‘Vàng đen’ từ Nga đổ bộ Việt Nam với giá rẻ bất ngờ, là kho báu Nga tuyên bố đủ dùng trong hàng trăm năm

15/05/2025 - 07:12
(Bankviet.com) Giá nhập khẩu mặt hàng này từ Nga đã giảm đến 30% so với cùng kỳ năm trước.
Hàng hóa - Giá cả

‘Vàng đen’ từ Nga đổ bộ Việt Nam với giá rẻ bất ngờ, là kho báu Nga tuyên bố đủ dùng trong hàng trăm năm

Hoàng Anh 15/05/2025 06:53

Giá nhập khẩu mặt hàng này từ Nga đã giảm đến 30% so với cùng kỳ năm trước.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu than đá về Việt Nam trong tháng 4 đạt hơn 7,1 triệu tấn, trị giá hơn 706 triệu USD, tăng 9,9% về lượng và tăng 9,1% về kim ngạch so với tháng trước đó.

Lũy kế 4 tháng đầu năm nước ta đã nhập khẩu 24,4 triệu tấn than, tương đương hơn 2,5 tỷ USD, tăng 18,8% về khối lượng nhưng giảm 6,6% về kim ngạch so với 4 tháng đầu năm 2024. Giá trung bình đạt 103,3 USD/tấn, giảm 21,4%.

Xét về thị trường, Úc là nhà cung cấp than đá lớn nhất cho Việt Nam với hơn 7,5 triệu tấn, trị giá hơn 958 triệu USD, tăng 36,4% cả về khối lượng nhưng giảm 2,7% kim ngạch so với cùng kỳ năm trước. Giá bình quân 126 USD/tấn, giảm 28%.

picture1.png

Đứng thứ 2 là Indonesia với sản lượng đạt hơn 9,8 triệu tấn, tương đương hơn 805 triệu USD, tăng 24,2% về khối lượng và tăng 8,2% về kim ngạch. Giá bình quân đạt 81 USD/tấn, tương ứng mức giảm 13%.

Nhập khẩu than đá từ thị trường Nga đạt hơn 2,09 triệu tấn, tương đương hơn 287 triệu USD, đứng thứ 3 trong số các nhà cung cấp đồng thời đang chứng kiến giá giảm mạnh nhất. Quốc gia này chứng kiến mức tăng 5,9% về lượng nhưng giảm 26,7% về kim ngạch. Giá bình quân 137 USD/tấn, giảm 31% so với cùng kỳ năm trước.

Nga là quốc gia có trữ lượng than đứng thứ 3 (182 tỷ tấn) và là nhà khai thác, sản xuất than lớn thứ 6 trên thế giới (chiếm 4,5% sản lượng khai thác than trên quy mô toàn cầu). Theo Bộ Năng lượng Nga, dự trữ than của nước này đủ sử dụng trong 300 năm và không có mối đe dọa nào về an ninh năng lượng.

Theo Kpler, kể từ đầu năm 2025 tới nay, các công ty khai thác than của Nga đã vận chuyển 5,8 triệu tấn than bằng đường biển đến các thị trường châu Á. Trong đó, đáng chú ý 36% đến Trung Quốc, 25% đến Ấn Độ, 19% đến Hàn Quốc, 4-6% đến Đài Loan (Trung Quốc),...

Tại các quốc gia khác ở châu Á - Thái Bình Dương, lượng than vận chuyển từ Nga bằng đường biển hàng tuần trong tháng 3/2025 cũng giảm khoảng 6% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 614.000 tấn.

Do lệnh trừng phạt đối với các công ty khai thác than của Nga, Trung Quốc đã trở thành thị trường than nhiệt lớn nhất của Nga trong những năm gần đây. Trung Quốc tiêu thụ khoảng 5 tỷ tấn than, nhưng chỉ có 5% nhu cầu được đáp ứng bằng nhập khẩu.

Đối với nước ta, than nhập về Việt Nam chủ yếu phục vụ nhà máy nhiệt điện. Nhu cầu nhập khẩu than gồm nhiều chủng loại cho nhiều nhu cầu tiêu thụ khác nhau và phân bố theo từng miền. Than nhập cho điện chủ yếu ở miền Nam và miền Trung, than nhập khẩu cho sản xuất công nghiệp chủ yếu ở miền Bắc, miền Trung và một phần nhỏ ở miền Nam.

Theo số liệu thống kê Hải quan, nhập khẩu than đá của Việt Nam đã có sự tăng mạnh kể từ năm 2021 trở lại đây. Cả năm 2024, nhập khẩu than đá các loại của cả nước là 63,824 triệu tấn, với trị giá là 7,63 tỷ USD.

Theo dự báo của Tổ chức Năng lượng Quốc tế (IEA), giá than thế giới có thể tăng lên khoảng 85 USD/tấn vào năm 2025. Điều này được dự đoán sẽ xảy ra do sự gia tăng nhu cầu sử dụng than trong các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ. Ngoài ra, việc giảm sản lượng than của các nước phát triển cũng sẽ góp phần vào việc tăng giá than thế giới.

Hoàng Anh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán