Việt Nam - Hoa Kỳ hợp tác phát triển nguồn nhân lực vi mạch, bán dẫn

03/08/2024 - 06:04
(Bankviet.com) Các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam đang tích cực hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp Hoa Kỳ nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về vi mạch, bán dẫn
Đào tạo 50.000 kỹ sư, cử nhân ngành bán dẫn đến năm 2030: Liệu có khả thi? Hợp tác "3 nhà" về đào tạo nhân lực bán dẫn tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Cần đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng thể chế

Quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam - Hoa Kỳ đã trải qua một hành trình đáng chú ý từ khi bình thường hóa vào năm 1995. Trong gần ba thập kỷ, hai nước đã không ngừng củng cố và phát triển mối quan hệ song phương, từng bước vượt qua những khác biệt để trở thành đối tác toàn diện trong nhiều lĩnh vực, đánh dấu bằng việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2023.

Trong dòng chảy mối quan hệ chiến lược này, giáo dục đào tạo là một trong những trọng tâm giữa hai quốc gia. Tính đến cuối năm 2023, Việt Nam đã có khoảng 50 chương trình liên kết đào tạo với Hoa Kỳ. Việt Nam hiện đang đứng đầu trong số các nước ASEAN và đứng thứ 8 trên thế giới về số lượng lưu học sinh học tập tại Hoa Kỳ.

Chính phủ Hoa Kỳ có khoảng 30 chương trình trao đổi học tập với Việt Nam. Hợp tác hai bên không chỉ dừng lại ở tạo điều kiện cho sinh viên Việt Nam sang Hoa Kỳ học tập. Thông qua Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID), Hoa Kỳ còn triển khai nhiều chương trình hỗ trợ và phát triển giáo dục Việt Nam.

Thực tế, các trường đại học tại Việt Nam đã tích cực hợp tác với các doanh nghiệp, trường học của Hoa Kỳ nhằm phát triển nguồn nhân lực, trong đó có phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về vi mạch, bán dẫn.

Đơn cử như, ngày 2/8, ngài Marc Evans Knapper, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam đã tới thăm và làm việc với Trường Đại học Phenikaa. Một trong những nội dung quan trọng được trao đổi tại buổi làm việc liên quan đến hợp tác đào tạo lĩnh vực công nghệ vi mạch bán dẫn.

Việt Nam - Hoa Kỳ hợp tác phát triển nguồn nhân lực vi mạch, bán dẫn
Ngài Đại sứ Marc Evans Knapper thăm quan Trung tâm Đào tạo thiết kế Vi mạch bán dẫn Phenikaa

Vi mạch bán dẫn được xem là nền tảng của tính toán hiện đại, giữ vai trò quan trọng trong bối cảnh thế giới bước sang giai đoạn bùng nổ nghiên cứu, ứng dụng và phát triển các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data)... Theo các chuyên gia, Việt Nam có triển vọng lớn để trở thành một trung tâm bán dẫn mới của thế giới khi có nguồn nhân lực phù hợp, với đội ngũ nhân sự trẻ có năng lực về khoa học và toán học; các công ty công nghệ trong nước ngày càng lớn mạnh, các Tập đoàn lớn quốc tế dịch chuyển sản xuất về Việt Nam, đào tạo nguồn nhân lực ở những khâu giá trị cao và nắm bắt công nghệ mới; Chính phủ có quyết sách phát triển ngành…

Lãnh đạo Trường Đại học Phenikaa cho biết, với những đặc thù yêu cầu cao về tính chính xác và chất lượng sản phẩm, năng suất và trình độ lao động… của ngành, đào tạo nhân lực ngành Vi mạch bán dẫn không thể chỉ dừng lại ở chương trình cơ bản bậc đào tạo đại học, mà cần nhiều nỗ lực triển khai các trình độ cao hơn.

Chính vì vậy, Nhà trường đã ký kết Biên bản thỏa thuận hợp tác với Đại học Bang Arizona - trường đào tạo về ngành chip bán dẫn lớn nhất trên thế giới, để xây dựng các chương trình đào tạo, tận dụng các nguồn lực mà Chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ Việt Nam để triển khai các chương trình đào tạo.

Theo đó, Trường Đại học Bang Arizona đồng ý hợp tác trong lĩnh vực bán dẫn (thiết kế mạch tích hợp IC, ATP), Kỹ thuật hàng không, Kỹ thuật năng lượng sạch; đồng thời sẽ hợp tác với Trung tâm Đào tạo Thiết kế vi mạch bán dẫn tổ chức các khóa đào tạo về bán dẫn cho giảng viên (thiết kết IC nâng cao, ATP), và thúc đẩy phối hợp đào tạo sau đại học.

Đặc biệt, Nhà trường còn ký kết với Synopsys - là một công ty tự động hóa thiết kế điện tử (EDA), cung cấp các công cụ và dịch vụ cho ngành sản xuất và thiết kế chất bán dẫn. Các sản phẩm bao gồm các công cụ tổng hợp logic và thiết kế vật lý của mạch tích hợp, trình mô phỏng để phát triển và môi trường gỡ lỗi hỗ trợ thiết kế logic cho chip và hệ thống máy tính.

Cụ thể, Công ty Synopsys đã hợp tác và cung cấp cho Trường phần cứng là các thiết bị Zebu 5, Zebu 4, số 1 thế giới về ảo hóa Chip trị giá 3 triệu USD trang bị cho Trung tâm Đào tạo Thiết kế vi mạch bán dẫn và toàn bộ phần mềm công cụ thiết kế Chip. Trung tâm sử dụng giáo trình và tài liệu đào tạo Synopsys để đào tạo các “trainer”.

Được biết, tháng 5/2024, Liên minh đào tạo nhân lực và nghiên cứu bán dẫn (VASA) đã được thành lập bởi Trường Đại học Phenikaa - đại diện bởi Trung tâm Phenikaa Đào tạo Thiết kế vi mạch bán dẫn) và Thành phố Đà Nẵng - đại diện bởi Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo thiết kế Vi mạch và AI, theo hình thức đối tác công - tư.

Năm học 2024 - 2025, Trường Đại học Phenikaa tuyển sinh mới 2 chương trình đào tạo thuộc lĩnh vực vi mạch bán dẫn gồm: Thiết kế vi mạch bán dẫn, Chip bán dẫn và công nghệ đóng gói.

Ngân Thương

Theo: Báo Công Thương