Mới đây, Hội đồng quản trị Công ty CP Xây dựng Coteccons (HoSE: CTD) đã thông qua nghị quyết miễn nhiệm chức Phó Tổng giám đốc của ông Nguyễn Ngọc Lân theo "nguyện vọng cá nhân".
Trong thông cáo báo chí phát đi ngày 11/3, Coteccons cho biết thêm, sau quãng thời gian tập trung vào hướng đi mới và thực hiện chiến lược từ năm 2021 theo đề xuất của Chủ tịch, ông Nguyễn Ngọc Lân – Phó Tổng Giám đốc Coteccons đã hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc. Ông Lân đã xây dựng nền móng vững chắc cho Coteccons miền Bắc và đưa ra những sáng kiến về đa dạng hóa hoạt động kinh doanh. Trong tương lai, ông sẽ tập trung vào sự phát triển cá nhân và kinh doanh của riêng mình, đồng thời quyết định tạm dừng vai trò Phó Tổng Giám đốc tại Coteccons.
Ông Nguyễn Ngọc Lân - Tổng giám đốc Coteccons |
Ông Nguyễn Ngọc Lân chia sẻ: "Tôi nghĩ rằng đã đến lúc những nhân sự như thế hệ của chúng tôi cần thu hẹp vai trò để tập trung vào việc xây dựng một kho tàng kiến thức sâu rộng cho tập thể Coteccons. Điều này sẽ thúc đẩy sự phát triển và tạo điều kiện để dẫn dắt mục tiêu của công ty cho thế hệ sau, thúc đẩy sự đổi mới tư duy và năng lực phù hợp với Coteccons phiên bản mới".
Dù rời ghế lãnh đạo, Coteccons vẫn có động thái "mở cửa" khi tin rằng "ông Lân sẽ sớm tái hợp và tiếp tục đóng góp" cho công ty.
Trong khi đó, Coteccons cũng bổ sung vị trí của bà Đinh Thị Ngọc Bích, Tiến sĩ – Chuyên gia về phát triển bền vững. Bà có nhiều năm kinh nghiệm làm việc cho các tổ chức quốc tế và tập đoàn lớn trong và ngoài nước về quản trị môi trường và xã hội, xây dựng chuỗi cung ứng xanh. Bà Đinh Thị Ngọc Bích sẽ đảm bảo vai trò chủ chốt trong việc kiến tạo hệ sinh thái xanh và xây dựng năng lực cho Coteccons đáp ứng các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế về môi trường và xã hội.
Về tình hình kinh doanh, lũy kế nửa đầu năm tài chính 2024 (Tháng 6/2023 - Tháng 12/2023), Xây dựng Coteccons ghi nhận doanh thu gần 9.783 tỷ đồng, tăng nhẹ 5% so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận sau thuế tăng gấp 9 lần, đạt hơn 135 tỷ đồng. So với kế hoạch kinh doanh đề ra, doanh nghiệp này đã hoàn thành 55% mục tiêu doanh thu và 50% mục tiêu lợi nhuận sau thuế.
Lợi nhuận của Xây dựng Coteccons tăng vọt chủ yếu do chi phí lãi vay và chi phí quản lý doanh nghiệp đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, việc tiết giảm chi phí quản lý doanh nghiệp chủ yếu là do giảm khoản dự phòng nợ phải thu khó đòi.
Theo thuyết minh báo cáo tài chính, Xây dựng Coteccons vẫn còn gần 1.700 tỷ đồng nợ xấu, 45% trong số đó đến từ ba doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái Tân Hoàng Minh, gồm Công ty Ngôi Sao Việt, Công ty Saigon Glory (chủ đầu tư dự án The Spirit of Saigon), và Công ty Đầu tư Minh Việt (chủ đầu tư dự án Tricon Towers). Xây dựng Coteccons đã trích lập dự phòng toàn bộ khoản nợ của nhóm chủ đầu tư trên.
Tại ngày 31/12/2023, tương đương cuối năm tài chính 2024 của doanh nghiệp, tổng tài sản của Xây dựng Coteccons đạt 21.651 tỷ đồng, không biến động quá nhiều so với đầu năm. Đáng chú ý, tổng lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng của doanh nghiệp này đã tăng 13,4%, đạt 4.610 tỷ đồng, chiếm 21,2% tổng tài sản.
Bên cạnh đó, Xây dựng Coteccons còn ghi nhận các khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng lên đến 11.670 tỷ đồng. Trong đó, khoản phải thu từ Công ty Cổ phần Vinhomes là 1.291 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Đầu tư Khu công nghiệp Vinhomes là hơn 543 tỷ đồng; Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An là 486 tỷ đồng…
Về phía nguồn vốn, tổng dư nợ vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn lẫn dài hạn của Xây dựng Coteccons ở mức 1.078 tỷ đồng, chỉ chiếm 5% tổng nguồn vốn. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn đang ghi nhận khoảng 5.500 tỷ đồng doanh thu chưa thực hiện từ việc cho thuê.
Trong năm 2023, Coteccons đã ký một loạt gói thầu lớn với tổng giá trị gần 18.000 tỷ đồng. Đây là cơ sở vững chắc để Coteccons tiếp tục bay cao trong năm tới.
Sau khi trượt gói thầu 35.000 tỷ đồng nhà ga sân bay Long Thành, Coteccons vẫn muốn tham gia lĩnh vực xây dựng hạ tầng gồm sân bay, đường cao tốc, các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt đô thị và nhiều dự án công cộng khác. Coteccons đang nghiên cứu tham gia và chỉ tập trung vào các dự án có quy mô lớn.
Mục tiêu của Coteccons là tìm được chỗ đứng trong phân khúc hạ tầng, tương tự như vị thế của doanh nghiệp này ở phân khúc dân dụng và công nghiệp. Ông Bolat (Chủ tịch Coteccons) cho rằng cần chờ đến quý II/2024-II/2025, kết quả của mảng hạ tầng mới được ghi nhận, phụ thuộc vào tình hình phát triển chung của đầu tư công tại Việt Nam.
Theo SSI Research, tính đến cuối quý I năm tài chính 2024, tổng giá trị hợp đồng chưa thực hiện (backlog) của Xây dựng Coteccons đạt 24.000 tỷ đồng. Trong đó, mảng xây dựng dân dụng chiếm 40% giá trị backlog và mảng xây dựng công nghiệp chiếm khoảng 20%. Khối lượng backlog lớn này phần nào cho thấy kết quả quá trình tái cơ cấu của Xây dựng Coteccons trong giai đoạn vừa qua.
Đáng chú ý, SSI Research nhận định Xây dựng Coteccons được kỳ vọng sẽ ghi nhận phần doanh số bán hàng còn lại, khoảng 7.000 tỷ đồng (300 triệu USD) từ Dự án Nhà máy LEGO tại tỉnh Bình Dương vào doanh thu năm tài chính 2024 và quý 1 năm tài chính 2025. Tính tới cuối tháng 11/2023, tỷ lệ bàn giao của Xây dựng Coteccons tại dự án này đã đạt 30%.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu CTD hiện đang có tín hiệu tạo đỉnh khi đà tăng bắt đầu suy yếu trong vòng 1 tháng trở lại đây. Hiện tại, cổ phiếu đang biến động quanh vùng giá 69.600 đồng với mức thanh khoản trung bình từ 500.000 - 1.000.000 cổ phiếu/phiên.
Doanh thu tăng bằng lần, Coteccons (CTD) "dính" nợ xấu liên quan tới Tân Hoàng Minh Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons (HOSE: CTD) vừa công bố báo cáo tài chính với nhiều điểm đáng chú ý. |
Coteccons thâu tóm thêm doanh nghiệp hạ tầng Coteccons mua lại toàn bộ vốn góp của hai doanh nghiệp nhôm kính và cơ điện có kinh nghiệm trong thi công sân bay, giao ... |
Triển vọng ngành xây dựng nhìn từ đầu tàu Coteccons (CTD) Năm nay có thể gọi là năm "hồi sinh" của CTD sau chuỗi ngày dài ảm đạm hậu thời kỳ chuyển giao. Dù có những ... |
Tiểu Vy