Thổ nhân sâm: Dược liệu quý giá được săn lùng
Ở Việt Nam, có một loại cây mang tên “nhân sâm” nhưng lại được trồng phổ biến để lấy lá làm rau ăn. Loại cây này chính là thổ nhân sâm, hay còn gọi là sâm mùng tơi. Vừa mọc hoang trong tự nhiên, vừa được canh tác để làm thuốc, thổ nhân sâm phân bố nhiều ở các vùng núi đá vôi như Hà Giang, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Thủy Nguyên, Nghệ An. Tuy nhiên, do tình trạng khai thác quá mức và nạn phá rừng, nguồn thổ nhân sâm tự nhiên ngày càng khan hiếm.
![]() |
Tại nhiều tỉnh phía Bắc, thổ nhân sâm không chỉ được trồng để lấy lá ăn như rau mà còn thu hoạch rễ làm dược liệu. Cây dễ trồng, không kén đất, có sức sống mạnh mẽ, ít sâu bệnh, không cần chăm bón quá kỹ lưỡng, trở thành nguồn thu ổn định cho nông dân.
Không chỉ là một loại rau thông thường, lá thổ nhân sâm còn mang lại giá trị dinh dưỡng cao. Lá có kết cấu mọng nước, giòn, mịn và thơm ngon, thường được chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn như xào, luộc, hầm với thịt hoặc ăn sống.
Tại Trung Quốc, loại rau này đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường khi được bán quanh năm trong các chợ và siêu thị. Với nhu cầu thực phẩm ngày càng hướng đến sản phẩm tự nhiên, an toàn, thổ nhân sâm có tiềm năng trở thành đặc sản rau sạch trên thị trường trong và ngoài nước.
Không chỉ lá, rễ thổ nhân sâm có giá trị dược liệu cao, được dùng phổ biến trong Đông y. Củ rễ có vị ngọt, tính bình, giúp nhuận phổi, kiện tỳ, điều hòa kinh nguyệt, tăng cường khí huyết, bồi bổ cơ thể và giảm ho.
Đặc biệt, một số nghiên cứu cho thấy rễ thổ nhân sâm có tác dụng tốt trong việc điều trị chứng váng đầu, hoa mắt, suy nhược cơ thể. Tại Trung Quốc, rễ thổ nhân sâm có giá dao động từ 405.000 - 539.000 đồng/kg, tùy theo loại thái lát hoặc sấy khô. Trong khi đó, tại Việt Nam, cây giống thổ nhân sâm chỉ có giá từ 20.000 - 25.000 đồng/cây, mở ra cơ hội kinh tế lớn nếu được khai thác bài bản.
![]() |
Tương lai nào cho thổ nhân sâm Việt Nam?
Với tiềm năng lớn trong ẩm thực và y học, thổ nhân sâm có thể trở thành một sản phẩm nông nghiệp chủ lực nếu được đầu tư đúng hướng. Nhiều chuyên gia cho rằng, để phát triển ngành hàng này, Việt Nam cần mở rộng vùng trồng theo hướng chuyên canh, đẩy mạnh sản phẩm chế biến như bột sâm, trà sâm, sâm sấy khô và hướng đến xuất khẩu sang Trung Quốc và các thị trường có nhu cầu cao.
Thổ nhân sâm có thể định vị trở thành thương hiệu rau dược liệu Việt Nam, vừa giúp người tiêu dùng trong nước tiếp cận thực phẩm sạch, vừa mang lại giá trị kinh tế lớn cho ngành nông nghiệp.
Từ một loại cây mọc dại, thổ nhân sâm đang dần trở thành “cây vàng” của nông dân Việt Nam. Không chỉ là một loại rau bổ dưỡng, loại sâm này còn có công dụng dược liệu quý, đặc biệt được săn đón tại Trung Quốc. Nếu được khai thác đúng cách, thổ nhân sâm không chỉ giúp nông dân làm giàu mà còn góp phần nâng cao giá trị nông sản Việt trên thị trường quốc tế.
Linh Linh