Trong bối cảnh Công ty Tài chính CP Tín Việt (VietCredit, UPCoM: TIN) ghi nhận kết quả kinh doanh không mấy khả quan trong quý 2/2023, cổ đông lớn nhất của VietCredit đã có động thái muốn bán toàn bộ cổ phiếu đang sở hữu. Cụ thể, Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) hiện là cổ đông lớn nhất tại VietCredit khi nắm giữ hơn 10 triệu cổ phiếu TIN (tương ứng 14,31% vốn điều lệ) vừa có thông báo đấu giá bán toàn bộ cổ phiếu đang nắm giữ tại VietCredit.
Ảnh minh họa |
Theo đó, Vicem sẽ đấu giá hơn 10 triệu cổ phần TIN. Giá khởi điểm được đưa ra là 71.759 đồng/cp, tương ứng tổng giá trị hơn 717 tỷ đồng.
Trong khi đó tại thời điểm rao bán, cổ phiếu TIN trên thị trường đang giao dịch quanh mốc 12.100 đồng/cp trong phiên chiều ngày 8/8, tương ứng mức giá Vicem đưa ra cao gấp 5,9 lần thị giá.
Trên thị trường chứng khoán, sau khi tin tức Vicem muốn rao bán toàn bộ cổ phiếu đang nắm giữ tại VietCredit được đưa ra rộng rãi, cổ phiếu TIN của VietCredit được đà “rung lắc” mạnh. Cụ thể, Sau thông báo ngày 8/8, tới phiên giao dịch ngày 9, 10 và 11/8, cổ phiếu TIN đã bất ngờ tăng mạnh 3 phiên liên tiếp, nâng thị giá cổ phiếu từ 12.100 đồng/cp lên 16.300 đồng/cp (tương ứng tăng 34%) chỉ trong vòng 3 ngày.
Diễn biến giá cổ phiếu TIN những phiên vừa qua |
Chưa dừng lại, cổ phiếu TIN lại tiếp tục gây bất ngờ khi nằm sàn trong phiên giao dịch ngày 14/8. Tính đến thời điểm chốt phiên ngày 14/8 hiện thị giá cổ phiếu của vietCredit đang ở mức 14.500 đồng/cp (tương ứng giảm 14,71%). Tuy nhiên, so với thời điểm đầu năm (12.100 đồng/cp) hiện thị giá cổ phiếu TIN đã tăng gần 20%.
Về tình hình kinh doanh của VietCredit, theo dữ liệu hợp nhất quý 2/2023, VietCredit ghi nhận thu nhập lãi thuần giảm 8% so với cùng kỳ, còn hơn 314 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các hoạt động phi tín dụng như kinh doanh ngoại hối, mua bán chứng khoán kinh doanh và hoạt động khác đều ghi nhận lợi nhuận giảm. Tổng cộng, VietCredit ghi nhận đạt gần 342 tỷ đồng thu nhập hoạt động, giảm 9% so với cùng kỳ.
Sau khi khấu trừ đi chi phí, VietCredit thu về lãi thuần từ hoạt động kinh doanh còn 201 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ.
Trong kỳ, Doanh nghiệp tài chính này tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro tín dụng (tăng 27%) lên 238 tỷ đồng. Kết quả, VietCredit báo lỗ sau thuế gần 30 tỷ đồng, cùng kỳ năm ngoái lãi gần 35 tỷ đồng.
Theo BCTC quý 2/2023 của VietCredit |
Lũy kế 6 tháng đầu năm, VietCredit ghi nhận lãi trước thuế hơn 17 tỷ đồng, giảm 68% so với cùng kỳ, chủ yếu do thu nhập lãi thuần giảm 10% xuống còn 582 tỷ đồng; trong khi chi phí hoạt động đi ngang ở mức gần 275 tỷ đồng và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng 6% lên hơn 397 tỷ đồng.
Năm 2023, VietCredit lên kế hoạch kinh doanh với mục tiêu lợi nhuận trước thuế gần 107 tỷ đồng, tăng gần 41% so với thực hiện năm 2022. Như vậy, so với kế hoạch, VietCredit mới thực hiện được 16% kế hoạch lợi nhuận sau nửa đầu năm 2023.
Tính đến 30/6/2023, tổng tài sản của VietCredit đạt hơn 6.009 tỷ đồng, giảm 8% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng giảm 8%, còn hơn 4.062 tỷ đồng.
Về nguồn vốn huy động, tiền gửi của khách hàng và phát hành giấy tờ có giá lần lượt giảm 29% và 44% so với đầu năm, xuống còn 299 tỷ đồng và 2.052 tỷ đồng.
Đáng chú ý, nợ xấu của VietCredit tăng mạnh 56% so với đầu năm lên hơn 819 tỷ đồng, chủ yếu do nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) gấp hơn 2 lần, lên gần 486 tỷ đồng. Dư nợ cho vay khách hàng giảm trong khi nợ xấu tăng cao khiến tỷ lệ nợ xấu tăng lên mức 20,17%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm từ 53,4% xuống còn 47%.
Được biết, năm 2023, VietCredit đặt mục tiêu tổng lợi nhuận trước thuế tăng 41% so với năm 2022, lên gần 107 tỷ đồng. Tổng tài sản dự kiến đạt hơn 7.122 tỷ đồng, tăng 9%. Tổng nguồn vốn huy động tăng 7%, lên 5.741 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 10%. Tuy nhiên, ơ thời điểm hiện tại tỷ lệ nợ xấu đã vượt quá kế hoạch đề ra.
Trước đó hồi tháng 5/2023, VietCredit đã được NHNN chấp thuận về việc phát hành cổ phiếu ưu đãi cho người lao động (ESOP) năm 2023 để tăng vốn điều lệ từ 688 tỷ đồng lên 701 tỷ đồng. Theo đó, VietCredit sẽ phát hành hơn 700.000 cổ phiếu phổ thông, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu chào bán cho người lao động theo hình thức cổ phiếu ESOP.
Theo VietCredit, đợt tăng vốn điều lệ lần này sẽ giúp cho việc đầu tư và phát triển hệ thống công nghệ thông tin, trụ sở, mạng lưới hoạt động và kinh doanh, đồng thời giúp công ty tăng khả năng vượt qua các tỷ số an toàn hoạt động và nâng cao nguồn lực quản trị rủi ro.
VietCredit báo lỗ ròng quý 2 gần 30 tỷ, nợ xấu vọt tăng 56% so với đầu năm Thu nhập hoạt động giảm mạnh hơn chi phí, đồng thời trích lập dự phòng rủi ro tín dụng tăng mạnh là nguyên nhân khiến ... |
VietCredit lọt “Top 10 Thương hiệu tiêu biểu hội nhập châu Á – Thái Bình Dương 2019” TBCKVN – Doanh nghiệp cho vay tiêu dùng VietCredit nhận đánh giá tốt về các sản phẩm có tính năng thiết thực, đáp ứng đúng ... |
VietCredit (TIN) báo lãi trước thuế tăng 52% trong năm 2022 Theo báo cáo tài chính của Công ty Tài chính CP Tín Việt (VietCredit – UPCOM: TIN) năm 2022. Công ty này ghi nhận thu ... |
Minh Khang