Tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra giám sát đối với thị trường TPDN
Ngày 21/3/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 368/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược tài chính đến năm 2030. Trong đó, một số nội dung đáng chú ý liên quan đến thị trường chứng khoán nói chung và thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng.
Mục tiêu phát triển thị trường chứng khoán ổn định, hoạt động an toàn, hiệu quả, có cơ cấu hợp lý, cân đối giữa thị trường tiền tệ với thị trường vốn, giữa thị trường cổ phiếu với thị trường trái phiếu và thị trường chứng khoán phái sinh.
Đến năm 2025, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 100% GDP; dư nợ thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 47% GDP, trong đó dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 20% GDP.
Đến năm 2030, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 120% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 58% GDP, trong đó, dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 25% GDP.
Như vậy có thể thấy, trong dài hạn định hướng của cơ quan quản lý là tiếp tục đẩy mạnh sự phát triển của thị trường, nâng cao vai trò trái phiếu doanh nghiệp trong việc là kênh huy động vốn của doanh nghiệp.
Bên cạnh định hướng phát triển quy mô, chất lượng là yếu tố được định hướng rõ ràng với tiêu chí hàng đầu là minh bạch thông tin và thúc đẩy hoạt động xếp hạng tín nhiệm.
Tại Hội nghị phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế ngày 22/4, Bộ Tài chính cho biết sẽ khẩn trương trình Chính phủ sửa đổi quy định về phát hành TPDN riêng lẻ tại Nghị định số 153/2020/NĐCP theo hướng siết chặt một cách hợp lý, quản lý chặt chẽ các công ty chứng khoán tư vấn phát hành; các doanh nghiệp yếu kém không được phát hành; thu hẹp lại mục tiêu huy động trái phiếu chỉ phục vụ cho việc đầu tư triển khai dự án; doanh nghiệp sau khi phát hành phải thông báo ngay cho Sở giao dịch chứng khoán, Ủy ban chứng khoán Nhà nước và thường xuyên có công bố thông tin về việc sử dụng tiền từ huy động trái phiếu.
Bộ Tài chính cũng sẽ nghiên cứu, kiến nghị Chính phủ để trình Quốc hội rà soát tổng thể các quy định tại Luật Chứng khoán bao gồm phạm vi phát hành ra công chúng, phát hành riêng lẻ, khái niệm nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại Luật Chứng khoán và các quy định về xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán và một số nội dung liên quan.
Với hàng loạt sự kiện trên, CTCK Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS) đánh giá, giai đoạn tới thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn nhiều dư địa phát triển theo xu hướng bền vững, đẩy mạnh công bố thông tin minh bạch, chất lượng.
Dần hạ nhiệt trong quý II, đặt nền móng cho giai đoạn phát triển bền vững
Mục tiêu tăng tín dụng 2022 là 14%, tính từ đầu năm đến hết 31/3, tăng trưởng tín dụng tăng 5,04%. So với mức tăng 2,16% của quý I/2021 thì con số trên là rất cao. Điều này cho thấy nhu cầu tín dụng tăng cao trong giai đoạn nền kinh tế đang phục hồi.
Với dự báo mặt bằng lãi suất huy động tăng khoảng 50-100 điểm trong năm 2022, VCBS cho rằng lãi suất trái phiếu doanh nhiều khả năng cũng được điều chỉnh tăng tương ứng đặc biệt là các trái phiếu có lãi suất thả nổi hay thuộc các phân khúc trái phiếu có lãi suất cao nhất thị trường như bất động sản - xây dựng.
Cùng với đó, sự kiện gần đây đánh dấu giai đoạn tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra giám sát đối với hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp đặc biệt là hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ.
“Theo đó, kể từ quý II, thị trường sẽ dần hạ nhiệt và qua đó đặt nền móng cho một giai đoạn phát triển bền vững với những sản phẩm chất lượng cung cấp cho nhà đầu tư, tiếp tục thực hiện vai trò là kênh huy động vốn cho doanh nghiệp. Điểm tích cực trong giai đoạn này là nền kinh tế Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ phục hồi, tăng trưởng sau dịch, nhu cầu sử dụng vốn của nền kinh tế vẫn ở mức cao cho cả các dự án cơ sở hạ tầng cũng như sản xuất, kinh doanh”, VCBS nhấn mạnh.