Mỹ - Trung Quốc đua nhau đưa một loại nguyên liệu tỷ đô đến Việt Nam: Chi hơn 4 tỷ USD nhập khẩu, nước ta tạo ra 'kho báu' được nửa thế giới săn lùng
Kể từ đầu năm đến nay Việt Nam đã chi hơn 4 tỷ USD nhập khẩu mặt hàng quan trọng này.
Chất dẻo, hay còn gọi là nhựa hoặc polymer là loại nguyên liệu quan trọng được dùng làm vật liệu sản xuất nhiều loại vật dụng, phục vụ đời sống con người cũng như phục vụ cho sự phát triển của nhiều ngành và lĩnh vực kinh tế như điện, điện tử, viễn thông, giao thông vận tải, thủy sản, nông nghiệp,...bên cạnh nguồn cung nội địa, nước ta cũng đang chi hàng tỷ USD kể từ đầu năm để nhập khẩu mặt hàng này.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu chất dẻo nguyên liệu về Việt Nam trong tháng 4 đạt hơn 800 nghìn tấn với trị giá hơn 1 tỷ USD, giảm 2,5% về lượng và giảm 2,3% về trị giá so với tháng trước đó. Lũy kế trong 4 tháng đầu năm nước ta chi hơn 4,09 tỷ USD nhập khẩu, tương đương hơn 3 triệu tấn, tăng mạnh 24,1% về lượng và tăng 19,4% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Xét về thị trường, Trung Quốc đứng đầu trong số các nhà cung cấp chất dẻo cho Việt Nam với hơn 833 nghìn tấn, trị giá hơn 1,1 tỷ USD, tăng 38% về lượng và tăng 29% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Giá bình quân 1.419 USD/tấn, giảm nhẹ 6%.
Đứng thứ 2 là Hàn Quốc với hơn 517 nghìn tấn, trị giá hơn 727 triệu USD, giảm nhẹ 1% về lượng và tăng 2% về trị giá. Giá bình quân 1.404 USD/tấn, tăng 2%.

Đáng chú ý, Mỹ là nhà cung cấp lớn thứ 3 đồng thời chứng kiến mức tăng trưởng mạnh trong 4 tháng đầu năm. Cụ thể nước ta chi hơn 346 triệu USD nhập khẩu chất dẻo từ Mỹ, tương đương hơn 313 nghìn tấn, tăng mạnh 58% về lượng và tăng 43% về trị giá so với cùng kỳ. Giá giảm 9%, tương đương 1.103 USD/tấn.
Mỹ là một trong những nguồn cung cấp nguyên liệu nhựa quan trọng cho Việt Nam, đặc biệt đối với các loại nhựa như polyethylene (PE) và polypropylene (PP). Hiện, Việt Nam và Mỹ chưa có hiệp định thương mại tự do song phương, nên hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ thường áp dụng thuế suất nhập khẩu ưu đãi.
Theo đó, mức thuế suất nhập khẩu đối với nhựa bao gồm các loại như Polyethylene (PE), Polypropylene (PP), Polystyrene (PS), và Polyvinyl Chloride (PVC), vào khoảng 5% đối với sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ.
Hiện nay Việt Nam có thể sản xuất được các nguyên liệu như PVC, PP, PET, PS, PE, với tổng công suất gần 3 triệu tấn/năm. Nguồn nguyên liệu trong nước có thể đáp ứng 30% nhu cầu thị trường nội địa, 70% còn lại được nhập khẩu từ các quốc gia trên thế giới như Arab Saudi, Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia, Singapore…
Theo báo cáo của Hiệp hội Nhựa Việt Nam, tốc độ tăng trưởng của ngành nhựa trong 5 năm qua duy trì ở mức từ 12 - 15%/năm. Hiện sản phẩm nhựa Việt đã xuất khẩu đến hơn 160 quốc gia trên thế giới, có mặt khắp các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Úc và cộng đồng các quốc gia châu Âu như Đức, Pháp, Anh, Ý, Hà Lan, Tây Ban Nha…
Các nhà sản xuất của ngành nhựa Việt Nam đang nỗ lực tìm kiếm và áp dụng công nghệ tiên tiến cùng với các loại vật liệu mới nhằm bảo vệ môi trường. Các chiến lược đặt ra sẽ phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế tuần hoàn, tiến tới một nền sản xuất bền vững và thân thiện với môi trường.
Theo dự báo, thị trường nhựa toàn cầu sẽ đạt mốc 730 tỷ USD vào năm 2025, tăng trưởng 3,5% mỗi năm. Đối với Việt Nam, dự báo cho năm 2025 cho thấy sản lượng nhựa có thể đạt khoảng 12–13 triệu tấn. Doanh thu ngành dự kiến sẽ tăng từ 5–8% so với năm 2024 nhờ vào việc mở rộng quy mô sản xuất và cơ hội xuất khẩu từ các hiệp định thương mại.