Tại Diễn đàn Kinh tế mới Việt Nam (Vietnam New Economy 2023) với chủ đề: “Các mô hình kinh tế mới tạo đột phá tăng trưởng và phát triển bền vững” được tổ chức mới đây, mô hình kinh tế chia sẻ và kinh tế xanh được nhắc đến như những động lực tăng trưởng quan trọng của kinh tế trong tương lai.
Ông Đỗ Thành Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư gợi mở 5 vấn đề liên quan đến các mô hình kinh tế mới trong thời gian tới.
Thứ nhất, các mô hình kinh tế mới như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế chia sẻ có sự gắn kết chặt chẽ, hữu cơ với nhau và đều dựa trên một nền tảng quan trọng đó là khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đi cùng với nguồn nhân lực chất lượng cao.
Do vậy, ưu tiên đầu tư cho khoa học, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là điều kiện tiên quyết để triển khai thực hiện thành công các mô hình kinh tế mới.
Thứ hai, đích đến của các mô hình kinh tế mới tựu chung đều do con người và vì con người, lấy con người là trung tâm nên khi triển khai các mô hình kinh tế mới cần đảm bảo nguyên tắc công bằng, bình đẳng.
Do vậy, cần có lộ trình giảm thiểu các tác động tới các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi trong quá trình này.
Thứ ba, việc triển khai các mô hình kinh tế mới cần có sự phối hợp chặt chẽ, toàn diện của tất cả các bên liên quan. Trong đó, "Nhà nước đóng vai trò dẫn dắt, tạo lập khung khổ thể chế chính sách, hỗ trợ ban đầu và cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò tiên phong, cốt lõi trong quá trình này, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp khởi nghiệp thành công", ông Trung nhấn mạnh.
Thứ tư, việc triển khai các mô hình kinh tế mới luôn cần nắm bắt kịp xu thế tiến bộ của thế giới, đặc biệt là các tiến bộ về khoa học, kỹ thuật, đổi mới sáng tạo. Chính vì vậy, cần tăng cường hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin.
Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư kêu gọi các doanh nghiệp, tập đoàn quốc tế lớn, doanh nghiệp FDI phát huy vai trò dẫn dắt, hỗ trợ các quốc gia đang phát triển như Việt Nam trong việc tiếp cận, chuyển giao các mô hình, công nghệ mới có tính dẫn dắt và là xu thế của thời đại.
Thứ năm, các quốc gia phát triển, nơi mà các mô hình kinh tế như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số đang được triển khai mạnh mẽ và rộng khắp cần tiếp tục tăng cường hỗ trợ kỹ thuật, tài chính cho các quốc gia đang phát triển trong việc thúc đẩy triển khai các mô hình kinh tế mới để cùng hướng tới lợi ích chung, mục tiêu chung của toàn cầu về khí hậu và phát triển bền vững.
Mô hình kinh tế chia sẻ đang góp phần quan trọng tạo việc làm cho người dân
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu & Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) – ông Nguyễn Hoa Cương đưa ra một số thông tin nổi bật về mô hình kinh tế chia sẻ vốn đã nổi lên như mô hình mới và phát triển rất năng động trong những năm gần đây.
Theo ông Cương, những đại diện nổi bật của kinh tế chia sẻ có thể kể đến là Grab, Gojek và Baemin, sự cạnh tranh đang lên đến mức khốc liệt. Dù Baemin được sự hỗ trợ rất lớn từ các đối tác Hàn Quốc, Baemin dần dần từ bỏ việc tham gia thị trường trẻ vì sự cạnh tranh quá mạnh mẽ. Dù vậy kinh tế chia sẻ đã mang lại hệ sinh thái rất khác so với toàn bộ nền kinh tế Việt Nam.
“Chúng ta nhìn thấy rất nhiều tài xế công nghệ chạy trên đường, chúng ta nhìn thấy nhiều quán ăn thay đổi hoàn toàn, những quán ăn này không chỉ nuôi sống chính mình mà thậm chí có thể nuôi sống cả khu phố ấy bao gồm những nhà cung cấp và tài xế sống gần đó”, ông Cương nhấn mạnh về việc kinh tế chia sẻ đã ảnh hưởng đến nhiều mặt trong cuộc sống của người dân.
Tuy nhiên, cũng theo ông Cương, bên cạnh những lợi ích này thì cũng có rất nhiều những rủi ro, nổi bật nhất có thể kể đến lợi ích của người tiêu dùng, lợi ích của những bên tham gia trong mối quan hệ lao động. Ngoài ra cũng phải kể đến nhiều biến tướng của kinh tế chia sẻ mà người ta không nghĩ rằng nó sẽ có thể xảy ra.
Thứ nhất, bản chất kinh tế chia sẻ ban đầu là để sử dụng các nguồn tài nguyên sẵn có, tăng hiệu suất sử dụng của tài nguyên, giảm sự lãng phí. Khi mô hình kinh tế chia sẻ xuất hiện, có rất nhiều người và doanh nghiệp mua thật nhiều phương tiện giao thông vận tải mới để tham gia các hình thức kinh tế chia sẻ này, thực tế này cho thấy họ được hưởng lợi từ việc tham gia loại hình này.
Tuy nhiên khi có sự xung đột lợi ích giữa các doanh nghiệp theo hình thức thông thường và doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ, cơ quan quản lý thường có xu thế xử lý theo cách truyền thống, điều này có khả năng gây ra triệt tiêu động lực đổi mới sáng tạo, ông Cương phân tích.
Còn với kinh tế số, ông Cương phân tích kinh tế số có thể hiểu bằng nhiều phương diện khác nhau, đó có thể là cố gắng số hóa toàn bộ các nền tảng hoạt động của doanh nghiệp này. Ông Cương khẳng định Việt Nam có rất nhiều đặc điểm thuận lợi để triển khai kinh tế số, ví dụ như Việt Nam thuộc nhóm nước có cước sử dụng dữ liệu (data) rẻ nhất thế giới, cụ thể đứng thứ 21/237 quốc gia, đây là thống kê mới nhất của Cable.co.uk vào năm 2023. Cước phí trung bình cho 1GB dữ liệu di động chỉ khoảng 0,29USD.
Ngoài ra, người Việt Nam sử dụng Internet, đặc biệt mạng xã hội rất nhiều. Người Việt Nam trung bình mỗi ngày sử dụng ít nhất 2,5 tiếng cho mạng xã hội, còn nếu tính việc online nói chung thì mỗi người Việt Nam dành đến 6,5 tiếng/ngày.
Ước tính khoảng 73% các hộ gia đình kết nối Internet cấp độ cao, 77 triệu người dùng Facebook, 62 triệu người dùng YouTube, 55 triệu người dùng Messenger, như vậy có thể nói tiềm năng phát triển kinh tế số ở Việt Nam rất lớn. Người tiêu dùng cũng rất yêu thích công nghệ, có thể thấy trong khoảng thời gian ngắn thì giờ đây khắp nơi người kinh doanh nhỏ lẻ ở chợ, vỉa hè cũng đều đã biết sử dụng mã QR.
Chính phủ rất quan tâm đến kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và cũng đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên kết quả doanh nghiệp đổi mới sáng tạo thực sự xanh không nhiều. Có một thực tế là doanh nghiệp chỉ đủ điều kiện tài chính áp dụng công nghệ xanh đến mức độ nào đó và không thể áp dụng công nghệ xanh ở mức cao hơn. Nhiều doanh nghiệp cũng không muốn mở rộng quy mô quá lớn và chưa thực sự muốn mở rộng thị trường.
Ông Cương chỉ ra có hiện tượng nhiều doanh nghiệp ngại tiếp cận với các chương trình sử dụng ngân sách, có doanh nghiệp được chọn vào danh sách hỗ trợ nhưng họ từ chối không muốn tham gia chương trình này, họ khẳng định để đáp ứng đủ tiêu chí tham gia được chương trình quá khó khăn.
Kinh tế số ở Việt Nam thực sự có tiềm năng phát triển cực kỳ lớn, chính vì vậy cần có cách phù hợp để duy trì động lực phát huy tiềm năng cho mô hình kinh tế này.
Ngọc Diệp