ngân hàng hiện nay, nguyên nhân những vụ việc thi hành án tín dụng ngân hàng tồn tại với số lượng lớn, trong đó có những vụ nhiều năm chưa được tháo gỡ, từ đó đưa ra biện pháp giải quyết đối với các vụ việc tồn đọng và đề xuất hoàn thiện pháp luật về thi hành án tín dụng ngân hàng trong thời gian tới", TS. Nguyễn Quốc Hùng cho biết.
Q.L