Năm 2025, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, HOSE: HVN) đặt mục tiêu doanh thu công ty mẹ đạt 95.600 tỷ đồng (tương đương hơn 3,7 tỷ USD). Mục tiêu này được Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà cho biết tại Hội nghị Triển khai Nghị quyết Lãnh đạo nhiệm vụ năm 2025 vừa diễn ra mới đây.
![]() |
Hình minh họa |
Theo lãnh đạo hãng bay này, Vietnam Airlines ghi nhận nhiều thách thức trong năm 2024 do biến động kinh tế toàn cầu, giá nhiên liệu leo thang và ảnh hưởng từ chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, hãng vẫn phục vụ hơn 22,7 triệu lượt hành khách, tăng 7,7% so với năm trước, và báo lãi hợp nhất trước thuế 7.464 tỷ đồng.
Trong năm 2025, Vietnam Airlines đặt mục tiêu vận chuyển 25,4 triệu lượt hành khách, sản lượng hàng hóa đạt 336.300 tấn, với số chuyến bay khai thác dự kiến tăng lên 156.000. Về tài chính, doanh thu công ty mẹ dự kiến đạt 95.600 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế ước khoảng 2.176 tỷ đồng.
Hãng cũng lên kế hoạch đầu tư 50 tàu bay thân hẹp nhằm mở rộng thị trường và nâng cao hiệu suất khai thác. Đồng thời, Vietnam Airlines tiếp tục tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, trong đó có các tổ hợp dịch vụ tại sân bay Long Thành.
Báo cáo tài chính quý IV/2024 cho thấy doanh thu thuần của Vietnam Airlines đạt 26.625 tỷ đồng, tăng gần 12% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, giá vốn hàng bán giảm mạnh giúp hãng ghi nhận lãi gộp 4.377 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với khoản lỗ gộp hơn 189 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước.
Dù chi phí tài chính tăng 147% lên 1.851 tỷ đồng do lỗ tỷ giá 650 tỷ đồng, hãng được hoàn nhập 528 tỷ đồng từ các khoản phạt chậm trả thuế và vi phạm hợp đồng. Trong kỳ, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt tăng 67% và 26%. Kết quả, Vietnam Airlines báo lãi sau thuế 1.004 tỷ đồng, đánh dấu quý thứ tư liên tiếp có lợi nhuận trên dưới 1.000 tỷ đồng.
Lũy kế cả năm 2024, doanh thu của Vietnam Airlines đạt 106.753 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 7.267 tỷ đồng – mức cao nhất trong lịch sử hoạt động của hãng. Tuy nhiên, đến cuối năm 2024, Vietnam Airlines vẫn ghi nhận lỗ lũy kế 34.307 tỷ đồng, khiến vốn chủ sở hữu âm hơn 10.000 tỷ đồng. Tổng tài sản của hãng đạt 58.064 tỷ đồng, trong khi tổng nợ ở mức 68.109 tỷ đồng, giảm 6.633 tỷ đồng so với đầu năm.
Trước tình hình này, Quốc hội đã phê duyệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines, bao gồm phương án chào bán thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, với quy mô tối đa 22.000 tỷ đồng.
Khoảng một tuần trước, Hội đồng Quản trị Vietnam Airlines đã quyết định lùi thời gian tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2025 sau ngày 13/2 để hoàn tất công tác chuẩn bị cho các nội dung quan trọng.
Đây là lần thứ hai thời gian tổ chức đại hội được điều chỉnh. Ban đầu, sự kiện dự kiến diễn ra vào ngày 21/1, nhưng sau đó được dời đến say ngày 13/2 do thay đổi trong kế hoạch công tác của lãnh đạo tổng công ty.
Tại đại hội lần này, Hội đồng Quản trị dự kiến trình cổ đông thông qua phương án phát hành cổ phần nhằm tăng vốn điều lệ, cập nhật tiến độ tái cơ cấu Vietnam Airlines đến năm 2025, xem xét kế hoạch đầu tư tàu bay thân hẹp, lựa chọn đơn vị kiểm toán cho giai đoạn 2025-2027 cùng một số nội dung liên quan khác.
Theo đề án tái cơ cấu tổng thể, Vietnam Airlines đặt mục tiêu khắc phục tình trạng âm vốn chủ sở hữu hợp nhất, đồng thời điều chỉnh danh mục đầu tư và tái cơ cấu tài sản trong năm nay.
![]() | Sau năm lãi kỷ lục, Agimexpharm (AGP) đặt mục tiêu doanh thu 1.000 tỷ đồng vào năm 2027 Sau năm 2024 ghi nhận lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay, Dược phẩm Agimexpharm (AGP) hướng đến mục tiêu doanh thu 1.000 tỷ ... |
![]() | Hải An đặt mục tiêu doanh thu kỷ lục, mở rộng đội tàu trong năm 2025 Hải An đặt mục tiêu doanh thu kỷ lục 4.243 tỷ đồng năm 2025, với sản lượng vận chuyển hơn 1,5 triệu TEU. Trong khi ... |
Thu Hà