Ngày 20/7 vừa qua, VKC Holdings đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, bầu lại toàn bộ thành viên mới của HĐQT, Ban kiểm soát, và Ban Tổng giám đốc. |
Công ty CP VKC Holdings (HNX: VKC) cho biết sẽ tạm hoãn việc thanh toán lãi lô trái phiếu VCKH2123001 (quy mô 200 tỷ đồng, phát hành ngày 9/9/2021). Theo kế hoạch ban đầu, ngày thanh toán lãi là 9/9/2022.
Lý do tạm hoãn thanh toán lãi trái phiếu được VKC Holdings đưa ra là do sau biến cố ông Đỗ Thành Nhân, nhóm Louis Holdings và toàn bộ thành viên HĐQT, Ban Kiểm soát, Ban Tổng giám đốc của VKC đã từ nhiệm trước thềm Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 của VKC Holdings.
HĐQT và Ban Tổng giám đốc tiền nhiệm này đã gây thất thoát tài sản của VKC rất lớn, vì vậy hiện tại VKC đã mất khả năng thanh toán đối với các chủ nợ.
Ngày 20/7 vừa qua, VKC Holdings đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 và các cổ đông bầu lại toàn bộ thành viên mới của HĐQT, Ban kiểm soát, và Ban Tổng giám đốc. Sau khi tiếp quản công ty, ban điều hành mới đã nhận ra nhiều sai phạm của HĐQT, Ban Tổng giám đốc tiền nhiệm trong việc quản lý tài chính và phát hành lô trái phiếu VKCH2123001.
"Để đảm bảo quyền lợi cho các trái chủ và các cổ đông của VKC Holdings, HĐQT và Ban Tổng giám đốc VKC đang tích cực làm việc với các bên liên quan có quyền lợi và nghĩa vụ trong lô trái phiếu này khắc phục hậu quả. Bên cạnh đó, VKC Holdings cũng đã gửi đơn tố giác đến các cơ quan ban ngành có thẩm quyền để xử lý", thông báo doanh nghiệp ghi.
Được biết, VKC Holdings tiền thân là Công ty CP Cáp Nhựa Vĩnh Khánh, được thành lập từ năm 1993 và niêm yết trên HNX năm 2010. Doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh chính trong lĩnh vực thương mại lốp xe – phụ tùng, sản xuất cáp viễn thông - dây điện, sản xuất các sản phẩm về nhựa, sản xuất vật liệu xây dựng – nội thất.
Đến tháng 12/2021, Cáp Nhựa Vĩnh Khánh chính thức đổi tên thành VKC Holdings. Kết thúc quý 2/2022, VKC ghi nhận lỗ sau thuế gần 25 tỷ đồng, nguyên nhân do biến cố từ nhóm Louis Holdings đã ảnh hưởng đến việc các ngân hàng hạn chế và không tiếp tục cấp nguồn vốn tín dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, dẫn đến tổng doanh thu giảm mạnh so với cùng kỳ.
Ngoài ra, chi phí lãi vay phải trả trong kỳ tăng cao do phát sinh lãi từ trái phiếu và lãi vay ngắn hạn ngân hàng. Chi phí doanh nghiệp cũng tăng cao do cơ cấu tổ chức mới, sửa chữa di dời và mở rộng mạng lưới hệ thống phân phối chưa hợp lý trong điều kiện nguồn vốn và tín dụng cho kinh doanh không đáp ứng.
Đáng chú ý, trong kỳ, Công ty đã trích lập dự phòng phải thu khó đòi hơn 65 tỷ đồng khiến cho lợi nhuận bị “ăn mòn”. Tại BCTC soát xét, kiểm toán viên Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn Chuẩn Việt (Vietvalues) - Công ty thành viên của JPA International – cũng đưa ra kết luận ngoại trừ về việc không thu thập được thư xác nhận bằng hình thức phúc đáp trực tiếp đối với khoản nợ phải thu khách hàng.
Do đó, kiểm toán không xác định được tính đúng đắn số dư khoản mục này trên bảng cân đối kế toán tại ngày 30/6/2022 với số tiền gần 84 tỷ đồng.
Liên quan đến lô trái phiếu 200 tỷ đồng, kiểm toán cũng ngoại trừ về việc sử dụng không đúng mục đích với Bản công bố thông tin ngày 3/12/2021. Cụ thể, theo thuyết minh về vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn, mô tả dòng tiền chi ra từ đợt phát hành trái phiếu đúng mục đích theo Nghị quyết ĐHĐCĐ bất thường số 41NQ/ĐHĐCĐ/VCOM/2021 nhưng không đúng với mục đích theo Bản công bố thông tin ngày 3/12/2021 với số tiền lần lượt 80,8 tỷ đồng và gần 35 tỷ đồng.
Ngoài ra, chúng tôi cũng xin giới thiệu tới độc giả các thông tin mà nhiều người quan tâm trong lĩnh vực Kinh tế - Chứng khoán được liên tục cập nhật như: #Nhận định chứng khoán #Bản tin chứng khoán #chứng khoán phái sinh #Cổ phiếu tâm điểm #đại hội cổ đông #chia cổ tức #phát hành cổ phiếu #bản tin bất động sản #Bản tin tài chính ngân hàng. Kính mời độc giả đón đọc.
Tân Mai