Hai chỉ số thị trường trong tuần từ ngày 22 - 26/05/2023 có diễn biến hoàn toàn trái ngược nhau. VN-Index chững lại đà tăng và quay đầu giảm 0,31% so với cuối tuần trước, về mức 1,063.76 điểm. Trong khi đó, HNX-Index tăng trở lại 1,74%, kết thúc tuần ở 217,64 điểm. Dù diễn biến trái ngược về mặt điểm số song thanh khoản của hai sàn đều giảm so với tuần trước. Cụ thể, khối lượng khớp lệnh trung bình trên sàn HOSE đạt hơn 707 triệu cp/phiên, giảm 5,98%. Tương tự, thanh khoản bình quân trên sàn HNX giảm 16,2%, xuống hơn 93 triệu cp/phiên.
Trên sàn HOSE, gây thất vọng nhất trong tuần qua chính là VCB khi cổ phiếu này giảm điểm 4/5 phiên giao dịch. Hệ quả, riêng VCB kéo giảm chỉ số gần 2,6 điểm.
Bên cạnh VCB, một số cổ phiếu ngân hàng khác như BID, STB, CTG và VPB cũng ghi nhận những tín hiệu tiêu cực. Cụ thể, 4 cổ phiếu kể trên đã kéo giảm hơn 2 điểm của chỉ số. Riêng, BID kéo tăng gần 1,3 điểm, là cổ phiếu tiêu cực thứ hai chỉ sau VCB.
Mặt khác, vẫn có một vài cổ phiếu thuộc nhóm ngân hàng có những biểu hiện tích cực như TCB và EIB, tuy nhiên, tổng điểm kéo tăng chỉ có 0,44 điểm.
Một trong những sự kiện đáng chú ý nhất trong lĩnh vực ngân hàng tuần qua là việc Ngân hàng Nhà nước thông báo hai quyết định điều hành lãi suất có hiệu lực từ ngày 25/05/2023.
Bên cạnh nhóm ngân hàng, mức ảnh hưởng tiêu cực trong tuần qua cũng tới từ nhóm cổ phiếu trụ thuộc rổ VN30, gồm các đại diện đến từ nhiều nhóm ngành như thép (HPG), đồ uống (SAB, VNM), năng lượng (GAS), bất động sản (VIC).
Ở nhóm tích cực, VHM và GVR là hai cổ phiếu chống đỡ chính cho chỉ số tuần qua. Dù vậy, lực đỡ khá khiêm tốn khi chỉ ghi nhận gần 1 điểm kéo tăng mỗi mã.
Tương tự VN-Index, rổ VN30 cũng đón nhận kết quả không mấy tích cực trong tuần qua khi có đến 20 mã kéo giảm và chỉ 10 mã kéo tăng. Ảnh hưởng tiêu cực nhất đến chỉ số là HPG đã làm mất hơn 2,3 điểm. Trong khi đó ở nhóm kéo tăng, VHM là cổ phiếu kéo tăng nhiều nhất nhưng điểm số lại khá khiêm tốn với 1 điểm.
Trái ngược với tình hình của VN-Index, HNX-Index lấy lại được đà tăng trong tuần qua. Góp công lớn nhất và là đầu kéo của chỉ số trong tuần chính là 3 cổ phiếu PVS, IDC, và VCS, với giá trị kéo tăng từ 0,6 - 0,8 điểm mỗi mã. Ở phía ngược lại, PVI ảnh hưởng tiêu cực nhất chỉ với 0,2 điểm kéo giảm.
Trong bối cảnh thị trường sụt giảm, giao dịch khối ngoại cũng không mấy tích cực khi mạnh tay bán ròng 2.364 tỷ đồng trong toàn bộ 5 phiên. Cụ thể, khối ngoại đã bán ròng 2.234 tỷ đồng trên kênh khớp lệnh cộng thêm bán ròng 130 tỷ đồng thoả thuận.
Xét riêng theo từng mã cổ phiếu, ba cổ phiếu VND, HPG và VNM bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất trong tuần này, giá trị đều vượt ngưỡng 300 tỷ đồng. Bên cạnh đó, CTG và MSN cũng bị bán ròng trăm tỷ sau 5 phiên giao dịch.
Ngược lại, dòng tiền ngoại ghi nhận giá trị giao dịch mua ròng mạnh nhất tại hai cổ phiếu nhà Vingroup là VRE và VIC, bên cạnh đó POW được mua ròng. Ngoài ra, nhà đầu tư ngoại tuần này gom ròng loạt cổ phiếu VCB, PVS, EIB,...
Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) cho biết, sau tuần bùng nổ khá tốt và tạo ra được sóng tăng ngắn hạn, thị trường bước vào vùng điều chỉnh với 2 tuần liên tiếp gần như đi ngang. VN-Index tiếp tục hình thành nền tảng tích lũy nhỏ chặt chẽ.
Với trạng thái như hiện tại, SHS đánh giá biểu đồ VN-Index gần như hoàn thiện được nền tảng điều chỉnh tích lũy và sẵn sàng tiếp tục xu hướng tăng tiếp theo. Nếu vượt được vùng kháng cự gần quanh 1.075 điểm, chỉ số có thể kỳ vọng hướng tới vùng kháng cự 1.100 điểm và xa hơn nữa là quanh 1.150 điểm, đồng thời tạo tiền đề cho uptrend trung hạn.
Trong trường hợp thị trường không hình thành được uptrend trung hạn (vượt qua vùng 1.150 điểm) thì SHS cho rằng, ngưỡng hỗ trợ của VN-Index sẽ xoay quanh khu vực 1.000 điểm - 1.050 điểm. “Xét về tổng thể, với nền tảng tích lũy chặt chẽ trong hơn 6 tháng qua, thị trường đã tạo ra cơ sở tích lũy đủ tốt để hình thành sóng trung hạn. Theo quan điểm của chúng tôi, giai đoạn hiện tại, thị trường đang chuyển từ trạng thái thận trọng sang trạng thái tích cực hơn”, SHS nhận định.
Còn theo Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS), về góc nhìn kỹ thuật, VN-Index kết tuần tạo nến đỏ, giao dịch quanh mốc tham chiếu do lực bán chủ yếu ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đè nặng áp lực lên chỉ số chung.
Xét về khung đồ thị ngày, thị trường vẫn đang vận động tích lũy tích cực quanh vùng điểm 1.060 – 1.070 điểm cùng với sự phân hóa, tăng giảm đan xen giữa các nhóm ngành. Tại khung đồ thị giờ, 2 chỉ báo MACD và RSI đã tạo đáy đầu tiên, bật nảy và đang có xu hướng đảo chiều hướng xuống. Với kịch bản tích cực, VN-Index sẽ tiếp tục rung lắc từ 1 – 3 phiên tới để 2 chỉ báo nói trên hình thành 2 đáy và bước vào nhịp tăng điểm mới.
VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư tiếp tục bám sát thị trường, có thể cân nhắc giải ngân từ 20 – 30% đối với những cổ phiếu đang có xu hướng điều chỉnh tích lũy, kiểm tra thành công khu vực kháng cự thuộc các nhóm ngành như chứng khoán, dầu khí, xây dựng.
UBCKNN và JICA thảo luận về Dự án “Nâng cao năng lực về thúc đẩy hiệu quả TTCK” Chủ tịch UBCKNN kỳ vọng, Dự án “Nâng cao năng lực về thúc đẩy hiệu quả thị trường chứng khoán” sắp được triển khai trong ... |
Nhiều cổ phiếu bị hạn chế giao dịch trên sàn HNX từ ngày 31/5 Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa có quyết định hạn chế giao dịch với hàng loạt cổ phiếu. Như vậy, kể từ ... |
Nhận định chứng khoán ngày 29/5/2023: Xu hướng thị trường phái sinh Các chuyên gia phân tích và công ty chứng khoán đưa ra nhận định về thị trường phái sinh cho ngày giao dịch 29/5/2023. Tạp ... |
Nhật Hải